Nhọc nhằn truy vết các ca nghi nhiễm COVID-19

Thứ tư, 05/05/2021, 09:55 AM

Hàng loạt địa phương thông báo tìm người có mặt ở các đám cưới, quán bar, cà phê… nơi bệnh nhân COVID-19 từng có mặt. Các chuyên gia nhận định, công tác truy vết trở nên nhọc nhằn hơn sau kỳ nghỉ lễ dài và cần phải có sự vào cuộc của toàn dân.

Trách nhiệm thuộc về toàn dân

Kết thúc bốn ngày nghỉ lễ, tới ngày 4/5, hàng loạt địa phương phải cấp tập truy vết, tìm người từng đến những địa điểm có bệnh nhân mắc COVID-19 ghé qua. Trong Thông báo số 65, Sở Y tế tỉnh Yên Bái yêu cầu những người có mặt tại quán Coffee Đồng Tâm, đường Yên Ninh, phường Đồng Tâm, TP. Yên Bái trong khoảng thời gian từ 17-18g ngày 1/5 liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ. 

  Trước đó, sau khi bệnh nhân mắc COVID-19 tại thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc dự đám cưới tại thôn 3B, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái ngày 1/5, UBND huyện Trấn Yên đã phải ban hành công văn hỏa tốc, yêu cầu giãn cách xã hội toàn thôn này, phong tỏa toàn khu dân cư nơi tổ chức đám cưới. Ngoài đám cưới này, Sở Y tế tỉnh Yên Bái cũng đăng tải tin tìm người từng dự đám cưới ở nhà hàng Hoa Tây Bắc (huyện Nghĩa Lộ) nhằm sớm khoanh vùng, truy vết những đối tượng tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 từng ghé qua nhà hàng này.

Tại tỉnh Lào Cai, đôi vợ chồng DJ có tiếp xúc trực tiếp một ca dương tính với SARS-CoV-2 nên lực lượng chức năng cũng ráo riết tìm những người đến quán bar Face Club (tổ 7, phường Duyên Hải, TP. Lào Cai) từ 16g ngày 26/4 đến 0g ngày 3/5. 

Chỉ trong thời gian ngắn, ngoài ổ dịch tại hai tỉnh Hà Nam, Vĩnh Phúc, COVID-19 đã xuất hiện và lan nhanh ra các tỉnh, thành trên cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng... Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Như Dương - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - nhận định, cần phải truy vết “thần tốc” mới kiểm soát được dịch bệnh. Nếu chậm trễ, chỉ cần hai ngày, F1 có thể trở thành F0 và lây lan ra cộng đồng. 

Có thể thấy, COVID-19 bùng phát sau một thời gian dài yên ắng khiến dân chúng có phần chủ quan, lơ là. Thêm vào đó, thời gian bốn ngày nghỉ lễ với những chuyến du lịch, những cuộc tụ tập đông người đang thực sự trở thành thách thức đối với các địa phương trong công tác truy vết. Thông báo khẩn phát đi từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã phần nào cho thấy sự phức tạp của đợt dịch lần này. 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), chuyên gia dịch tễ học - đánh giá, kỳ nghỉ lễ dài khiến công tác truy vết vất vả và khó khăn hơn rất nhiều: “Hiện nay, mỗi gia đình, cơ quan đều phải rà soát lại tất cả những ai di chuyển tới vùng có dịch, vùng có nguy cơ lây nhiễm để khai báo y tế chính xác. Từ đó, lực lượng chức năng sẽ có các biện pháp khoanh vùng, xác định các đối tượng nguy cơ, đối tượng cần làm xét nghiệm hay cách ly tập trung. Đây không phải là trách nhiệm riêng của một địa phương hay một đơn vị nào mà phải là của tất cả mọi người”.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh kêu gọi toàn dân cùng tham gia công tác phòng, chống dịch. Ông khuyến cáo, ngay cả những người không nằm trong diện nguy cơ (tiếp xúc với F1, F2 hay đi về từ vùng có dịch) cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành nguyên tắc 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế) theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

399_1-anhbiasobao44

Phân vùng cách ly, tránh lây nhiễm chéo

Sáng 4/5, ông Nguyễn Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - đã yêu cầu các trung tâm kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế dự phòng trên cả nước tạm thời kéo dài thêm thời gian cách ly đối với tất cả các trường hợp, ngay cả người đã đủ điều kiện hết cách ly (đã có hai lần xét nghiệm âm tính sau 14 ngày). 

Quyết định này được đưa ra sau khi Việt Nam ghi nhận ba trường hợp mắc COVID-19 sau khi trở về từ khu cách ly. Trường hợp thứ nhất là thanh niên 28 tuổi, ở xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam; trường hợp thứ hai là đoàn chuyên gia của Trung Quốc cách ly tại khách sạn Như Nguyệt 2, tỉnh Yên Bái; trường hợp thứ ba là chuyên gia người Ấn Độ, sau khi rời khu cách ly ở TP. Hải Phòng, đã tự đi lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện dương tính với SARS-Cov-2. 

Nhiều chuyên gia dịch tễ nhận định, thời gian qua, một số khu cách ly tập trung đã biểu hiện “lỗ hổng” trong quản lý, khiến dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Điển hình như khách sạn Như Nguyệt 2. Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu - cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - nhấn mạnh, quản lý ở đây có “vấn đề” khi liên tục để xảy ra liên tiếp hai vụ việc, đó là vụ nhân viên lễ tân lây nhiễm COVID-19 và đoàn chuyên gia Trung Quốc phát hiện mắc bệnh sau khi rời khu cách ly. Trong khi đó, Bộ Y tế đã có những quy định, hướng dẫn chặt chẽ, đầy đủ về cách ly tập trung tại các khu vực quân sự và dân sự.

Đồng quan điểm trên, bác sĩ Trương Hữu Khanh phân tích, hiện có ba nguồn lây nhiễm COVID-19 chính: người nhập cảnh trái phép, lây nhiễm trong khu cách ly tập trung và lây nhiễm từ người sau khi cách ly tập trung ra cộng đồng. “Làm tròn việc quản lý ở cả khâu này, mới có thể kiểm soát tốt dịch bệnh” - bác sĩ Khanh nói. 

Liên quan tới quy định tạm thời kéo dài thời gian cách ly tại các khu cách ly tập trung, bác sĩ Khanh lưu ý, để phát huy được hiệu quả, lực lượng chức năng cần phải phân luồng, chia nhóm người. Cụ thể, những người cách ly đủ 14 ngày, có hai lần xét nghiệm âm tính phải được sắp xếp ở những khu vực riêng, không ở lẫn với những người mới vào cách ly. “Nếu không phân luồng, để lây nhiễm chéo thì việc tăng thời gian cách ly sẽ không còn ý nghĩa” - bác sĩ Khanh nhận định. 

Ông Khanh cũng cho rằng, các đơn vị, địa phương cần tăng cường quản lý trong khu cách ly tập trung bằng các biện pháp cụ thể, cứng rắn như: lắp camera ở nhiều khu vực, tăng thời gian cách ly tập trung nếu người cách ly vi phạm quy định, có nguy cơ để xảy ra lây nhiễm chéo. Đội ngũ cán bộ làm việc tại các khu cách ly tập trung cũng cần được đào tạo lại thường xuyên, chặt chẽ, đặc biệt là ở những khách sạn - nơi thường xuyên thay đổi nhân sự dẫn tới tình trạng người mới nhận nhiệm vụ chưa nắm vững quy định về phòng, chống dịch. 

  Minh Quang 

Theo phunuonline
Từ khóa: