Nỗi lo nợ xấu từ xe hợp đồng

Thứ hai, 08/01/2018, 09:40 AM

Ngoài những thách thức liên quan đến thất thu ngân sách do việc chuyển giá, né thuế của các công ty đa quốc gia thì các nguy cơ khác như: mất bình đẳng cạnh tranh thị trường, mất cân đối nguồn lao động, gây áp lực cho toàn xã hội...

Tuần qua, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã có quyết định đình chỉ vụ kiện của Công ty TNHH Uber B.V (Uber) đối với Cục Thuế TP.HCM vì cho rằng DN này chưa đủ tư cách pháp lý để đứng ra làm nguyên đơn khởi kiện. Như vậy, sau nhiều tháng tranh cãi về việc truy thu hơn 66,68 tỷ đồng tiền thuế từ Uber, dẫn tới khiếu kiện, thì nay cơ quan thuế TP.HCM có thể sẽ tiếp tục công việc này, thậm chí cũng có thể mạnh tay phong tỏa các tài khoản ngân hàng của DN đến khi thu đủ số nợ hơn 53,3 tỷ đồng còn lại.

Trong kỳ kinh doanh 2014-2016, GrabTaxi nộp thuế 9,5 tỷ đồng, bằng 1/130 số thuế Vinasun nộp trong cùng thời gian

Trong kỳ kinh doanh 2014-2016, GrabTaxi nộp thuế 9,5 tỷ đồng, bằng 1/130 số thuế Vinasun nộp trong cùng thời gian

Lúng túng và thất thoát

Việc truy thu thuế của Uber bắt đầu diễn ra từ đầu tháng 9/2017, khi cơ quan thuế TP.HCM thanh tra cho biết đã phát hiện một số vi phạm và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định truy thu hơn 66,68 tỷ đồng đối với DN này.

Trước quyết định kể trên, đến cuối tháng 12/2017 Uber đã nộp 10,3 tỷ đồng tiền phạt vi phạm hành chính về kê khai thuế. Số tiền hơn 53,3 tỷ đồng còn lại, bao gồm tiền thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân khấu trừ DN bắt buộc phải nộp thay cho tài xế; tiền thuế thu nhập DN với nhà thầu nước ngoài và tiền phạt nộp chậm, dù đã quá hạn nhiều ngày nhưng phía Uber vẫn chưa nộp.

Câu chuyện truy thu thuế đối với Uber tưởng chừng là một nghiệp vụ thường xuyên của ngành thuế, nhưng thực tế các tranh luận về nghĩa vụ nộp thuế của DN này đã kéo dài suốt từ năm 2015 đến nay, cho thấy sự lúng túng của cơ quan thuế. Việc không định danh được Uber là DN kinh doanh vận tải hay cung cấp giải pháp công nghệ kết nối vận tải đã khiến cho Uber có kẽ hở để “né” các khoản thuế VAT và thu nhập cá nhân đáng lẽ phải nộp thay cho tài xế của mình.

Đó cũng là lý do mà Uber vào kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2014, nhưng đến cuối năm 2016 DN này mới nộp thuế lần đầu khoảng 250 triệu đồng. Với doanh số thu được ước chừng 1 tỷ đồng mỗi ngày tại thị trường TP.HCM, rõ ràng trong các năm 2015-2017, hàng nghìn tỷ đồng thu về từ 20% doanh thu đã được Uber chuyển ra nước ngoài, đi kèm nguy cơ thất thu về thuế.

Chuyên gia kinh tế, TS. Phan Ngọc Minh cho rằng trong nhiều năm nay, việc tìm cách thu “đủ” thuế từ các công ty đa quốc gia, nhất là các công ty cung cấp các dịch vụ số xuyên biên giới như Facebook, Google, Amazon, Airbnb, Uber… vẫn là bài toán khiến các cơ quan chức năng loay hoay và lúng túng. Trên thực tế, cả đại diện Tổng cục Thuế và đại diện Bộ Tài chính cũng đã thừa nhận chưa thu được thuế của Uber trong các năm 2014-2015. Kể cả hoạt động kinh doanh điện tử trên Google cũng đã thực hiện kê khai nhưng chưa thu được. Điều này đồng nghĩa rằng mỗi năm vẫn có hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền thuế bị thất thu, do các công ty đa quốc gia sử dụng các “chiêu bài lách luật”.

Nguy cơ phát sinh nợ xấu

Đầu tháng 12/2017, trong một phản ứng thận trọng, Bộ Tài chính đã phải thừa nhận mối lo ngại về việc các công ty đa quốc gia liên tục báo lỗ. Theo đó, sau khi ghi nhận Công ty GrabTaxi mặc dù chỉ có vốn điều lệ 20 tỷ đồng nhưng báo lỗ 938 tỷ đồng sau 3 năm liên tiếp hoạt động tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã phải phối hợp với NHNN để rà soát hoạt động sử dụng nguồn vốn vay nợ của công ty mẹ ở nước ngoài của GrabTaxi để ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng gian lận, trốn thuế có thể xảy ra.

Thực tế, lo ngại trên của Bộ Tài chính là chính đáng và đang là nguy cơ hiện hữu. Bởi ngoài những thách thức liên quan đến thất thu ngân sách do việc chuyển giá, né thuế của các công ty đa quốc gia thì các nguy cơ khác như: mất bình đẳng cạnh tranh thị trường, mất cân đối nguồn lao động, gây áp lực cho toàn xã hội... Một ví dụ, trong kỳ kinh doanh 2014-2016, GrabTaxi nộp thuế 9,5 tỷ đồng, bằng 1/130 số thuế Vinasun nộp trong cùng thời gian. Tuy nhiên, vấn đề thậm chí có thể còn tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn thế, như phát sinh nợ xấu tại các TCTD… cũng không phải là không thể xảy ra.

Ở hai trường hợp của GrabTaxi và Uber, chỉ trong vòng 2 năm các hãng công nghệ này vào kinh doanh tại Việt Nam thì thị trường cho vay mua ô tô như Auto Loan và Car Loan của các TCTD phát triển rất mạnh. Các hãng GrabTaxi, Uber thời gian qua cũng đã liên kết với hàng loạt TCTD để đưa ra các gói vay ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vay mua xe chạy hợp đồng.

Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, hiện trên thị trường có khoảng 24.000 xe hợp đồng GrabTaxi và Uber đang hoạt động (số liệu năm 2017). Nếu trong số trên chỉ cần một nửa tài xế có vay vốn TCTD để đầu tư xe, với giả định vay 400 triệu đồng/xe, thì số lượng vốn huy động đã lên đến khoảng 4.800 tỷ đồng. Điều này rõ ràng là một bất cập khi nguồn lực vốn dồn quá nhiều vào phục vụ các DN như Uber, GarbTaxi vốn dĩ đóng góp rất ít cho nguồn thu ngân sách.

Phản ứng trước việc GrabTaxi và Uber “né” trách nhiệm với ngân sách có thể tạo điều kiện cho họ cạnh tranh không lành mạnh với các hãng vận tải taxi khác, mới đây (ngày 3/1/2018) các hãng taxi truyền thống đã kiến nghị dừng thí điểm “taxi công nghệ” trong thời gian chờ nghị định thay thế Nghị định 86/2014.

Như vậy, nếu các hãng công nghệ vẫn liên tục vi phạm quy định về thuế như hiện nay thì khả năng bị hạn chế kinh doanh tại Việt Nam là điều có thể xảy ra. Khi đó, nguy cơ hàng ngàn tài xế công nghệ rơi vào cảnh mất việc làm, không có khả năng thanh toán nợ vay ngân hàng khi đến hạn. Và những khoản nợ hàng ngàn tỷ đồng đã vay mua ô tô chạy xe hợp đồng cho GrabTaxi và Uber có thể biến thành nợ xấu, trở thành gánh nặng mới cho các TCTD.

Nhất là khi đa số hợp đồng cho vay mua ô tô đều là những hợp đồng có tài sản đảm bảo là chính ô tô mà khách hàng đang vay vốn sở hữu. Tuy nhiên, giá ô tô trên thị trường thời gian qua có xu hướng giảm mạnh. Trong trường hợp bắt buộc phải thu hồi tài sản đảm bảo để xử lý nợ thì cũng sẽ hết sức rủi ro cho các TCTD tham gia cho vay các đối tượng này.

Thạch Bình

Theo TBNH

largeer