Nhận lương 3 năm “ngồi chơi”, chờ phân công

Thứ năm, 05/04/2018, 22:06 PM

Cho rằng Giám đốc Trung tâm thông tin, thuộc Thanh tra Chính phủ có sai phạm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Đặng Công Huẩn đã giao chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra, xử lý. Tuy nhiên, cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) cho biết không có cơ sở kết luận hành vi phạm tội.

Thông báo quyết định “không khởi tố vụ án hình sự” của Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an).

Thông báo quyết định “không khởi tố vụ án hình sự” của Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an).

Suốt 6 năm nay, Tiến sĩ Cung Phi Hùng – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ, sau đây viết tắt là TTCP) đã có rất nhiều lá đơn kêu oan, đơn tố cáo, gửi khắp các cơ quan Trung ương đề nghị xử lý các sai phạm diễn ra tại TTCP. Ông Hùng từng là Giám đốc Trung tâm Thông tin của TTCP (tương đương Vụ trưởng), sau thời gian dài khiếu nại, tố cáo đã được điều chuyển về Viện Khoa học Thanh tra làm Phó Viện trưởng (tương đương Phó Vụ trưởng) từ năm 2013. Và từ năm 2013 đến nay, ông Hùng tiếp tục kêu oan và tố cáo.

Nhiều nội dung tố cáo ông Hùng là tố cáo sai

Theo hồ sơ, năm 2009, ông Cung Phi Hùng ký hợp đồng với Công ty CP Công nghệ Vinh Tân (Thanh Xuân, Hà Nội) xây dựng hệ thống thông tin quản lý khiếu nại, tố cáo với giá trị hợp đồng gần 1,3 tỷ đồng. Kết thúc hợp đồng, có người tố cáo cho rằng ông Hùng quyết toán khống 150 triệu đồng tiền gói dịch vụ hướng dẫn và đào tạo sử dụng giữa TTCP và Công ty cổ phần công nghệ Tinh Vân. Ngoài việc “quyết toán khống”, ông Hùng còn bị tố cáo thêm 15 nội dung khác.

Ngày 23-11-2012, Tổng TTCP ký quyết định thành lập đoàn xác minh, thời hạn 30 ngày. Nhưng mãi hơn 11 tháng sau, đến ngày 30.10.2013, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Lê Tiến Hào mới ký ban hành Kết luận 2485/KL-TTCP đối với ông Hùng. Theo đó, người tố cáo tố sai nhiều nội dung: Không lập, thẩm định Dự án xây dựng Cổng TTCP; Cung cấp bản quyền phần mềm Tiếp dân và Xử lý đơn thư cho một số đơn vị tư nhân để cài đặt, chào giá cho một số địa phương; Tiếp tay cho Thanh tra tỉnh Lâm Đồng lập dự án khiếu nại, tố cáo và chỉ đạo ông Nguyễn Hoài Thu, nhân viên Trung tâm Thông tin giúp Thanh tra tỉnh Lâm Đồng thẩm định dự án tại Viện Công nghệ thông tin; Giám đốc và một nhân viên báo sai sự thật về 8 ngày đi cài đặt, hướng dẫn sử dụng phần mềm tại Thanh tra tỉnh Lâm Đồng; Quyết toán khống 9 use case trong phần mềm tiếp dân và xử lý đơn thư.

Ngoài ra, một số nội dung tố cáo được kết luận là “đúng về hiện tượng” (đây là thuật ngữ “lạ”, vì kết luận thanh tra chỉ có đúng / sai – hoặc đúng một phần chứ không có kết luận “đúng về hiện tượng”, chúng tôi sử dụng nguyên văn) như: Không xác định giá trị phần mềm là 1 tỷ trong Dự án xây dựng Cổng theo Công văn 3364/2008/BTTTT-ƯDCNTT: Kết luận “Tố cáo đúng về hiện tượng”; Sử dụng Quyết định 2580/2009/QĐ-TTCP v/v phê duyệt Dự án xây dựng Cổng để xin vốn Poscis xây dựng Cổng: Kết luận: “Tố cáo đúng về hiện tượng”…

Đáng nói là, theo quy định của pháp luật, người tố cáo phải chịu trách nhiệm nếu tố cáo sai, thì một số nội dung tố cáo sai được “uyển chuyển” thành “đúng về hiện tượng” thậm chí được bỏ, không đưa vào Kết luận như: Không thực hiện hết các nội dung trong Báo cáo nghiên cứu khả thi để xây dựng Cổng; Cử cán bộ của Trung tâm Thông tin đi cài đặt, hướng dẫn sử dụng tại các địa phương, nhưng vẫn để các công ty bên ngoài đi ký hợp đồng; Rút lõi hồ sơ trước khi trình Tổng TTCP ký phê duyệt “đề cương và dự toán chi tiết” Đề án 137; Báo cáo sai sự thật và sử dụng kết quả thẩm định chưa đúng để trình Tổng TTCP ký phê duyệt dự toán Đề án 137.

Trong rất nhiều nội dung tố cáo, Kết luận thanh tra chỉ đưa ra được nội dung tố cáo đúng là: Không lập, thẩm định dự toán chi tiết dự án “Xây dựng chuyên mục giáo dục và đào tạo về phòng, chống tham nhũng trên Cổng; Đục phòng làm việc thông sang phòng 5D.

Riêng nội dung tố cáo ông Hùng thực hiện quyết toán khống 150 triệu đồng gói dịch vụ hướng dẫn và đào tạo người sử dụng theo hợp đồng với Công ty Tinh Vân là “đúng một phần”. Kết quả xác minh cho thấy tại thời điểm ký biên bản nghiệm thu, Công ty Tinh Vân chưa tổ chức thực hiện đào tạo, hướng dẫn. Tuy nhiên tại thời điểm thanh tra thì phần mềm đã được sử dụng bình thường ở TTCP và Thanh tra các Bộ, ngành và Thanh tra địa phương (được lý giải là có đào tạo sẽ phí thời gian của cán bộ các nơi – PV)

TTCP kết luận ông Cung Phi Hùng phải nghiêm túc kiểm điểm khi để xảy ra tình hình nội bộ không ổn định; công tác lãnh đạo điều hành hiệu quả không cao, chậm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; không tiết kiệm ngân sách nhà nước. Đồng thời, người tố cáo cũng phải nghiêm túc kiểm điểm về việc tố cáo các nội dung không đúng gây nghi ngờ nội bộ, ảnh hưởng đến đoàn kết và việc tự liên hệ với Thanh tra một số địa phương để thu thập chứng cứ khi chưa được người có thẩm quyền đồng ý là vi phạm, gây dư luận không tốt đối với TTCP.

“Chờ phân công công tác” suốt 3 năm

Ngay trước ngày có Kết luận Thanh tra số 2485 (ngày 30-10-2013) của ông Lê Tiến Hào, thì ngày 24-10-2013, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh ký Quyết định 2431/QĐ-TTCP điều động ông Hùng về Vụ Tổ chức Cán bộ chờ phân công công tác khác. Ông Hùng vẫn nhận lương của lãnh đạo và hệ số phụ cấp 0,8.

Và từ đó ông Cung Phi Hùng gần như “ngồi chơi” suốt 3 năm. Ông nhận thu nhập hàng trăm triệu đồng dù theo ông Hùng là “không được làm việc”. Ba năm sau, ngày 22.9.2016, Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu ký Quyết định 2424/QĐ-TTCP điều chuyển ông Hùng về Viện Khoa học Thanh tra, giữ chức Phó Viện trưởng.

Vụ việc của ông Hùng đã kéo dài liên tiếp nhiều năm vẫn chưa giải quyết xong.

Vụ việc của ông Hùng đã kéo dài liên tiếp nhiều năm vẫn chưa giải quyết xong.

Vụ việc của ông Hùng đã kéo dài liên tiếp nhiều năm vẫn chưa giải quyết xong.Cho rằng mình bị oan sai, ông Hùng liên tục khiếu nại suốt 6 năm nay đối với tất cả các nội dung mà ông bị cáo buộc. Ngày 29-7-2015, ông Huỳnh Phong Tranh – Tổng Thanh tra Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 86/QĐ-TTCP giải quyết tố cáo của ông Hùng với ông Ngô Đại Tuấn – Chánh Văn phòng TTCP và cũng là Trưởng đoàn thanh tra đối với ông Hùng (kéo dài từ 2012 đến 2013) – thời gian thanh tra là 60 ngày. Thế nhưng, thời gian thanh tra tố cáo của ông Hùng đối với ông Tuấn kéo dài gần… 600 ngày! Mãi đến 24-2-2017, Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn mới ký Kết luận 374/KL-TTCP đối với ông Ngô Đại Tuấn. Theo đó, ông Ngô Đại Tuấn và các tổ chức cá nhân có sai một số nội dung, cần phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Thế nhưng, Kết luận do ông Huẩn ký đồng thời có nội dung chuyển hồ sơ đến Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) điều tra ông Cung Phi Hùng với lý do rất nghiêm trọng: Tin tặc nước ngoài đã tấn công khai thác các lỗ hổng bảo mật, tấn công SE khống chế Cổng thông tin TTCP, nhiều tài liệu nội bộ bị chiếm đoạt (khoảng 5,5 GB), nhiều thông tin nhạy cảm bị lộ lọt; Điều tra việc quyết toán khống 150 triệu đồng.

Kêu oan, bị chuyển hồ sơ sang Công an!

Như vậy, từ người tố cáo, ông Cung Phi Hùng trở thành đương sự trong một vụ việc bị Cơ quan điều tra của Bộ Công an điều tra. Ngày 14-3-2017, TTCP có Công văn số 45-TTCP-TCT gửi Cơ quan An ninh điều tra đề nghị xử lý 2 vụ việc của ông Hùng theo Kết luận 374/KL-TTCP do Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn ký.

Sau nửa năm điều tra, ngày 11-9-2017, Đại tá Trần Thanh – Phó Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra đã ra Thông báo số 798/TB-ANĐT-P5 “thống báo kết quả giải quyết tin báo về tội phạm, trong đó quyết định “không khởi tố vụ án hình sự” đối với ông Cung Phi Hùng vì không có cơ sở để định tội danh, xử lý hình sự.

Kể từ lúc nhận Thông báo của Bộ Công an, ông Cung Phi Hùng tiếp tục khiếu nại ông Phan Văn Sáu, ông Huỳnh Phong Tranh, ông Đặng Công Huẩn và nhiều cá nhân khác vì cho rằng mình bị trù dập.

Có thể thấy, khởi đầu từ đối tượng của một lá đơn tố cáo với nhiều nội dung tố cáo sai, tiến sĩ Cung Phi Hùng – người bị lá đơn đó nhắm vào – đã mất tới 6 năm để đấu tranh làm rõ công lý. Với những kết luận của cơ quan điều tra, Bộ Công an,  mọi việc đã từng bước được làm sáng tỏ. Nhưng uy tín, danh dự, cũng như sự nghiệp của ông Cung Phi Hùng với tư cách một nhà khoa học, một cán bộ lãnh đạo cấp vụ bị tổn hại chưa thể phục hồi.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả không có quyền và không có đủ điều kiện kết luận đúng sai chung cuộc của vụ việc. Nhưng câu chuyện một nhà khoa học, một cán bộ ở một cơ quan quan trọng như Thanh tra Chính phủ lại “được” đối xử với rất nhiều uẩn khúc trong suốt 6 năm làm tốn công sức của rất nhiều người, nhiều cơ quan như trường hợp ông Cung Phi Hùng, thực sự là điều đáng phải suy nghĩ ít nhất trên khía cạnh công tác tổ chức – cán bộ của Thanh tra Chính phủ.

“Tôi giờ đây là Phó Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra, tôi đã nghiên cứu luật rất kỹ nên biết mình không sai. Chỉ có điều, tôi càng vạch ra sự sai trái thì càng bị trù dập. Suốt 3 năm hưởng lương lãnh đạo mà bị buộc ngồi yên không cho làm gì, tôi càng có thời gian nghiên cứu pháp luật… Hiện tôi đã làm một lá đơn tố cáo dài 22 trang gửi tân Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. Vụ việc đã kéo quá dài và tôi mong muốn sẽ kết thúc để yên tâm công tác” – ông Hùng nói với chúng tôi.

Hữu Danh

Theo Làng mới

largeer