Nhật Bản vượt Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam
Theo thông báo mới nhất của Tổng cục Thống kê, sau 7 tháng đầu năm, Nhật Bản vượt Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.
Kết quả được dự báo trước
Cụ thể với đầu tư FDI của Nhật Bản vào Việt Nam tính đến hết ngày 31/7/2018 là 5.815 tỷ đồng, bỏ xa FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam (3.326 tỷ đồng). Với rất nhiều chuyên gia kinh tế, việc Nhật Bản trở thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam là điều đã được dự báo từ nhiều năm trước.
Trong những năm gần đây, Nhật Bản tăng cường viện trợ cho Việt Nam với các dự án xây dựng hạ tầng, nhiều chương trình nghiên cứu chính sách phát triển công nghiệp theo hướng hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, đào tạo nhân lực… là biểu hiện của chiến lược thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Các dự án đó gián tiếp tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhật Bản thuận lợi hơn khi đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài ra, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng có rất nhiều thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập) tại Việt Nam. Đáng chú ý có các thương vụ giữa JX Nippon Oil & Energy và Petrolimex, ANA Holdings và Vietnam Airlines, Sojitz và Giấy Sài Gòn, Thép Kyoel với Công ty cổ phần Thép Việt Ý, Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ với VietinBank, Mizuho - Vietcombank…
Nhận xét về việc Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền cho rằng: “Nhật Bản đang đối diện với dân số già, rất cần lao động trẻ của Việt Nam. Nhật Bản chẳng những di chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam để tận dụng lao động trẻ, mà còn phát triển rất nhiều chương trình hợp tác nhằm đưa lao động trẻ Việt Nam sang Nhật Bản. Mặt khác, người Việt cũng có thiện cảm tốt với người Nhật bởi văn hoá và sự văn minh của họ. Đây cũng là một phần trong chiến lược thâm nhập vào thị trường Việt Nam của người Nhật trong nhiều năm qua”.
Đặc biệt, sau nhiều năm không mặn mà với chuyện đầu tư bất động sản, các nhà đầu tư Nhật Bản, giờ đây lại rất quan tâm đến lĩnh vực "màu mỡ" này. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng đầu năm 2018, Nhật đứng thứ hai trong số 86 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Các nhà đầu tư Nhật nhanh chóng nhận ra kinh tế Việt Nam đang phát triển vượt bậc, thu nhập của người dân ngày một tăng và càng có nhiều người muốn mua hoặc xây cho mình một căn nhà mới. Xu thế này giống như thị trường ở Nhật Bản 30 - 40 năm trước nên họ cho rằng, Việt Nam sở hữu thị trường bất động sản tiềm năng và quyết định đầu tư.
Quan tâm đặc biệt đến thị trường TP.HCM
Hiện tại, mặc dù là quốc gia có lượng đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam, nhưng Nhật Bản mới chỉ đứng thứ 5 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào TP.HCM. Trong tương lai, TP.HCM chắc chắn sẽ còn thu hút các nhà đầu tư Nhật nhiều hơn nữa. Bởi trung tâm kinh tế lớn nhất nước có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao sẵn sàng đón các nhà đầu tư xứ Mặt Trời mọc và TP.HCM sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp Nhật đầu tư, kinh doanh lâu dài.
Ngày 7/8/2018, ông Uchida Shigenobu đã dẫn đầu đoàn công tác của Ban Thanh niên thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đến thăm và làm việc tại TP.HCM. Ông Shigenobu và các đại biểu đã được ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM tiếp đón trọng thị. Chia sẻ với phóng viên Người tiêu dùng, ông Shigenobu cho biết: “Đoàn gồm hơn 100 đại biểu đến từ hơn 100 doanh nghiệp Nhật Bản, đại diện cho 34.000 doanh nghiệp thành viên và nhiệm vụ của chuyến viếng thăm này là thúc đẩy phát triển mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản”. Ông Shigenobu cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển của TP.HCM và mong muốn phát triển quan hệ hợp tác với thành phố trong thời gian tới và hy vọng sẽ đóng góp để củng cố hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Tất nhiên, khi Nhật Bản đầu tư nhiều vào Việt Nam, thuận lợi cũng nhiều mà thách thức cũng lắm. Hàng hoá và dòng vốn nước ngoài thâm nhập vào thị trường nội địa cũng là tất yếu. Thách thức cạnh tranh đối với doanh nghiệp bản địa là rất lớn. Chính phủ cần tạo cơ chế thúc đẩy quan hệ hợp tác này để thị trường “sân nhà” là nơi cộng hưởng sức mạnh của doanh nghiệp nội với doanh nghiệp ngoại, đảm bảo doanh nghiệp ngoại bám rễ lâu dài, tạo công ăn việc làm, nâng cao trình độ phát triển của các ngành công nghiệp của Việt Nam là điều then chốt nhất trong chính sách phát triển công nghiệp nước nhà trong thời gian tới.
Thế Anh – Kim Ngọc
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường