Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng vượt 3%

Chủ nhật, 15/10/2023, 22:29 PM

Với tỷ lệ này, số dư nợ xấu của toàn hệ thống đến cuối tháng 7 là hơn 440.000 tỷ đồng.

Với tỷ lệ nợ xấu hơn 3%, số dư nợ xấu của toàn hệ thống đến cuối tháng 7 là hơn 440.000 tỷ đồng.

Với tỷ lệ nợ xấu hơn 3%, số dư nợ xấu của toàn hệ thống đến cuối tháng 7 là hơn 440.000 tỷ đồng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 7, tỷ lệ nợ xấu từ 2% hồi đầu năm tăng vọt lên 3,56%.

Tỷ lệ nợ xấu trên đã bao gồm cả 5 nhà băng đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Sài Gòn (SCB), Đông Á (Dong A Bank), Xây Dựng (CBBank), Đại Dương (OceanBank) và Dầu khí Toàn cầu (GPBank). Nếu loại trừ 5 ngân hàng này ra, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các nhà băng hiện ở mức 1,92%.

Còn nếu tính nợ xấu nội bảng cộng thêm các khoản nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống tổ chức tín dụng (gồm các khoản được giữ nguyên nhóm, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn thành nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...), tỷ lệ này theo Ngân hàng Nhà nước, chiếm 6,16% (tương đương 768.000 tỷ đồng) so với tổng dư nợ tín dụng.

Nguyên nhân được cho là do COVID-19 với loạt biến cố kinh tế toàn cầu và trong nước khiến nợ xấu có xu hướng tăng liên tục 4 năm gần đây. Nhóm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó, thị trường bất động sản và trái phiếu "đóng băng" cộng với sự cố tại SCB vào tháng 10 năm ngoái là những yếu tố bất lợi, tác động lên nợ xấu của toàn hệ thống.

Hiện tại, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nợ quá hạn tăng, thị trường bất động sản ảm đạm khiến việc xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản càng thách thức.

Bên cạnh đó, theo Ngân hàng Nhà nước, thị trường mua, bán nợ vẫn còn nhiều hạn chế. Khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện và thiếu các chính sách ưu đãi khuyến khích nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu.

Đặc biệt, việc cơ cấu các ngân hàng yếu kém còn thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù để xử lý triệt để. Một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước thiếu nguồn lực để xử lý tổn thất và thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng phi ngân hàng do mình làm chủ sở hữu hoặc là cổ đông lớn.

Theo congly.vn