Nước mắm truyền thống lại lo bị triệt tiêu
Ý kiến của các nhà sản xuất lẫn chuyên gia trong ngành đã không được cơ quan chức năng tiếp thu khi biên soạn dự thảo về tiêu chuẩn nước mắm
Ngày 27-2, tại hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do CLB Nước mắm truyền thống thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức, các DN đồng lòng kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tạm dừng ban hành tiêu chuẩn này.
Dự thảo TCVN về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) biên soạn, ngưng nhận ý kiến góp ý từ ngày 28-2 nhưng đối tượng tác động chính của bộ tiêu chuẩn này là cơ sở, DN sản xuất nước mắm lại gần như không hay biết. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết trong dự thảo có nhiều quy định rất bất lợi cho nước mắm truyền thống. "Chúng tôi lo ngại TCVN lặng lẽ ra đời sẽ kéo theo sự biến mất lặng lẽ của các làng nghề nước mắm truyền thống nên buộc phải lên tiếng" - bà Hạnh nói.
Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), rất bức xúc khi đọc dự thảo về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm. Theo bà, các ý kiến của các nhà sản xuất nước mắm thực thụ, chuyên gia trong ngành đã không được cơ quan quản lý tiếp thu. Chuyên gia lâu năm về nước mắm, TS Trần Thị Dung, chỉ ra hơn 50 nội dung quy định không phù hợp với thực tế sản xuất nước mắm. Ví dụ như yêu cầu kiểm soát các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật trong khi nguyên liệu làm nước mắm là cá biển chứ không phải cá nước ngọt (cá nuôi). Quy định này buộc nhà sản xuất phải tốn tiền xét nghiệm các chỉ tiêu không có nguy cơ tồn dư trong nước mắm. Dự thảo cũng quy định nhà sản xuất phải loại bỏ cá nguyên liệu đã bị phân hủy mạnh, trong khi làm nước mắm sử dụng cá không tươi là bình thường (trừ nước mắm Phú Quốc ướp muối ngay trên tàu).
Chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành phản ánh với TCVN, các cơ quan quản lý đã "đồng hóa" nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp. Theo đó, nước mắm chỉ có cá và muối được gọi là nước mắm nguyên chất còn nước mắm truyền thống ở các làng nghề gồm cá, muối, đường, bột ngọt bị xếp chung với nước mắm công nghiệp (gồm nguyên liệu nước mắm như trên pha nước cho thêm chất tạo ngọt, chất điều vị, chất tạo sánh, chất bảo quản, hương nước mắm, phẩm màu). Ông Thành kiến nghị không gọi các sản phẩm có dùng chất bảo quản, hương liệu, phẩm màu là "nước mắm" mà là "nước mắm công nghiệp" hoặc "nước mắm pha chế", "nước chấm" tùy theo độ đạm để không nhập nhèm với nước mắm truyền thống.
Ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, nhận định nếu áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn như dự thảo sẽ triệt tiêu tất cả làng nghề nước mắm lâu đời ở Việt Nam. "Họ chỉ còn có thể cung cấp nguyên liệu cho các tập đoàn kinh tế lớn và sẽ làm mai một văn hóa Việt Nam" - ông Dũng cảnh báo.
Trước những bất hợp lý xung quanh quy định về quản lý nước mắm, ông Trương Đình Hòe, Chủ nhiệm CLB Nước mắm truyền thống, kiến nghị tạm dừng ban hành TCVN về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm để tiếp tục lấy ý kiến góp ý. Ông Hòe cũng kiến nghị cơ quan quản lý cần khảo sát thực tiễn, tổ chức các hội thảo khoa học trước khi ban hành quy định.
Không "lấy đá ghè chân"
Tại hội thảo, ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đề nghị cần có sự phân biệt nước mắm truyền thống, nước mắm công nghiệp và nước chấm để người tiêu dùng lựa chọn và cạnh tranh lành mạnh. Theo ông Giang, nước mắm là sản phẩm truyền thống lâu đời, việc bổ sung thêm các chỉ tiêu cần kiểm soát không cần thiết (kháng sinh, thuốc thú y…) là tự "lấy đá ghè chân mình". "Xây dựng xong quy phạm sản xuất nước mắm để rồi xóa sổ sản xuất nước mắm truyền thống thì cần phải xem lại. Các hiệp hội cần có ý kiến với cơ quan chủ quản hoặc cấp cao hơn như Chính phủ để được lắng nghe" - ông Giang gợi ý.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm