Những tình huống oái oăm khi đi ô tô biển tỉnh ở Hà Nội

Thứ sáu, 07/09/2018, 21:17 PM

Dù định cư ở Hà Nội nhưng nhiều người vẫn chạy xe biển ở quê để tiết kiệm vài chục triệu vì số tiền đó đủ đổ xăng chạy cả năm. Thế nhưng, việc điều khiển chiếc ô tô mang biển tỉnh lẻ cũng khiến không ít người gặp phải các tình huống dở khóc, dở cười.

Anh Mạnh Hưng - người gốc ở một tỉnh phía Bắc thế nhưng đã định cư tại Hà Nội hơn 10 năm nay. Dù đã có nhà cửa, vợ con ổn định song tất cả tài sản trên này đều đứng tên vợ, riêng anh vẫn để hộ khẩu ở quê bởi lý do anh là con trưởng trong dòng họ nên gánh nhiều trọng trách.

Cách đây gần 2 năm, gia đình đầu tư mua 1 chiếc xe ô tô để thuận tiện việc đi lại, anh quyết định về quê mua và đăng ký biển tại đây.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, anh Mạnh Hưng cho biết: “Nếu đăng ký tại Hà Nội sẽ cao hơn khoảng vài chục triệu, số tiền đó tôi có thể dùng để độ nhẹ chiếc xe hoặc dùng để đổ xăng chạy cả năm trời. Hơn nữa, bản thân tôi vẫn thích đăng ký biển xe ở quê mình, thay vì biển 30 tại đây”.

Nhiều người phàn nàn chạy xe biển tỉnh ở Hà Nội đã gặp những trường hợp oái oăm.

Nhiều người phàn nàn chạy xe biển tỉnh ở Hà Nội đã gặp những trường hợp oái oăm.

Tuy nhiên, trong gần 2 năm sử dụng chiếc xe tại Hà Nội, không ít lần anh gặp phải những tình huống khiến anh vừa giận vừa buồn cười.

“Đó là một lần tôi chạy xe vào phố cổ, do không để ý chạy vào đường cấm ô tô thì bất ngờ một người đi xe máy cảm thấy khó chịu bởi xảy ra ùn ứ nhẹ, anh ta nói: “Mù đường à”, rồi còn buông ra câu: “Đúng là đồ nhà quê”", anh Hưng kể về lần giận “sôi máu” của mình.

Khác với tình huống của anh Mạnh Hưng, trao đổi với PV, anh Hoàng Long trú tại Đại Kim (Hoàng Mai – Hà Nội) vui vẻ cho hay: “Thực ra chiếc xe mình đi đã cũ và đó là chiếc xe từng được bố tôi khá cưng chiều. Sau này ông không có nhu cầu dùng nữa nên tôi mang lên Hà Nội để sử dụng. Đương nhiên, biển số ở quê vẫn giữ nguyên mặc dù mình đã chuyển khẩu lên Hà Nội từ lâu”.

“Tôi đã từng nghe một vài người bạn xúi sao không đổi biển số đi cho tiện, đi biển ở quê làm gì... khi đó tôi chỉ cười mà chẳng biết nói sao. Tuy nhiên, mỗi lần va chạm nhẹ trên đường lại bị ăn chửi, họ chửi tôi là "thằng" kèm theo tên tỉnh nơi tôi sinh ra”, anh Hoàng Long chia sẻ.

Trong khi đó, một trường hợp khác lại cho biết, đi xe biển tỉnh ở Hà Nội bao giờ cũng cần cẩn thận hơn bởi nếu không rất dễ nhận được những "mỹ từ", thậm chí còn bị bắt nạt.

“Không nhiều người chạy xe biển TP.HCM ở Hà Nội nên mỗi khi gặp chiếc xe nào cùng biển thấy vui lắm, thậm chí “đá đèn” chào nhau cho vui”.

“Không nhiều người chạy xe biển TP.HCM ở Hà Nội nên mỗi khi gặp chiếc xe nào cùng biển thấy vui lắm, thậm chí “đá đèn” chào nhau cho vui”.

“Tôi chạy xe đã hơn 4 năm tại Hà Nội và chiếc Toyota Zace “đời Tống” cũng lấy lại từ người ông anh ruột nên cũng chẳng buồn sang tên đổi chủ mặc dù biết việc sang tên là cần thiết và đúng quy định. Thế nhưng, có lần xảy ra va chạm nhẹ với chiếc Kia Morning biển Hà Nội lập tức tôi bị lấn lướt, ít lâu sau khi va chạm xảy ra có khá nhiều bạn bè của cậu thanh niên chạy chiếc Kia Morning kéo tới hiện trường. Dù tôi không sai nhưng cuối cùng cũng phải ngậm ngùi cùng chủ mang chiếc xe bị hư hỏng nhẹ vào garage sửa chữa và đền bù một khoản tiền”, anh Tùng - 35 tuổi, quê ở một tỉnh miền Trung chia sẻ.

Chính vì những rắc rối kể trên nên nhiều người dù không có hộ khẩu Hà Nội cũng đành nhờ người thân, bạn bè đăng ký xe để lấy biển 30, đồng nghĩa với việc mất thêm vài chục triệu cho lệ phí trước bạ cao hơn 2% và tiền đăng ký biển xe ở Hà Nội là 20 triệu đồng.

Tuy nhiên, rất nhiều người lại cho rằng việc đăng ký lấy biển số ở quê hay ở Hà Nội là do sở thích, điều kiện của mỗi người chứ hoàn toàn không gặp quá nhiều rắc rối khi lưu thông thường xuyên tại Thủ đô.

Anh Mạnh trú tại TP.HCM nhưng làm việc, sinh sống tại Hà Nội chia sẻ: “Không nhiều người chạy xe biển TP.HCM ở Hà Nội nên mỗi khi gặp chiếc xe nào cùng biển thấy vui lắm, thậm chí “đá đèn” chào nhau cho vui”.

Mộc Lâm

Theo nguoiduatin

largeer