Nhiều địa phương vẫn nghĩ ODA là cho không, nên rất ung dung

Thứ sáu, 17/08/2018, 14:42 PM

Lâu nay, nguồn vốn ODA vẫn được mặc định là vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, đã và sẽ tiếp tục là một nguồn vốn quan trọng bổ sung nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, dường như đang có một sự dễ dãi “thái quá” đối với việc vay nguồn vốn này.

Nhìn vào con số tương đối, tỷ trọng nợ công so với GDP của Việt Nam giảm trong năm vừa qua. Dữ liệu từ Kiểm toán Nhà nước, Từ Bộ Tài chính cho thấy nợ công đến cuối năm 2017 khoảng 62,6% GDP, thấp hơn mức 63,7% GDP của năm 2016.

Tuy nhiên, riêng nợ nước ngoài quốc gia lại tăng, tương ứng là 45,2% GDP năm 2017 so với 44,3% GDP năm 2017 (nguồn dữ liệu khác cho biết đến hết năm 2017, tổng dư nợ nước ngoài của quốc gia là 2.451 triệu tỷ đồng, tăng 79% so với năm 2016 và bằng 49% GDP).

Vốn ODA góp vai trò quan trọng trong phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội

Vốn ODA góp vai trò quan trọng trong phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội

Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016” mới đây đã được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Báo cáo cho biết một số bộ phận cán bộ nhận thức về nguồn lực ODA vẫn với quan niệm rằng đây là vốn tài trợ cho không.

“Cho đến tận bây giờ, nhiều địa phương, cán bộ vẫn nghĩ ODA là cho không, nên rất ung dung” - theo ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.

Đoàn giám sát cũng nhận thấy, có lẽ do cách nghĩ ODA là Chính phủ đi vay, nên trách nhiệm của địa phương không cao. Có nơi lập dự án với suy nghĩ cứ viết “hay” miễn là vay được tiền.

Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ, kéo theo tổng mức đầu tư tăng vọt lên rất cao. Như Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn tăng 10.515 tỷ đồng…

Báo cáo của Đoàn giám sát cho biết trong giai đoạn 2011-2016, đã có 319 hiệp định được ký kết, với tổng giá trị khoảng 33,643 tỷ USD, cao hơn tới 59% so với thời kỳ 2006-2010. Trong đó, vốn vay và vốn vay ưu đãi chiếm 96%, viện trợ không hoàn lại chỉ có 4%.

Không thể phủ nhận các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã hỗ trợ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phát triển kinh tế.

“Đi địa phương chúng tôi thấy các dự án ODA đã thay đổi mặt bằng đời sống xã hội ở nhiều nơi, trong nhiều lĩnh vực. Nếu không có vốn ODA thì không được như bây giờ”, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải ghi nhận.

Tuy nhiên, như phân tích ở trên, đến thời điểm này việc vay ODA cũng nên giảm dần. Bởi lẽ, nợ công, nợ Chính phủ đã khá cao, sức ép trả nợ các khoản vay cũ tăng dần. Trong khi đó, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, nên sẽ phải tiếp cận với các nguồn vốn vay với chi phí cao hơn.

Vì vậy, Đoàn giám sát đề nghị cần quyết liệt cơ cấu lại nguồn vốn vay nước ngoài có lợi cho quốc gia. Bên cạnh đó, cần rà soát, có phương án trả nợ chủ động, sử dụng kết hợp hài hòa các nguồn vốn để khai thác hiệu quả các nguồn lực, không phụ thuộc vào nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

“Nhận thức về vốn vay ODA phải khác đi, phải tính chuyện cân đối nguồn lực, không thể chỉ trông vào nguồn vay ODA”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chia sẻ.

Linh Đan

Theo TBNH

largeer