Nở rộ ứng dụng công nghệ cho thuê nhà: Lợi bất cập hại!
Thuê nhà, căn hộ theo giờ, ngày, tuần... nhưng không gặp chủ nhà. Chỉ cần đặt trên ứng dụng, mọi quy trình được thực hiện bằng điện thoại: Nhận mã số, mở cửa căn hộ, thanh toán online. Với hình thức ảo này, khách hàng có thể đặt phòng với chi phí “mềm” hơn các dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ thực. Tuy nhiên, lợi ích chưa bao nhiêu đã xuất hiện nhiều điểm bất cập từ mô hình này.
Thuê nhà kiểu Uber...
So với các trang web đặt phòng như Booking, Agoda và Travekola, Airbnb xuất hiện khá muộn. Dịch vụ này mới xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2015. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm phát triển, hiện nay, Airbnb đã xây dựng được thương hiệu và thị trường cho riêng mình, trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ với các loại hình khách sạn và các phương thức đặt phòng truyền thống.
Airbnb là dịch vụ chia sẻ chỗ ở mà hàng triệu người trên thế giới đã sử dụng. Tại Việt Nam có một dự án tương tự Airbnb, mang tên là Airbnb Việt.
Airbnb Việt-dựa trên nền tảng công nghệ kết nối những người có biệt thự, có căn hộ dư thừa muốn cho thuê với khách hàng, và đứng giữa thu một khoản phí, để thực hiện dịch vụ chia sẻ chỗ ở.
Airbnb Việt muốn trong vòng 3-5 năm nữa hệ thống của họ sẽ có khoảng 20.000-30.000 căn hộ tham gia. Với ứng dụng này, cả người thuê và chủ nhà đều có thể tiết kiệm được một khoản phí dịch vụ.
Nguồn thu của Airbnb được trích từ người thuê phòng (6-12%) và chủ nhà (3%). Mức thu này luôn được hiển thị rõ ràng trong quá trình khách hàng sử dụng dịch vụ, đồng thời, bảo đảm giá phòng vẫn rẻ hơn việc đặt phòng qua các kênh truyền thống. Airbnb được thành lập từ tháng 8/2008 tại San Francisco (Mỹ). Cho đến nay, Airbnb đã phát triển mạnh mẽ và có mặt tại gần 200 quốc gia trên toàn thế giới.
Airbnb có giá thuê phòng trung bình chỉ khoảng 35 USD/đêm. Đây là mức giá không quá cao. Đối với những căn hộ, biệt thự hay Villa, giá thuê qua Airbnb cũng thấp hơn nhiều so với cách thuê truyền thống.
Không chỉ lợi thế về giá, ứng dụng này còn giúp du khách tìm thấy những căn phòng, nhà độc và lạ, phù hợp với những người muốn khám phá, thám hiểm những vùng đất mới. Những kiểu nhà đơn này rất khó có thể tìm thấy trên những trang web đặt phòng truyền thống. Theo thống kê của AirDNA, mỗi chủ nhà Airbnb ở Việt Nam kiếm được trung bình 645 USD/tháng. Giá thuê nhà trung bình trên Airbnb Việt Nam là 55 USD/đêm.
...Những hệ lụy khó lường
Chị T.N ở TP.HCM, người từng đặt phòng qua ứng dụng này, đã gặp phải một tình huống trớ trêu. Đó là khi đi công tác, chị đã đặt 1 phòng trong căn hộ có 2 phòng ngủ. Đêm khuya, cửa căn hộ bật mở, xuất hiện một người đàn ông thuê phòng còn lại, đáng nói là người này trong tình trạng say xỉn... Lo sợ vì chỉ có một mình, chị đã gọi điện nhờ người thân bên ngoài đến “giải cứu”. Từ sau lần đó chị T.N đã “chấm điểm 0” cho ứng dụng sau tai nạn này.
Đây không phải lần đầu xảy ra các tình trạng như vậy, chị Trần Hà (Q.2, TP.HCM) chia sẻ, ở chung cư chị có nhiều chủ nhà cho thuê căn hộ thông qua Airbnb. Điều này khiến an ninh trật tự bị ảnh hưởng bởi những người thuê không thực hiện các quy định chung, thậm chí còn xảy ra tình trạng trộm cắp, sử dụng ma túy tập thể hay tổ chức bay lắc... Không chỉ có nguy cơ mất an ninh, hình thức thuê nhà này còn ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của cư dân chung cư vì tiện ích bị khai thác triệt để và quá tải số người trong một căn hộ nhưng hiện vẫn chưa có hành lang pháp lý để kiểm soát tình trạng này.
Chia sẻ về việc tự thỏa thuận thuê nhà ngắn hạn kiểu này thay vì thuê khách sạn hay nhà nghỉ, chị Nguyễn Hồng Thắm (TP.HCM) nói: “Việc thuê được nhà đẹp, đầy đủ tiện nghi mà giá rẻ hoặc bằng các khách sạn thì khách hàng nào cũng mong muốn. Nhưng việc chỉ thỏa thuận miệng giữa người thuê và cho thuê nếu có các tranh chấp hoặc sự cố phát sinh như trộm cắp hay tệ nạn thì điều này khó giải quyết”.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, việc người dân dùng căn hộ chung cư cho thuê ngắn hạn, thậm chí theo giờ là hình thức kinh doanh mới xuất hiện nhưng khá rầm rộ trong thời gian gần đây. Hiện nay, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản vẫn chưa quy định về những nội dung liên quan cho thuê chung cư theo ngày, theo giờ.
Theo ông Châu, nếu một chung cư bình thường mà cho thuê như khách sạn thì sai quy định, vi phạm Luật Nhà ở. Trước đây, đã cấm mở văn phòng công ty tại chung cư. Bởi ngoài mục đích ở thì kinh doanh khách sạn phải đăng ký, mà đăng ký kinh doanh như khách sạn trong chung cư thì luật không cho phép. Ngoài ra, khi kinh doanh dưới hình thức này thì sẽ không bảo đảm an ninh trật tự cho những hộ dân trong chung cư, nhất là các nhà cạnh bên.
Ông Châu cho biết thêm, để bảo đảm an ninh cũng như công bằng cho cư dân, sắp tới hiệp hội sẽ kiến nghị cơ quan quản lý để có hướng dẫn, bổ sung phù hợp. Hiện nay nhu cầu cho thuê căn hộ là rất lớn. Họ đã đầu tư và luôn mong muốn tăng thu nhập, trong khi nhu cầu người thuê ngắn hạn đang có. Vấn đề là khi cho thuê theo ngày, theo giờ thì sẽ có khách bên ngoài chung cư đến ở, kể cả người nước ngoài.
Vì vậy, người kinh doanh hình thức này phải đăng ký kinh doanh, khai báo với chính quyền địa phương và nếu để xảy ra sự cố thì người cho thuê phải chịu trách nhiệm. Thực tế, hiện các trang mạng kinh doanh dạng chia sẻ phòng ở, khách sạn, nhà chung đều thu phí của người cho thuê nhưng họ lại không đóng thuế cho nhà nước. Đây rõ ràng là một thất thoát lớn cho Nhà nước và bất lợi cho các khách sạn, nhà nghỉ truyền thống.
Singapore phạt nặng và truy tố hình sự cho thuê nhà bất hợp pháp
Tháng 2/2017, Quốc hội Singapore thông qua luật sửa đổi cấm người dân cho thuê căn hộ riêng hay phòng còn dư với thời hạn dưới 6 tháng nếu không có phép của Cơ quan tái thiết nội đô (URA). Điều này đồng nghĩa rằng việc chia phòng hay cho thuê nguyên căn hộ trên các trang như Airbnb hầu như không thể thực hiện tại Singapore. Trước đó, thời hạn tối thiểu để thuê căn hộ hay phòng tư nhân được luật quy định là 8 tháng.
Điều trần tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia Lawrence Wong phát biểu: “Các bất động sản để ở và thuộc sở hữu cá nhân không thể sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác nếu không có sự chấp thuận của cơ quan quản lý bởi chúng ta cần bảo đảm an toàn cho môi trường sống của các cư dân xung quanh”.
Quốc hội Singapore đưa ra luật mới sau khi có các than phiền, khiếu nại về nhà, phòng cho thuê ngắn hạn gia tăng. Năm 2016, URA nhận được 608 khiếu nại, tăng 61% so với con số 377 của năm trước.
Luật mới quy định các nhà thầu hay chủ nhà xây nhà cho thuê ngắn hạn có thể bị phạt 200.000-500.000 SGD, tức 3,4-8,5 tỷ đồng. Kể từ lần tái phạm thứ hai, người vi phạm có thể bị phạt 10.000 SGD mỗi ngày, tức 1,7 tỷ đồng mỗi ngày.
Tuy có lệnh cấm, số vụ đăng phòng hay căn hộ cho thuê trên Airbnb vẫn tăng 11% trong những tháng sau đó. Tháng 12/2017, Singapore truy tố hai người vi phạm đầu tiên và phạt tổng cộng 60.000 SGD, tức 10,2 tỷ đồng.
Mich Goh, người phụ trách khu vực Đông Nam Á của Airbnb, tuyên bố “luật của Singapore đối với dạng chia phòng, thuê nhà thuộc loại nghiêm khắc nhất thế giới”. Bà nói rằng thủ đô Paris của Pháp và thủ đô Berlin của Đức cũng cấm cho thuê kiểu Airbnb nếu không đăng ký, nhưng không truy tố hình sự như ở Singapore.
Ricky Hồ
Kim Ngọc
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm