Nông sản Việt mất giá, không thể trách mình nông dân

Thứ bảy, 23/06/2018, 11:01 AM

Điệp khúc giải cứu nông sản đã trở nên quen thuộc trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, sẽ thật bất công khi đổ hoàn toàn mọi trách nhiệm lên người nông dân khi mà những cơ quan chức năng chưa thể hiện được năng lực và trách nhiệm của mình trước những sự cố này.

Vị trí của ngành nông nghiệp chưa xứng tầm với vai trò quan trọng của mình

Việt Nam có 70% dân số với hơn 8 triệu dân hoạt động nông nghiệp, đóng góp 25-30% GDP, tưởng rằng con số lớn đến như vậy có thể giúp nông nghiệp có chỗ đứng vững chắc trong nền kinh tế nước nhà. Thế nhưng thực tại lại cho thấy nông dân Việt Nam luôn phải đối diện với nỗi lo “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Điệp khúc giải cứu nông sản của bộ nông nghiệp phát đi “đều đặn” trong năm đã trở thành quen thuộc. Nông dân trở thành lực lượng bất lực với nghề nghiệp của mình, kiệt quệ trong giá cả thị trường, thậm chí phải van xin để có thể thu hồi những đồng lãi ít ỏi từ công sức của bản thân và gia đình. 

Hình ảnh người nông dân bật khóc bên ruộng dưa hấu mất giá phản ánh rõ nỗi khổ của người nông dân Việt. Ảnh: Zing.vn

Hình ảnh người nông dân bật khóc bên ruộng dưa hấu mất giá phản ánh rõ nỗi khổ của người nông dân Việt. Ảnh: Zing.vn

Tại Quảng Ngãi, đầu tháng 5 vừa qua, khi giá dưa hấu chỉ còn 1.000-1.500 đồng/kg, UBND huyện Bình Sơn phải gửi thư huy động các cơ quan, đoàn thể mua giúp hàng ngàn tấn dưa cho nông dân. Tương tự, nhiều nông sản khác như ớt xiêm, bí đỏ… cũng rơi vào tình cảnh ế ẩm, giá chỉ 5.000-6.000 đồng/kg. Trước đó, có thể kể tên hàng loạt những nông sản cũng gắn biển giải cứu như: khóm (Phú Yên) giá chỉ còn 1.000 đồng/trái, khoai lang (Gia Lai) giá 3.000 đồng/kg, bí đao Hội An (Quảng Nam) với giá chỉ 1.000 - 1.500 đồng/kg vẫn không có người mua. Trước đó không lâu, cũng tại Quảng Nam nông dân kêu cứu vì ớt, dưa hấu.

Nước mắt trên chính mảnh đất nuôi sống gia đình mình

Nước mắt trên chính mảnh đất nuôi sống gia đình mình

Ở khu vực miền Nam, nông dân trồng mít cũng khốn khổ vì giá mít từ 40.000 - 50.000 đồng rớt xuống còn 5.000 - 7.000 đồng/kg hay như giá dừa từ 170.000 rớt xuống chỉ còn 30.000 đồng/chục. Tại TP.HCM, nông dân nuôi bò sữa lại lao đao vì giá sữa rẻ như... nước lã. Nhiều hộ phải bán bò và chấp nhận chịu lỗ. Hay trước đó là câu chuyện ế ẩm củ cải trắng ở Hà Nội.

Hình ảnh người nông dân loay hoay bên sản phẩm trồng trọt của mình, rơi nước mắt khi phải bỏ nông sản vì giá thấp như cho không đã trở thành quen thuộc với nền nông nghiệp Việt Nam. Một bức tranh ảnh đạm xoay vòng từ mùa này sang mùa khác mà không thể thay đổi được dù ngành nông nghiệp đang nuôi sống hớn 70% dân số. 

Trách nhiệm của cơ quan chức năng ở đâu?

Mỗi mùa giải cứu nông sản, người dân cả nước lại thắc mắc tại sao nông dân Việt Nam cứ mãi chạy theo thị trường để rồi lâm vào cảnh “cung vượt cầu”, nông sản được mùa nhưng lại mất giá dù rằng trước đó đã có nhiều bài học đắt giá. Tuy nhiên, không thể đổ lỗi cho nông dân Việt khi trách nhiệm còn đến từ cơ quan chức năng.  

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam năm 2016, chỉ có 4,5% nông dân Việt Nam đã qua đào tạo và có bằng cấp, chứng chỉ nghề ở ngành nông nghiệp. Điều này phản ánh chất lượng nguồn nhân lực trong nông dân còn rất yếu kém. Sự yếu kém này đẫ dẫn đến tình trạng sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn còn đang trong tình trạng sản xuất nhỏ, manh mún, sản xuất theo kiểu truyền thống, hiệu quả sản xuất thấp. Người nông dân không thể tự chủ trước thị trường hoặc tự đưa ra kế hoạch sản xuất lâu dài cho sự phát triển nghề nghiệp của mình.

Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại ít xuất hiện và đồng hành cùng người nông dân. Người nông dân không được tư vấn, cảnh báo rõ ràng về việc chạy theo thị trường từ đó tự ý thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển sang những loại cây trồng vật nuôi đang có giá cao, gây ra tình trạng mất cân bằng giữa “cung và cầu” khiến nông sản mất giá. 

Mặt khác, người nông dân chưa được chỉ dẫn để chuyển hướng mô hình trồng trọt. Theo đó các hộ nông dân cá thể liên kết với nhau trên tinh thần, mục đích phát triển lâu dài. Có vùng nguyên liệu, hợp tác xã sẽ sản xuất theo yêu cầu về chủng loại, số lượng, chất lượng của doanh nghiệp, theo nhu cầu thị trường. Muốn cho sự hợp tác này bền vững phải có sự tham gia của bên thứ ba là Nhà nước. Nhà nước bằng cơ chế chính sách tạo điều kiện để các nông dân cá thể liên kết được với nhau và môi trường tốt để doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, nông dân Việt Nam vẫn đang hoạt động riêng rẽ và manh mún. Các cơ quan chức năng chỉ thật sự xuất hiện khi có nông sản cần giải cứu, trong khi giải pháp lâu dài lại không hề được thực hiện. Cơ quan chức năng và nông dân vẫn chưa thể đồng hành để đảm bảo cho sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam.

Sự đồng hành của lực lượng sản xuất và những ban ngành chỉ đạo là hướng đi lâu dài mà các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc đã áp dụng thành công. Đưa nông nghiệp về đúng vị trí chiến lược của mình, cũng như đặt nặng, làm rõ trách nhiệm của các cấp lãnh đạo trong kế hoạch phát triển lâu dài mới là giải pháp hiệu quả cho nông sản Việt. Tránh để trường hợp nông dân Việt “bơ vơ”, không có người đồng hành trong nghề nghiệp của mình.

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

(Theo Nghị định 199/2013/NĐ-CP, ngày 26/11/2013)

Về nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi):

a) Chỉ đạo xây dựng, kiểm tra thực hiện quy hoạch phát triển vùng cây trồng, vùng chăn nuôi tập trung, sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; kế hoạch sử dụng, bảo vệ và cải tạo nâng cao độ phì đất nông nghiệp; chống xói mòn, sa mạc hoá và sạt lở đất;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện sử dụng ngân sách cho các chương trình phòng, chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh trên động vật, thực vật;

c) Chỉ đạo thực hiện về cơ cấu cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi, thu hoạch, bảo quản và tổng kết, đánh giá thực hiện kế hoạch sản xuất trồng trọt, chăn nuôi hàng năm;

d) Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giống cây trồng nông nghiệp, giống vật nuôi nông nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y theo quy định của pháp luật.

Hoài Viễn

Theo NTD

largeer