Những câu hỏi pháp lý liên quan đến số phận dinh Thương Thơ

Thứ hai, 21/05/2018, 15:58 PM

Liên quan đến nhiều đề nghị của các nhà chuyên môn đối với số phận của Dinh Thượng Thơ 120 tuổi trong phương án xây dựng trụ sở cải tạo, nâng cấp UBND - HĐND TP.HCM hiện nay, một câu hỏi khác được dư luận đặt ra là: tiền đâu để xây dựng trụ sở này?

Phối cảnh tổng thể công trình xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND, UBND TP.HCM: Theo phương án của Công ty GENSLER (đề xuất từ đầu tháng 11.2017 và được chọn), diện tích khuôn viên dự án mở rộng và nâng cấp trụ sở HĐND, UBND thành phố rộng hơn 18.000 m2, bốn phía là mặt tiền đường Lê Thánh Tôn - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi. Ảnh: TL

Phối cảnh tổng thể công trình xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND, UBND TP.HCM: Theo phương án của Công ty GENSLER (đề xuất từ đầu tháng 11.2017 và được chọn), diện tích khuôn viên dự án mở rộng và nâng cấp trụ sở HĐND, UBND thành phố rộng hơn 18.000 m2, bốn phía là mặt tiền đường Lê Thánh Tôn - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi. Ảnh: TL

Giữa tháng 4 vừa qua, sau khi thành phố triển lãm trưng cầu ý kiến người dân về phương án xây dựng trụ sở cải tạo, nâng cấp UBND - HĐND TP.HCM, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều với việc đập bỏ tòa nhà Dinh Thượng Thơ 120 tuổi tại đây.

Tuy nhiên sau hàng loạt ý kiến tranh luận, từ trên mặt báo đến các trang mạng xã hội, thì đến nay UBND TP.HCM vẫn chưa có một câu trả lời cụ thể về các vấn đề đã được đặt ra: từ góc độ pháp lý nào để đập bỏ Dinh, đến cơ sở đánh giá, thẩm định các giá trị của tòa nhà; dự án “trung tâm hành chánh” UBND thành phố đặt trong tổng quan của quy hoạch đô thị, bài toán giao thông đô thị,…

Cần tạm dừng dự án trụ sở mở rộng UBND thành phố

Trao đổi với Người Đô Thị, là một chuyên gia nhìn dưới góc độ quản lý, TS. khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng: không thể để người dân nói mãi được, chính quyền cũng không thể im lặng mãi.

Bà Hậu cho rằng: vấn đề hiện nay là cần tạm dừng ngay việc xây dựng trụ sở mở rộng UBND thành phố. Việc cần giải quyết trước nhất hiện nay là trả lời được câu hỏi: bảo tồn hay không bảo tồn Dinh Thượng Thơ.

Theo đó, cần tổ chức ngay một cuộc hội thảo liên ngành về dự án nói chung và phương án với Dinh Thượng Thơ nói riêng.

Đồng thời, ngành văn hóa cần vào cuộc đưa dinh vào ngay danh sách kiểm kê di tích cùng với những di tích khác, ít nhất là trong khu vực 930 ha trung tâm, như tòa nhà Hải quan (tại số 2 Hàm Nghi, quận 1) và một số công trình khác... Thực hiện việc này là để tránh mỗi khi có một công trình có nguy cơ đập bỏ thì lại xảy ra tranh cãi bảo tồn hay không bảo tồn.

Song song, cũng theo bà Hậu, thành phố cần lấy ý kiến cộng đồng thông qua các phương tiện truyền thông, nhưng trên cơ sở phải công khai tất cả các phương án liên quan đến việc xây trụ sở mở rộng, chứ không phải đưa ra 1 phương án và lấy ý kiến như vừa qua.

Trong đó, cần hết sức quan tâm các ý kiến của những người trẻ tuổi. Theo bà Hậu, đó là những tiếng nói rất tâm huyết, có kiến thức chuyên môn, và đã thể hiện một tình yêu đối với thành phố này. Đó là điều rất đáng mừng!

Dinh Thượng Thơ khởi công xây dựng vào những năm 1860. Ảnh sưu tầm của Tim Doling

Dinh Thượng Thơ khởi công xây dựng vào những năm 1860. Ảnh sưu tầm của Tim Doling

“113 ý kiến đóng góp tại phòng trưng bày triển lãm mô hình phương án xây dựng là rất đáng quý và đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc ghi nhận. Nhưng tôi cho rằng, nó mới chỉ là một kênh nhỏ, với cách tổ chức lấy ý kiến rất thủ công, vì vậy chưa thể là đại diện được cho ý kiến người dân thành phố để phản ánh lên UBND thành phố”, bà Hậu nói. Ngoài ra, cần tập hợp cả kết quả khảo sát hiện nay của một số tờ báo lớn về việc này, để có thêm những ý kiến khách quan và tâm huyết với di sản thành phố.

Đồng tình, PGS-TS. Nguyễn Minh Hòa, một chuyên gia xã hội về quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị, Ủy viên Hội Đồng Quy hoạch - Kiến trúc TP. HCM cũng cho rằng: cần có một hội đồng trung lập thẩm định các giá trị của tòa nhà Dinh Thượng Thơ, gồm các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực như khảo cổ, sử học, văn hóa, quy hoạch đô thị, kiến trúc, xã hội học, bảo tồn di sản,…

“Tại cuộc họp bất thường của Hội đồng Quy hoạch Kiến trúc thành phố vào cuối tuần rồi, dự kiến sắp tới thành phố sẽ tổ chức một hội thảo liên ngành gồm giới kiến trúc sư, sử học, văn hóa, xây dựng, khảo cổ, quy hoạch… để giải đáp mọi vấn đề liên quan đến dự án này. Tôi đang hy vọng thành phố sẽ mời tất cả những người có chuyên môn, tâm huyết đã góp ý thời gian qua tới tham dự hội thảo. Tôi ủng hộ phương án công khai minh bạch tất cả với mọi người, để cùng bàn bạc”, ông Hòa chia sẻ.

Tiền đâu xây dựng dự án trụ sở mở rộng UBND thành phố?

Liên quan đến dự án xây dựng trụ sở mở rộng UBND TP.HCM (tại ô phố giới hạn bởi các đường Lê Thánh Tôn - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi; rộng hơn 18.000 m2), từ tháng 11.2015, phương án quy hoạch, thiết kế của công ty Nikken Sekkei Ltd đã được UBND thành phố chỉ định tiến hành đàm phán, ký kết hợp đồng với cơ quan chức năng, để triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Đồng thời, Nikken Sekkei có thể khai thác các ưu điểm của các phương án dự thi khác, tích hợp và tiếp tục hoàn thiện phương án thiết kế của khu trung tâm hành chính.

Đây là phương án đã đạt giải nhì (không có giải nhất), trong cuộc thi tuyển phương án thiết kế “Quy hoạch Tổng mặt bằng tỉ lệ 1/500 và thiết kế kiến trúc các công trình trong Khu trung tâm hành chính Thành phố”, do UBND TP.HCM tổ chức vào năm 2014.

Lúc bấy giờ, phương án của công ty Nikken Sekkei đã được hội đồng tuyển chọn đánh giá “là phương án thiết kế tốt nhất để bảo tồn khối nhà trước của trụ sở UBND thành phố hiện tại”. Theo phương án này, tòa nhà 59 - 61 Lý Tự Trọng (Dinh Thượng Thơ) được di dời ra phía sau tòa nhà 86 Lê Thánh Tôn, và biến thành sảnh đón khách cho hai khối nhà cao tầng của trung tâm hành chính hai bên…

Phối cảnh bên trong dự án xây dựng trụ sở nâng cấp, cải tạo UBND TP.HCM. Ảnh: TL

Phối cảnh bên trong dự án xây dựng trụ sở nâng cấp, cải tạo UBND TP.HCM. Ảnh: TL

Tuy nhiên, đến giữa tháng 4.2018, tại buổi khai mạc trưng bày triển lãm dự án xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM đột ngột cho biết: thành phố đã chọn phương án của công ty GENSLER; được công ty này đề xuất từ đầu tháng 11.2017.

Buổi triển lãm để trưng cầu ý kiến người dân này cũng chỉ để một phương án duy nhất của GENSLER.

Với thực tế này đã đặt ra cho dư luận nhiều câu hỏi. Tại sao chỉ đưa ra một phương án thiết kế để trưng cầu?

Tại sao trước đó đã có một cuộc thi thiết kế phương án trung tâm hành chính rồi mà giờ lại bỏ đi?

Và quan trọng hơn, phương án của GENSLER có được thông qua đấu thầu không? Kinh phí đâu để xây trụ sở UBND mở rộng này?

Cùng với những vấn đề liên quan đến số phận tòa nhà hơn 120 tuổi Dinh Thượng Thơ, những câu hỏi này cũng rất cần được đặt lên bàn chính quyền thành phố trong thời gian tới.

Trao đổi thêm với Người Đô Thị, ông Nguyễn Minh Hòa bày tỏ: “tôi cho rằng không nên lấy tiền của bất cứ doanh nghiệp nào để xây dựng công trình này. Nếu doanh nghiệp cho tiền xây dựng, thì thành phố phải đổi một miếng đất vàng khác. Tôi không đồng ý phương án này. Quan điểm của tôi với dự án này: thành phố có tiền thì xây, không có tiền thì để con cháu xây, có tới đâu làm tới đó. Không lấy tiền của doanh nghiệp. Nó sẽ làm hỏng thành phố đi.”Được biết, trong trường hợp nếu dự án trụ sở mở rộng UBND thành phố được xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT - hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng), thì sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho chính quyền. Đổi lại, chính quyền tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận, hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thỏa thuận trong hợp đồng BT.

TS. Nguyễn Thị Hậu: Không nên xóa đi khuôn mặt của Sài Gòn

Về mặt chuyên môn, cá nhân tôi cho rằng bắt buộc cần bảo tồn Dinh Thượng Thơ. Ngoài lý do về tuổi đời, Dinh Thượng Thơ cùng với UBND thành phố hiện tại đang nằm trong một ô phố trên con đường Đồng Khởi mà cho đến giờ, các dấu tích kiến trúc cũ đã bị phá bỏ gần hết.

Nếu được bảo tồn, Dinh Thượng Thơ có thể trở thành tòa nhà tiếp dân của HĐND thành phố, cực kỳ thân thiện với người dân; vừa là một “bảo tàng sống” về kiến trúc, vừa là một phần nơi làm việc kết nối với UBND thành phố, tạo thành một tuyến tham quan dinh thự, công sở tuyệt đẹp, như cách làm của tòa Thị chính Paris.

Dưới góc độ văn hóa xã hội: với vấn đề đất đai Thủ Thiêm đang nóng như hiện nay, nếu cố tình đập Dinh Thượng Thơ còn đang nhiều tranh cãi, tôi cho rằng không khác gì đổ thêm dầu vào lửa. Dưới góc độ về nghiên cứu lịch sử - khảo cổ, tôi xin nói thẳng di sản lịch sử ở khu trung tâm thành phố đã bị phá tan nát rồi, không ai còn nhận ra dấu vết cũ. Ba Son đã bị mất, cây cối khu trung tâm bị chặt bỏ, thương xá Tax, Eden không còn,... Một không gian Sài Gòn tuyệt vời được gìn giữ mà vẫn phát triển hài hòa, nếu khu Eden trên đường Đồng Khởi, tòa chung cư kiến trúc Pháp ngay góc Lê Thánh Tôn - Đồng Khởi, hay tòa nhà Sở Giáo dục Đào tạo nếu không bị phá bỏ mà chuyển đổi công năng phù hợp… Những mất mát này là thất bại đau đớn của thành phố đối với công tác bảo tồn di sản lịch sử văn hóa.

Lê Quỳnh

Theo nguoidothi

largeer