Những tin đồn về ông Trần Bắc Hà từng khiến thị trường tài chính chao đảo

Thứ hai, 04/06/2018, 14:41 PM

Ông Trần Bắc Hà, người có thời gian lèo lái con thuyền BIDV ở vào giai đoạn biến động nhất của ngành ngân hàng từng 2 lần gắn với tin đồn bị bắt. Hiệu ứng quá mạnh từ tin đồn này đã từng khiến thị trường tài chính Việt chao đảo.

Mới đây, ông Trần Bắc Hà, (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)) bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận có những vi phạm rất nghiêm trọng và đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Trong đó có sai phạm trong việc cho vay 4.700 tỷ đồng cho 12 công ty của Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).

Trong 35 năm làm việc tại ngân hàng BIDV, ông Trần Bắc Hà giữ vị trí Chủ tịch HĐQT gần 9 năm. Trước đó, ông có thời gian dài gắn bó với BIDV từ lãnh đạo chi nhánh lên đến Tổng giám đốc. Ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu từ 1/9/2016, cho đến nay, ngân hàng BIDV vẫn chưa tìm được người kế nhiệm.

Ông Trần Bắc Hà được xem là người quyền lực nhất ở BIDV trong một thời gian dài và có ảnh hưởng lớn tới hoạt động của BIDV - một trong 4 ngân hàng có nguồn gốc quốc doanh có ảnh hưởng lớn trên thị trường tài chính.

Ông Trần Bắc Hà - cựu Chủ tịch BIDV.

Ông Trần Bắc Hà - cựu Chủ tịch BIDV.

Tuy nhiên, cựu lãnh đạo ngân hàng BIDV này cũng là người gắn với những tin đồn ảnh hưởng lớn tới thị trường tài chính.

Sáng 9/8/2017, trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch BIDV bị bắt. Thông tin này đã "lây lan" trong cộng đồng và tác động xấu đến các giao dịch trên thị trường tài chính.

Là một người có sức ảnh hưởng lớn đến BIDV và trong lĩnh vực ngân hàng nên mặc dù đã nghỉ hưu gần một năm nay, song tin đồn về ông Hà vẫn khiến thị trường chao đảo. Ngay sau khi xuất hiện tin đồn, khoảng 10h sáng 9/8, cổ phiếu BID của ngân hàng BIDV bất ngờ chìm trong sắc đỏ và lao dốc xuống mức gần kịch sàn còn 20.400 đồng/ cổ phiếu. Hậu quả tiếp theo là hàng loạt cổ phiếu của các ngân hàng và doanh nghiệp lớn giảm theo như cổ phiếu VCB (của ngân hàng Vietcombank), CTG (Vietinbank), ACB (Ngân hàng Á Châu), VNM (Vinamilk), SAB (Sabeco)...

Giới phân tích đánh giá, sự lao dốc của cổ phiếu BID sáng 9/8 có nguyên nhân từ tin đồn bị bắt nói trên của ông Trần Bắc Hà.

Gần như ngay sau đó, vị cựu Chủ tịch BIDV trả lời báo chí cho biết “Tôi vẫn bình thường”, một đại diện Tổng cục Cảnh sát bác tin đồn nói trên. Khoảng một giờ sau, cổ phiếu BID rút ngắn biên độ giảm, nhích lên mức 20.800 đồng/ cổ phiếu bởi vì bên cạnh lệnh bán đã có một dòng tiền đổ ra mua lại. Song chỉ sau đó ít phút tăng điểm, nhóm cổ phiếu ngân hàng lại chìm trong sắc đỏ.

Trước đó, đầu năm 2013, ông Trần Bắc Hà cũng từng "dính" tin đồn bị bắt cùng lúc với sự kiện Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá USD đã khiến TTCK lao dốc (ở vào thời điểm VN-Index đang ở đỉnh cao thập kỷ), giá vàng, USD đồng loạt tăng. TTCK cùng ngày đã giảm chung khoảng 4%, bốc hơi khoảng 1,6 tỷ USD trên cả 2 sàn Chứng khoán TP.HCM và Hà Nội.

Ở vào thời điểm đó, các nhà đầu tư gọi điện khắp nơi hỏi thông tin và bán tháo cổ phiếu. Phần lớn các nhà đầu tư bán theo tâm lý đám đông, bán vì thấy thị trường giảm mạnh không hiểu chuyện gì sẽ đến.

Sau vụ việc, ông Hà cho rằng nhiều khả năng có kẻ tung tin để trục lợi từ đó, nhất là sau những diễn biến về bắt bầu Kiên và những lùm xùm liên quan đến một số lãnh đạo ngân hàng khi đó. Theo ông Hà, những kẻ tung tin đồn có thể kiếm được từ 500-700 tỷ đồng sau những biến động dữ dội trên thị trường tài chính.

Đào Vũ

Theo Người đưa tin

largeer