Dịch COVID-19 phức tạp, chứng khoán có lao dốc sau nghỉ lễ?
Diễn biến thị trường khó đoán định tuần cuối tháng 4 và dịch bệnh bùng phát dịch COVID-19 trở lại, liệu có châm ngòi cho hiệu ứng “bán chứng khoán tháng 5”?
Theo thống kê của CTCK VNDirect, chỉ số VN-INDEX vượt đỉnh lịch sử và chốt phiên ngày 26/04/2021 tại 1.215,77 điểm, tăng 2,0% so với cuối tháng 3/2021 và tăng 10,1% so với cuối năm 2020. Tuy nhiên, nửa cuối tháng 4, thị trường khó đoạn định với nhiều pha “tàu lượn” chóng mặt.
Nỗi lo dịch bệnh
Thanh khoản tháng 4/2021 lập kỷ lục mới với giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn đạt xấp xỉ 1 tỷ USD/phiên, tăng gấp 5,6 lần so với cùng kỳ. Dòng tiền trong nước tiếp tục đổ mạnh vào TTCK và tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HOSE đã thuyên giảm. Khối ngoại cũng có tháng giao dịch tích cực, xác lập tháng mua ròng đầu tiên trong năm 2021, sau chuỗi ngày bán ròng kéo dài từ năm 2020.
Bước sang tháng 5, thị trường được đánh giá có nhiều nỗi lo, khi thiếu đi phần nào thông tin tích cực nâng đỡ, nhờ kết quả kinh doanh quý 1, mùa đại hội cổ đông và chi trả cổ tức. “Bên cạnh đó, thị trường cũng phải đối diện với một số rủi ro như nguy cơ dịch COVID-19 quay trở lại, lạm phát được dự báo tăng cao trong Quý 2/ 2021,và margin toàn thị trường đang ở mức cao”, chuyên gia của VNDirect phân tích.
Tuy nhiên, với khả năng kiểm soát dịch bệnh thành công, TTCK Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng trong 9 tháng còn lại của năm 2020, với mức tăng trưởng gần 60% kể từ đáy. Cùng với đó, tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu mới (F0) vững vàng hơn trong các điều kiện thị trường. Sự điều chỉnh trong thời gian tới có thể xảy ra, nhưng nền tảng thị trường hiện nay thêm niềm tin cho nhà đầu tư tránh hiệu ứng đám đông.Dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn trong kỳ nghỉ lễ với số ca mắc mới, ca cộng đồng tăng phần nào tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư. Thông tin ca bệnh công bố lúc thị trường đóng cửa nghỉ lễ, nhà đầu tư không kịp trở tay, có thể khiến phiên ngày mai (4/5) biến động mạnh.
Nhìn lại năm 2020, nhà đầu tư từng bán tháo cổ phiếu sau tin xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 lây cộng đồng, chứng khoán Việt giảm mạnh nhất thế giới. VN-Index lao dốc 73,23 điểm (-6,67%), lùi về mốc 1.023,94 điểm, là phiên có tỉ lệ giảm mạnh nhất trong 20 năm TTCK. Hai tháng sau, VN-Index sụt giảm 33,51%, xuống mức thấp nhất trong vòng ba năm.
“Lời nguyền” bán cổ phiếu tháng 5 có đáng lo?
Ngạn ngữ phố Wall “Sell in May and Go Away” (tạm dịch: Hãy bán cổ phiếu tháng 5 và đi chơi) trong bối cảnh dịch bệnh khiến giới đầu tư thêm lo ngại cho phiên giao dịch sau kỳ nghỉ lễ.
Chuyên gia của CTCK Ngân hàng Quân đội (MBS) nhận định, hiệu ứng "Sell in May" năm nay khả năng sẽ ít xảy ra, khi đa phần các nhóm cổ phiếu lớn trong rổ VN30 ra báo cáo tài chính Q1 tích cực và dòng tiền sẽ quay trở lại sau kỳ nghỉ lễ. Hiện, nhiều cổ phiếu đã điều chỉnh và thậm chí xác lập đáy ngắn hạn, do đó rủi ro có thể giảm bớt, bởi thông tin trước đó đã phản ánh sớm vào thị trường.
Bên cạnh đó, theo một số thống kê, tháng 5 của 15 năm giao dịch vừa qua, hiệu ứng “Sell In May” không chiếm ưu thế rõ ràng, với 7 lần tăng và 8 lần giảm. Tuy nhiên, VNDirect nhận định, rủi ro thị trường đang tăng lên và nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro danh mục hơn là kỳ vọng lợi nhuận cao trong tháng 5. VNDirect dự báo, VN-INDEX sẽ dao động 1.160-1.260 điểm trong tháng 5/2021.
Ở chiều tích cực, VNDirect nhận định, thị trường tháng 5 vẫn có một số yếu tố hỗ trợ, bao gồm: FED tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam phục hồi mãnh mẽ hơn trong tháng 5/2021 và quý 2/2021.
PV
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường