Nhiều ngân hàng rao bán tài sản để thu hồi nợ - báo động về nợ xấu

Thứ hai, 30/10/2023, 11:45 AM

Nhiều ngân hàng đẩy mạnh rao bán tài sản để thu hồi nợ, từ nhà đất ở đến đất dự án, nhà máy và nhiều tài sản khác...

Rao bán tài sản để thu hồi nợ tại nhiều ngân hàng ngày càng gia tăng - Ảnh: IT

Rao bán tài sản để thu hồi nợ tại nhiều ngân hàng ngày càng gia tăng - Ảnh: IT

Nhiều ngân hàng rao bán tài sản thế chấp

Thị trường bất động sản "đóng băng", nhiều ngân hàng khó khăn trong việc thu hồi nợ và giải pháp được đưa ra là bán tài sản đảm bảo. Những bất động sản có giá trị từ vài tỉ cho đến vài chục tỉ đồng được rao bán nhiều lần vẫn "ế ẩm".

Ngân hàng BIDV rao bán đấu giá lần thứ 6 nhà máy xi măng ở khu công nghiệp Chơn Thành, tỉnh Bình Phước để thu hồi nợ. Giá được chào bán là 28,2 tỉ đồng. Đây là tài sản bảo đảm của Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại DIC.

Cuối tháng 10 vừa qua, BIDV cũng tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hơn 1.130m2 có thời hạn sử dụng đến tháng 7.2058. Mục đích khu đất này là xây thương mại, dịch vụ ở phường 12, quận 6, TP.HCM. Giá khởi điểm hơn 72,8 tỉ đồng. Đây là tài sản được rao bán tới 14 lần.

Nửa đầu tháng 6 vừa qua, BIDV cũng đã có cả chục thông báo bán nợ, đấu giá tài sản. Nhiều tài sản được rao bán nhiều lần vì chưa có người mua. Ngoài đất dự án, BIDV cũng rao bán đấu giá đất ở, căn hộ là tài sản đảm bảo của khách vay cá nhân. Bất động sản được rao bán tại Hà Nội, Nam Định, TP.HCM, Bình Định… có giá khởi điểm từ vài tỉ đồng đến hàng trăm tỉ đồng.

Ngân hàng VietinBank rao bán đấu giá lần thứ 12 khoản nợ của Công ty TNHH Hải Hương tại VietinBank Hà Nam là thửa đất rộng 286m2 kèm tài sản trên đất là nhà ở và công trình phụ trợ tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Giá khởi điểm được chào bán là hơn 9,5 tỉ đồng.

Ngân hàng này cũng thông báo bán đấu giá tài sản thế chấp 769,7m2 đất ở đô thị tại phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM với giá khởi điểm 31,8 tỉ đồng.

Trước đó, ngân hàng này cũng thông báo một loạt danh sách tài sản bảo đảm cần xử lý để thu hồi nợ. Các tài sản này chủ yếu là bất động sản tại phần lớn địa điểm du lịch như TP.Hội An, TP.Đà Nẵng hay tỉnh Khánh Hòa. Tính riêng TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam, Ngân hàng Vietinbank đã rao bán khoảng 35 tài sản thế chấp là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và biệt thự, khách sạn 3 - 4 sao và nhà hàng trị giá từ 12 tỉ đồng đến 600 tỉ đồng.

Theo đó, một khách sạn 4 sao có diện tích hơn 1.737m2, diện tích xây dựng là hơn 3.095m2, gồm 48 phòng được rao bán với giá 240 tỉ đồng; khách sạn 4 sao khác có diện tích đất 9.057,3m2; diện tích xây dựng 8.876,7m2; gồm 98 phòng được bán với giá 420 tỉ đồng.

Ngân hàng Agribank thông báo bán đấu giá 11 căn nhà ở TP.Hội An, trong đó nhiều căn nằm ở khu phố cổ, giá khởi điểm từ 8,5 tỉ đồng. Tổng trị giá của các tài sản này hơn 250 tỉ đồng (tính theo giá khởi điểm) trong đó thấp nhất là 8,5 tỉ đồng và cao nhất gần 72 tỉ đồng. Căn lớn nhất có diện tích hơn 340m2. Đây đều là tài sản thế chấp cho các khoản vay tại Agribank chi nhánh bắc TP.HCM trong 3 năm từ năm 2016 đến 2018.

Nợ xấu có hướng tăng mạnh

Hiện nay các ngân hàng đều đẩy mạnh rao bán bất động sản là tài sản thế chấp cho các khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, nhằm tăng cường xử lý, thu hồi nợ.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) nhìn nhận thực trạng nợ xấu của các ngân hiện nay rất đáng lo ngại, trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái. Chất lượng tài sản suy giảm, vấn đề kiểm soát nợ xấu của ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn. Việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường khó thực hiện, nhất là trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng.

Trong khi đó, việc mua các bất động sản thanh lý có thể đi kèm nhiều rắc rối về pháp lý cũng như sự đồng thuận của chủ tài sản. Chưa kể, không ít tài sản bảo đảm đã được định giá cao hơn giá trị thực tế khi phê duyệt khoản vay. Do đó, khi thanh lý, các ngân hàng thường có xu hướng định giá theo giá trị khoản nợ mà không sát với giá thị trường.

Ngoài ra, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ trên thực tế gặp nhiều vướng mắc, hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, thống nhất, khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác. Một số doanh nghiệp mất khả năng chi trả, điều này dẫn đến ngân hàng gặp khó trong việc thu hồi các khoản nợ. Do đó, có thể thấy tỷ lệ nợ xấu thời gian tới sẽ tiếp tục tăng.

Trong báo cáo giữa kỳ gửi tới Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nhanh từ năm 2022 và tiếp tục tăng nhanh trong các tháng đầu năm 2023.

Theo NHNN công bố, tỷ lệ nợ xấu từ 2% hồi đầu năm đã tăng vọt lên 3,56% đến cuối tháng 7.2023, tương đương hơn 440.000 tỉ đồng nợ xấu. Trong 7 tháng đầu năm 2023, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 128.800 tỉ đồng nợ xấu. Về nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng xác định theo Nghị quyết 42, tổng nợ xấu tăng 3,42% so với cuối năm 2022.

Lũy kế từ ngày 15.8.2017 đến cuối tháng 7.2023, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 425.900 tỉ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42. Sau 5 năm thí điểm, Nghị quyết 42 được đánh giá tích cực, người vay có ý thức trả nợ hơn, việc thu hồi tài sản đảm bảo xử lý nợ xấu có hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, Nghị quyết 42 sẽ chính thức hết hiệu lực gia hạn vào ngày 31.12.2023, NNHH đang đẩy nhanh quá trình lấy ý kiến dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), nhằm luật hóa Nghị quyết 42 để trình Quốc hội thông qua, bảo đảm không tạo khoảng trống pháp lý khi nghị quyết này hết hiệu lực.

Số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm nay của các nhà băng cho thấy tổng quy mô nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán và Agribank tại thời điểm ngày 30.6 ở mức 91.275 tỉ đồng, tăng 1.713 tỉ so với cuối năm 2022, tương đương tăng 1,9%.

Theo 1thegioi.vn

largeer