Nobel Vật lý 2019 và sự tiến hóa của vũ trụ
Ông James Peebles, một trong 3 nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý năm nay, khuyên những người trẻ tuổi nên theo đuổi sự nghiệp khoa học vì tình yêu và niềm đam mê
Giải Nobel Vật lý năm 2019 đã về tay 3 nhà khoa học James Peebles, Michel Mayor, Didier Queloz vì những công trình nghiên cứu về vũ trụ, đóng góp vào sự hiểu biết về sự tiến hóa của vũ trụ và vị trí của trái đất trong vũ trụ. "Những thành tựu của 3 nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý năm nay đã góp phần trả lời cho những câu hỏi cơ bản về sự tồn tại của chúng ta. Chuyện gì đã xảy ra trong thời kỳ sơ khai của vũ trụ và chuyện gì đã xảy ra sau đó? Liệu những hành tinh khác có tồn tại ngoài kia, quay quanh quỹ đạo các mặt trời khác?" - Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển hôm 8-10 nhận định.
Cụ thể, những khám phá của ông James Peebles đã đóng góp nhiều cho ngành vũ trụ học vật lý và giúp đặt nền tảng cho sự biến đổi của lĩnh vực này trong 50 năm qua. Khung lý thuyết của ông, được hình thành từ giữa những năm 1960, là cơ sở của những ý tưởng đương thời về vũ trụ. Trong khi đó, 2 nhà khoa học Michel Mayor và Didier Queloz vào tháng 10-1995 thông báo khám phá đầu tiên về một ngoại hành tinh (hành tinh ngoài hệ mặt trời) quay quanh quỹ đạo của ngôi sao 51 Pegasi b giống mặt trời trong dải ngân hà. Khám phá này đã mở ra cuộc cách mạng trong ngành thiên văn học. Kể từ đó, hơn 4.000 ngoại hành tinh đã được phát hiện trong dải ngân hà.
"Những thế giới mới, kỳ lạ vẫn đang được khám phá, với đủ loại kích cỡ, dạng thức và quỹ đạo khác nhau" - thông cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nhận định, đồng thời nói thêm chúng đang buộc các nhà khoa học chỉnh sửa lại học thuyết của họ về các tiến trình vật lý đằng sau nguồn gốc của các hành tinh.
Với nhiều dự án tìm kiếm ngoại hành tinh đang và sẽ diễn ra, chúng ta cuối cùng có thể tìm thấy câu trả lời về vấn đề sự sống ngoài trái đất. Tóm lại, các công trình của 3 nhà khoa học trên đã thay đổi suy nghĩ của chúng ta về sự tiến hóa của vũ trụ sau vụ nổ Big Bang (mô hình vũ trụ học nổi bật mô tả giai đoạn sơ khai của sự hình thành vũ trụ) và sự tồn tại của những hành tinh chưa từng được biết đến.
Trả lời phỏng vấn của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển qua điện thoại sau khi giải Nobel Vật lý được công bố, ông Peebles tin rằng có sự sống ngoài trái đất nhưng rất khó biết được liệu sự sống này có giống với sự sống trên trái đất hay không. "Có lẽ các nhà hóa học sẽ tìm hiểu thêm về vấn đề này" - ông cho biết.
Khi được hỏi về lời khuyên dành cho những người trẻ tuổi muốn theo đuổi sự nghiệp khoa học, nhà khoa học này cho rằng họ nên bước chân vào khoa học vì tình yêu. "Giải thưởng và tiền thưởng rất hấp dẫn và được coi trọng nhưng chúng không nên nằm trong kế hoạch của bạn. Bạn nên bước chân vào con đường khoa học vì say mê nó" - ông khuyên nhủ. Trong khi đó, 2 nhà khoa học người Thụy Sĩ Queloz và Mayor mô tả công trình được vinh danh giải Nobel Vật lý năm nay là "khám phá lý thú nhất trong toàn bộ sự nghiệp của mình".
Ông James Peebles sinh năm 1935 tại TP Winnipeg - Canada và đang làm việc tại Trường ĐH Princeton (Mỹ). Trong khi đó, ông Michel Mayor sinh tại Thụy Sĩ, năm nay 77 tuổi, hiện là giáo sư tại Trường ĐH Geneva. Ông Didier Queloz, năm nay 53 tuổi, là đồng hương và đồng nghiệp của ông Mayor. Ngoài ra, ông Queloz còn làm việc tại Trường ĐH Cambridge (Anh).
Theo báo The Guardian (Anh), 3 nhà khoa học này sẽ cùng chia sẻ khoản tiền thưởng trị giá khoảng 910.000 USD, trong đó ông Peebles nhận được một nửa.
Hoàng Phương