Nông sản Việt, giá cao vẫn sợ, giá thấp lại buồn

Thứ năm, 05/04/2018, 14:03 PM

Những ngày gần đây, các mặt hàng nông sản như chuối, mít, thanh long đồng loạt tăng giá cao đem lại nguồn thu cho người nông dân trồng các loại cây này. Tuy nhiên, song song với niềm vui được giá lại là nỗi lo giá giảm đột ngột do thương lái ngừng mua như những loại nông sản trước đây.

Những “cú rớt giá” thê thảm của nông sản Việt

Nông sản Việt Nam thường xuyên phải đứng trước nguy cơ “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Giá cả bấp bênh và chênh lệch lớn đã tạo nên một biểu đồ đầy biến động của nền nông nghiệp nhiều năm qua.

Mặt hàng nông sản có giá cao gần đây là chuối với giá dao động 17000-18000đồng/kg. Đây là  giá cao nhất trong hai năm trở lại đây, gấp chục lần giá chuối thời kì đen tối nhất năm 2016 với giá  500 đồng -2 ngàn/kg. Trước đó vào năm 2016, giá chuối cũng từng được đẩy lên cao với mức giá từ 10  - 14ngàn/kg do thương lái Trung Quốc kéo sang nhà vườn mua ồ ạt. Đến tháng 3/2016, thương lái Trung Quốc đột ngột dừng thu mua, giá chuối rớt về mức 500đồng/kg. Lực lượng chức năng phải kêu gọi chiến dịch “giải cứu chuối”. Tuy nhiên giá chuối rớt thê thảm năm 2016 vẫn là một kí ức buồn đối với người nông dân.

Chuối từng lâm vào cảnh chín không ai mua tại Đồng Nai.

Chuối từng lâm vào cảnh chín không ai mua tại Đồng Nai.

Khoảng đầu năm 2015, giá mít Thái ở Đồng bằng sông Cửu Long  có giá cao ngất ngưởng, từ 20 – 30 ngàn/kg. Nhiều nhà vườn đua nhau trồng giống mít này nhưng chỉ vài tháng sau đó, giá mít trên thị trường giảm mạnh chỉ còn 2 ngàn/kg. Đến tháng 3/2018, giá mít Thái lại một lần nữa được đội lên mức giá kỉ lục từ 40 ngàn- 50 ngàn/kg. Nhà vườn đổ xô ồ ạt trồng mít mặc kệ những cảnh báo từ các chuyên gia về sự bão hòa của thị trường.

Từ giữa năm 2017, nông dân các tỉnh Gia Lai, Bình Phước lại lâm vào cảnh “bỏ chết vườn tiêu” khi giá tiêu giảm dần về mức giá cách đây mười năm. Tháng 5/2016, giá hồ tiêu giao động từ 160 ngàn – 180 ngàn/kg. Nhưng đến tháng 3/2018, giá tiêu chỉ còn 54 ngàn/kg. Mức giá “dưới đất” này khiến người nông dân lao đao và phải bỏ vườn tiêu vì không đủ chi phí để chăm sóc.

Thực trạng giá nông sản tăng cao khiến nông dân đổ xô đi trồng sau đó đột ngột giảm mạnh khiến người nông dân lâm vào cảnh thất bát dường như đã trở thành vòng tròn tất yếu của ngành nông nghiệp. Dường như nông sản nào cũng từng trải qua thời kì “đem cho không ai lấy” vì mất giá.

Đâu là chỗ dựa cho người nông dân?

Việt Nam có 70% dân số hoạt động trong ngành nông nghiệp, với tổng số người làm nông cao hơn 11 nước TPP của Việt Nam cộng lại. Thế nhưng dường như 70% dân số này vẫn còn đang bấp bênh khi không thể tìm thấy một chỗ dựa vững chắc cho nghề nghiệp của mình.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực của nông sản Việt Nam. Cụ thể, mặt hàng rau quả, tính đến hết tháng 5/2017, Trung Quốc vẫn là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu hàng rau quả, với 1,06 tỷ USD, tăng 51% và chiếm 75% trong tổng trị giá rau quả xuất khẩu nước ta. Mặc dù có một thị trường lớn với 1,4 tỉ dân nhưng nông sản Việt vẫn đứng trước cảnh bấp bênh phụ thuộc và thương lái. Giá nông sản vẫn thấp vì ¾ mặt hàng rau quả xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, buôn bán nhỏ lẻ.

Bà Y.M, nông dân tại huyện Bù Đốp, Bình Phước cho biết “Hồi đợt thương lái Trung Quốc qua mua, giá chuối tăng cao lắm, tận 15 ngàn/kg. Sau người ta đột ngột không vào nhà vườn mua nữa. Chuối còn có 2 ngàn/kg. Đợt đó rớt giá nên phải chặt bỏ 500 cây chuối để cho heo ăn hết. Nay nghe chuối tăng cũng không dám ham tại rồi nó cũng rớt giá lại thôi.”

Các cơ quan chuyên ngành, cụ thể là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vẫn còn là cụm từ xa lạ với người nông dân. Khoảng cách giữa cơ quan chuyên ngành và người dân dường như vẫn còn xa khi tình trạng tự phát, ồ ạt chạy theo nông sản giá cao vẫn thường xuyên xảy ra ở các vùng quê.

Anh N.V, chủ vườn tiêu tại Lộc An, huyện Lộc Ninh, Bình Phước chia sẻ “ Mấy năm trước tiêu có khi lên tới 200 ngàn/kg. Bà con hồ hởi mua tiêu về ươm, trồng. Nay tiêu rớt giá còn có 54 ngàn/kg. Bằng giá 10 năm trước, mấy vườn tiêu không đủ phân bón, tưới tắm nên vàng lá chết hết. Mấy người nhổ cà phê để trồng tiêu nay chưa kịp thu hoạch thì coi như bỏ vườn tiêu hết rồi. Quanh năm suốt tháng nông dân tự trồng tự bỏ, chứ có ai chỉ đường vẽ lối cho mà làm đâu”.

Vườn tiêu bị vàng lá tại Lộc Ninh, Bình Phước

Vườn tiêu bị vàng lá tại Lộc Ninh, Bình Phước

Vấn đề bình ổn giá của nông sản là bài toán đau đầu của nền kinh tế Việt Nam khi nền nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ và mang tính tự phát, thiếu sự cân đối giữa cung và cầu. Các chuyên gia kinh tế lẫn cơ quan chuyên ngành chỉ có thể đề xuất, kêu gọi “giải cứu” thì có lẽ người nông dân vẫn phải tự mình mò mẫm “được ăn cả, ngã về không” với nghề nghiệp nuôi sống bản thân mình.

Hoài Viễn

Theo NTD

largeer