Nới thời hạn thị thực: Cơ hội cho ngành du lịch cất cánh

Thứ tư, 16/08/2023, 10:11 AM

Gần đây, ngành du lịch TPHCM tổ chức nhiều sự kiện nhằm tăng cường sản phẩm du lịch thu hút du khách quốc tế và kỳ vọng với chính sách mới về nới thời hạn thị thực (visa) có hiệu lực từ ngày 15-8, sẽ là cơ hội cho du lịch phục hồi và cất cánh.

“Phủ sóng” kế hoạch ngắn và dài hạn

Chiều 15-8, Sở Du lịch TPHCM tổ chức họp báo sự kiện Hội chợ Du lịch quốc tế TPHCM 2023 (ITE HCMC 2023) sẽ diễn ra đầu tháng 9 tới. ITE HCMC 2023 được xem là sự kiện quan trọng nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và TPHCM đến du khách trong nước và quốc tế. Tính đến thời điểm hiện tại, hội chợ ghi nhận số lượng đăng ký tham dự lên tới hơn 400 đơn vị và thương hiệu, trong đó có hơn 370 đơn vị và thương hiệu trong nước, 30 đơn vị và thương hiệu quốc tế.

Trước đó, TPHCM đã tổ chức thành công Lễ hội sông nước, thu hút hàng chục ngàn khách trong nước và quốc tế. Lễ hội lần đầu tiên được tổ chức, có rất nhiều sản phẩm du lịch mới, được đánh giá là một điểm nhấn hết sức tích cực, tạo đà cho ngành du lịch “tăng tốc”.

Du khách quốc tế nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chiều ngày 15-8-2023. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Du khách quốc tế nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chiều ngày 15-8-2023. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhằm khai thác thế mạnh sông nước, UBND TPHCM cũng ban hành kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TPHCM giai đoạn 2023-2025, phấn đấu doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm… Mục tiêu đến năm 2025, sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên tất cả tuyến sông Sài Gòn (Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu), liên kết các tuyến đường thủy thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến kênh nội đô với ít nhất là 10 chương trình du lịch đường thủy; khai thác các chương trình du lịch kết nối từ các cảng biển với các tuyến đường sông.

Theo kế hoạch đặt ra, nâng tổng số phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch đến năm 2025 đạt 200 ca nô, 100 tàu, thuyền và du thuyền các loại. Nhiệm vụ trọng tâm phát triển du lịch đường thủy trong giai đoạn 2023-2024 là cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có.

Tăng cơ hội đón khách chi tiêu cao

Ngày 14-8-2023, Chính phủ ban hành cùng lúc 2 nghị quyết liên quan tới các chính sách mới về visa, đã gia tăng thêm các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử, bao gồm 13 sân bay, 16 cửa khẩu đường bộ và 13 cửa khẩu đường biển. Cùng đó, thời hạn thị thực điện tử (e-visa) sẽ được kéo dài từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần; thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực được kéo dài từ 15 ngày lên 45 ngày

Các doanh nghiệp trong ngành du lịch hết sức hồ hởi về chính sách visa mới. Chia sẻ với PV Báo SGGP, ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Vietluxtour, nói: “Với chính sách visa mới, chúng tôi và đối tác mạnh dạn hơn trong việc quảng bá các dòng sản phẩm dài ngày. Trước đây, Vietluxtour vẫn bán các dòng sản phẩm dưới 15 ngày và trên 15 ngày, nhưng đa số khách sẽ chọn dưới 15 ngày để được hưởng ưu đãi miễn visa. Với chính sách visa mới, sẽ có nhiều khách chọn tour trên 15 ngày trong thời gian tới, cũng như các khách đã đặt tour trên 15 ngày sẽ không phải làm visa nữa. Nếu không có chính sách visa mới thì các tour trên 15 ngày, chúng tôi phải xin visa 1 tháng cho khách”.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing Công ty TSTtourist nhìn nhận, nới thêm thời hạn thị thực là cơ hội rất lớn cho đơn vị triển khai đón các dòng khách đến từ các thị trường Đông Nam Á cũng như Mỹ, châu Âu… thông qua các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước cũng như quốc tế.

Theo Sở Du lịch TPHCM, 7 tháng đầu năm 2023, TPHCM đón 2,36 triệu lượt khách quốc tế, tăng 208,3% so cùng kỳ năm 2022, đạt 47,2% so với kế hoạch năm 2023; với tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 93.593 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ và đạt trên 58% so với kế hoạch năm 2023 đề ra. Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, nhìn nhận, những điều chỉnh mới về chính sách thị thực đã tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế đến với Việt Nam. Song, để du lịch Việt Nam hấp dẫn hơn, tạo được sức hút mạnh mẽ với các thị trường quốc tế thì còn cần nhiều giải pháp đồng bộ.

Hiện tại, TPHCM đã và đang nỗ lực làm mới, xây dựng các sản phẩm tour liên tuyến, gồm cả trên bộ lẫn đường sông… để thu hút khách đến. Các giải pháp để xây dựng, làm mới sản phẩm du lịch theo hướng dài hơi hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường khách có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày; chuyên nghiệp hóa công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, nâng cao hiệu quả quản lý điểm đến… Ông Lê Trương Hiền Hòa kỳ vọng, với sự đầu tư quy mô, bài bản, du lịch Việt Nam sẽ nhanh chóng bứt phá, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, lọt vào nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.

Xây dựng hạ tầng, sản phẩm mới

Ngày 15-8, bên lề hội nghị về du lịch do Bộ VH-TT-DL tổ chức, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, cho rằng, điểm khó khăn nhất là chính sách visa đã được tháo gỡ nhưng đó mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để du lịch Việt Nam hấp dẫn hơn, nâng cao tính cạnh tranh cũng như tạo sức hút mạnh mẽ hơn đối với các thị trường quốc tế, là phải có một loạt giải pháp đồng bộ hơn nữa. Chúng ta cần có nhiều giải pháp tận dụng cơ chế chính sách visa mới một cách nhanh chóng.

Các địa phương, doanh nghiệp cần tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ, đưa ra các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu lưu trú dài hơn, chi tiêu nhiều hơn của khách quốc tế khi đến Việt Nam. Ngành du lịch cần xúc tiến, truyền thông chuyên nghiệp, mạnh mẽ hơn nữa tới các thị trường nước ngoài thông qua nhiều kênh trực tiếp, gián tiếp để chuyển tải thông tin về các chính sách mới, dịch vụ mới cũng như quảng bá, lan tỏa tiềm năng, thế mạnh của du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, cần sẵn sàng chuẩn bị các yếu tố nội tại như: đào tạo nguồn nhân lực du lịch đảm bảo chất lượng nghiệp vụ, các địa phương nâng cao công tác quản lý điểm đến nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách…

MAI AN

Chú trọng phát triển kinh tế đêm tại Phú Quốc

Theo ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, để du lịch bứt phá, phát triển mạnh thì tự thân ngành du lịch phải làm mới. Mới đây, căn cứ Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam của Chính phủ, Bộ VH-TT-DL đã ban hành đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm và TP Phú Quốc là một trong những địa điểm được chọn, hiện đang tập trung thực hiện để tạo thêm sản phẩm du lịch độc đáo.

Ngoài khu chợ đêm ở phường Dương Đông, thì khu “thành phố không ngủ” Phú Quốc United Center là tổ hợp giải trí về đêm với các dịch vụ rất đa dạng từ ăn uống, mua sắm, biểu diễn văn hóa nghệ thuật đặc trưng. Phía Nam đảo cũng hình thành “thị trấn Địa Trung Hải” với sắc màu châu Âu cùng nhiều show diễn về đêm.

QUỐC BÌNH

Du khách sẽ lưu trú dài ngày hơn

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng Giám đốc Furama Resort Đà Nẵng, cho biết, với việc kéo dài thị thực nhập cảnh lên 90 ngày, du lịch Đà Nẵng sẽ có thị phần khách mới như khách nghỉ dưỡng, lưu trú dài ngày; khách thăm thân, khách du lịch xuyên Việt... Chính sách tăng thời gian miễn visa từ 15 ngày lên 30 ngày là rất đúng xu hướng, giúp nâng số ngày đêm khách lưu trú tại Việt Nam, tăng khả năng chi tiêu.

Trong khi đó ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, để phát huy chính sách mới về visa, tỉnh sẽ xây dựng phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, ẩm thực và tâm linh bổ trợ cho du lịch di sản, tạo thành chuỗi sản phẩm dịch vụ giữ khách lưu trú lâu hơn và quay lại nhiều hơn.

XUÂN QUỲNH - VĂN THẮNG

THI HỒNG

Theo sggp.org.vn

largeer