Nhân vật bí ẩn đứng sau scandal Vietjet Air từng "nhấn chìm" lợi nhuận ngân hàng An Bình

Thứ năm, 01/02/2018, 06:03 AM

Cuối cùng cũng có người chịu trách nhiệm trước scandal người mẫu uốn éo trên chuyên cơ đón U23 Việt Nam về nước. Đó là giám đốc điều hành Vietjet Air: ông Lưu Đức Khánh.

Người tạo scandal là ông Lưu Đức Khánh?

Mấy ngày hôm nay dư luận trong nước sôi sục trước những hình ảnh xấu xí, phản cảm mà Vietjet Air tạo ra. Đầu tiên, Vietjet Air khiến hàng triệu người dân Việt bức xúc vì để dàn người mẫu uốn éo trong chuyên cơ chở U23 Việt Nam về nước sau hành trình thi đấu đầy cảm xúc trên đất Trung Quốc.

Tệ hại hơn, trong nội dung xin lỗi do bà CEO Vietjet Air ký, Vietjet đổ lỗi cho dàn người mẫu và không chịu nhận trách nhiệm về mình. Điều đó khiến dư luận giận dữ hơn. Cơn giận dữ lên tới đỉnh điểm khi Lại Thanh Hương, một trong những người mẫu có mặt trong buổi biểu diễn khẳng định họ được Vietjet Air thuê, chứ không phải tự ý hành động như vậy.

Kết quả là cộng đồng mạng cùng kêu gọi tẩy chay hãng hàng không giá rẻ này và đòi người tạo ra scandal phải nhận trách nhiệm và từ chức. Dù vậy, không ai biết chính xác ai là người đứng sau câu chuyện này.

Tới chiều 30/1, Cục Hàng không Việt Nam đã có thông báo về việc Công ty cổ phần hàng không Vietjet tổ chức sự kiện trên chuyến bay VJ7269 ngày 28/1/2018.

Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành Vietjet Air.

Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành Vietjet Air.

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức cuộc họp đánh giá, xác định nguyên nhân, xem xét trách nhiệm để xử lý vi phạm nhằm tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh trong hoạt động hàng không dân dụng đối với Vietjet Air.

Cục hàng không đánh giá việc tổ chức sự kiện trên chuyến bay VJ7269 của Vietjet Air mặc dù không làm mất an toàn chuyến bay nhưng có thể gây uy hiếp an toàn, nên Cục Hàng không Việt Nam đã quyết định xử lý các tổ chức, cá nhân.

Trong đó, cá nhân được chú ý nhất chính là Giám đốc điều hành Vietjet Air. Cục hàng không yêu cầu xử lý vi phạm đối với Giám đốc điều hành với hình thức khuyến cáo bằng văn bản quy định tại Điều 16- Thông tư số 85/2015/TT-BGTVT ngày 31/12/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải hàng không.

Trong văn bản này, Cục hàng không Việt Nam không nêu danh tính cụ thể. Tuy nhiên, nếu xem các hồ sơ của Vietjet, có thể thấy, Giám đốc điều hành của hãng hàng không này chính là ông Lưu Đức Khánh.

"Nhấn chìm" lợi nhuận ngân hàng An Bình

Tại Vietjet Air, CEO Nguyễn Thị Phương Thảo là người được biết đến rộng rãi nhất. Tên tuổi của bà Thảo thậm chí còn vượt xa Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Thanh Hà. Vì vậy, Giám đốc điều hành Lưu Đức Khánh cũng là cái tên ít được biết đến.

Hiện tại, ông Lưu Đức Khánh nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong "hệ thống" công ty liên quan đến bà Phương Thảo. Ông đang làm thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành và Người công bố thông tin của Vietjet Air. Ngoài ra, ông còn nắm giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank và thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sovico (SOVICO).

Nhìn vào lý lịch của ông Lưu Đức Khánh có thể thấy ông là người sớm bộc lộ năng lực lãnh đạo. Năm 1988, khi mới 28 tuổi, ông đã trở thành Phó Tổng Giám đốc - Công ty CCL Sài Gòn (thuộc Saigon Tourist). Sau đó, ông Khánh dấn thân vào ngành ngân hàng khi kinh qua nhiều vị trí tại Vietcombank, HSBC Việt Nam và Techcombank.

Nhưng phải sang 2007, ông Khánh mới trở thành người đứng đầu một ngân hàng khi nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (An Binh Bank). 

Trong năm đầu tiên giữ chức vụ Tổng giám đốc An Binh Bank, ông Lưu Đức Khánh có công đưa lợi nhuận ngân hàng này tăng vọt. Theo báo cáo tài chính năm 2007 của An Binh Bank, lợi nhuận sau thuế năm 2007 của ngân hàng đạt 162 tỷ đồng, tăng 104 tỷ đồng, tương ứng 179% so với năm 2006.

Đây là tỷ lệ tăng rất lớn nhưng nếu xét về giá trị tuyệt đối, con số lãi 162 tỷ đồng vẫn khiêm tốn hơn rất nhiều so với vốn điều lệ 2.300 tỷ đồng. Nghĩa là nếu mang số vốn đi gửi ngân hàng, số vốn này sẽ mang về nhiều lãi suất hơn là lợi nhuận kinh doanh của An Binh Bank.

Cổ đông chưa kịp mừng vì lợi nhuận của An Binh Bank tăng trưởng mạnh dù vẫn còn thấp thì họ lại thất vọng khi chứng kiến các chỉ tiêu kinh doanh sụt giảm sâu trong năm 2008. Theo báo cáo tài chính năm 2008. lợi nhuận sau thuế của ngân hàng chỉ đạt 50 tỷ đồng, giảm 112 tỷ đồng, tương ứng 69% so với năm 2007.

Không rõ có phải "nhấn chìm" lợi nhuận của An Binh Bank hay không mà tới tháng 11/2008, ông Lưu Đức Khánh phải rời ghế Tổng giám đốc ngân hàng này. Ngay sau khi ông Khánh rời đi, tình hình kinh doanh tại ngân hàng này có nhiều biến chuyển rõ nét. Lợi nhuận sau thuế năm 2009 của  An Binh Bank đạt 312 tỷ đồng, tăng 262 tỷ đồng, tương ứng 524% so với năm 2007.

Điều đáng ngạc nhiên là dù khiến lợi nhuận của ngân hàng An Bình giảm sâu nhưng ông Lưu Đức Khánh vẫn được hệ thống công ty liên quan tới bà Nguyễn Thị Phương Thảo trọng dụng. Ngay sau khi rời An Bình, ông Khánh được bổ nhiệm vào chức vụ Giám đốc Sovico, sau đó là Phó Chủ tịch Chuyên trách HĐQT HDBank và Giám đốc điều hành Vietjet Air.

Hiện tại, chưa biết ông Khánh đã làm gì trong scandal dàn người mẫu uốn éo trên chuyên cơ đón U23 Việt Nam nhưng rõ ràng ông phải chịu trách nhiệm khi Cục Hàng không Việt Nam phạt ông. Mức phạt của riêng cá nhân ông Khánh và 40 triệu đồng cho Vietjet Air chưa phải tổn thất duy nhất mà hãng hàng không giá rẻ này phải gánh chịu. 

Theo Bảo Linh-NTD

largeer