Những tour du lịch chụp giựt, “hành xác”
Du lịch đang vào mùa cao điểm, cũng chính vì thế không ít khách theo tour bị dồn vào “sự đã rồi” đành ngậm “quả đắng” lắc đầu cho qua…
Rước bực vì nghỉ dưỡng
Nhớ lại chuyến du lịch cùng cơ quan tới Cát Bà giữa tháng 6, anh N.V.H (Ba Đình, Hà Nội) vẫn chưa hết bức xúc: “Đường đi ra bến phà xe phải nhích từng chút một giữa trưa nắng. Khi tới bến phải đợi phà mất 5 tiếng, đoàn lại đông trẻ con, vừa mệt, vừa đói, chỉ có mỗi sự lựa chọn là mua đồ từ các hàng rong, dù giá đắt vẫn phải tranh nhau mua, chậm là hết”.
Tưởng như mọi chuyện đã ổn khi đoàn lên được phà ra đảo nhưng không phải vậy. Ngay khi nhận phòng nghỉ, cả đoàn anh H. lại rơi vào tâm trạng cám cảnh bởi dịch vụ không như quảng cáo khi mua tour. “Theo hợp đồng, tour được nghỉ khách sạn 3 sao nhưng thực chất là nhà nghỉ bình dân, điều hòa hỏng, nóng không ngủ được; nước ngọt để tắm cũng không có phải tắm thứ nước lờ lợ lọc từ nước biển. Mỗi suất ăn khoảng 350 nghìn đồng/người nhưng không tươi ngon… Mệt mỏi xen lẫn bức xúc, mọi người trong đoàn đâm ra cáu bẳn lẫn nhau”, anh H. nhớ lại. Ngay cả việc di chuyển tham quan của đoàn cũng gặp vấn đề. “Đợi cả tiếng đồng hồ xe của hãng tour mới tới đón đoàn. Chưa kể, xe lại quá cũ, xập xệ, điều hòa không có, khách vừa ngồi vừa run vì lo ngại mất ATGT. Ra tới bãi tắm thì người bơi chen chúc nhau…”.
Thế nhưng nhìn lại lượng khách ùn ùn kéo ra đảo Cát Bà trong những ngày cuối tuần, anh H. tự an ủi, đoàn của anh vẫn còn may mắn hơn vì tìm được chỗ nghỉ ngơi, nhiều đoàn phải vạ vật hết ngày vì không có nhà nghỉ, thậm chí không đặt được bàn ăn. “Đơn vị tổ chức tour chuyên nghiệp có tâm sẽ tư vấn giờ khởi hành, phương tiện di chuyển để đảm bảo thuận tiện nhất cho khách, đằng này lại thụ động, dồn khách vào sự đã rồi. Chúng tôi đã phản hồi khá gay gắt với nhân viên của tour nhưng chỉ nhận được câu trả lời vô tâm: “Trên đảo chỉ có thế… nếu có lần sau sẽ rút kinh nghiệm”, vậy là đành phải lắc đầu cho qua chuyện”.
Khách hàng, cơ quan chức năng đều bó tay?
Cuối tuần qua, gia đình anh L.H.Đ (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) bị một phen hú vía bởi sự cố va chạm với chủ nhà nghỉ tại Sầm Sơn, Thanh Hóa. Anh Đ. chia sẻ, đại gia đình anh có 14 người bao gồm cả người già, trẻ nhỏ muốn tìm căn biệt thự nhỏ vừa túi tiền nhưng không được vì cháy phòng. Tìm tới phương án nhà nghỉ nhưng tất cả các địa chỉ được gọi tới đều yêu cầu khách “phải ăn” mới cho thuê phòng. Phải nhờ tới người quen đặt giúp nhà anh Đ. mới thuê được 2 phòng lớn tại một nhà nghỉ trên đường Hồ Xuân Hương, phường Bắc Sơn, TP Sầm Sơn, với điều kiện đồng ý ăn 4 bữa trong thời gian nghỉ từ tối thứ năm tới sáng chủ nhật. “Đành tặc lưỡi vì nghĩ bụng chắc đây là văn hoá cho thuê nhà nghỉ tại Sầm Sơn và chỗ người quen nên cũng yên tâm. Nhưng câu chuyện không dừng ở đó, sau hai bữa ăn với giá “trên cả đắt”, buổi tối ngày thứ hai, gia đình quyết định ra ngoài ăn tối thì bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ chủ nhà nghỉ yêu cầu về dọn đồ ngay trong đêm với lý do “dám tự ý ra ngoài ăn”. Mặc dù nhà mình đã ăn 2 bữa”, anh Đ. kể.
Khi được chất vấn tại sao yêu cầu khách dọn phòng khi đã ăn 2 bữa/4 bữa như đã thỏa thuận và còn 2 ngày nghỉ nữa, chủ nhà nghỉ vẫn một mực cho rằng gia đình anh Đ. “dám thái độ và bỏ ra ngoài ăn”. “Sau khi biết mình quay clip, chị chủ nhà cùng chồng đã thể hiện thái độ đe dọa và gọi điện cho một đối tượng tên Long đến để xử lý... Vì sự an toàn cho cả nhà đang ở đất khách quê người, nên mình đành chấp nhận dọn hết đồ đạc và rời khỏi nhà nghỉ khi đã khá muộn, gần 22h đêm”, anh Đ. kể.
Đồng cảnh ngộ với anh Đ., anh N.Q.H (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng khẳng định đa số nhà nghỉ, khách sạn tại Sầm Sơn giở chiêu ép khách du lịch phải ăn mới cho thuê phòng, để chặt chém. “Gọi thêm một bát cơm trắng bị lấy 300 nghìn đồng. Hỏi sao đắt thế chủ nhà nghỉ còn tỏ thái độ khó chịu bảo “đi ăn đi chơi còn sợ tốn”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hoàng Sỹ Quang, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường TP Sầm Sơn cho hay: Từ đầu mùa du lịch tới nay, thông qua đường dây nóng, đơn vị đã xử lý 29 vụ vi phạm về ép khách, ép giá với khung hình phạt hành chính chỉ từ 3-5 triệu đồng. “Hiện tượng khách đặt phòng bị ép ăn uống chủ yếu xảy ra tại các nhà nghỉ. Cách tính giá phòng cũng phụ thuộc vào khách có đặt bữa hay không. Cũng có trường hợp khách đặt ăn 2 ngày 5 bữa, nhưng tới bữa cuối có “trót” ra ngoài giao lưu cũng bị nhà nghỉ làm khó”, ông Quang nói và nhận định: Hiện tượng này xảy ra khá lâu và là “đặc thù của nhà nghỉ Sầm Sơn, những nơi khác không tới mức độ như thế”!
Khó có cơ sở xử lý những hãng tour làm bậy
Theo Ủy viên Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Trần Văn Long, trong thời đại công nghệ phát triển, khi tiếp cận sản phẩm du lịch, khách hàng không thể chỉ tin vào lời cam kết của các hãng tour mà hoàn toàn có thể kiểm tra chất lượng thông qua hình ảnh thông số thật từ nhà nghỉ khách sạn tới chương trình tour. Nếu những thông số không được công bố thì khách phải cân nhắc lại với sản phẩm du lịch đó.
“Không loại trừ trường hợp làm ăn chộp giật nhưng khách không nên quá mặc cả giá, đã đi du lịch tiền nào của đấy tương đương với chất lượng dịch vụ. Khi phát hiện chất lượng không đúng như hợp đồng, khách có thể gửi đơn thư khiếu nại tới Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, hoặc cơ quan chức năng ở địa phương hoặc TƯ. Tuy nhiên thực tế, khách hàng thường có tâm lý chấp nhận bỏ qua cho xong không muốn đôi co mất thời gian. Chính vì thế rất khó có cơ sở xử lý răn đe những hãng tour làm bậy”, ông Long cho biết.
Hoàng Ngân
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch