Người tiêu dùng quay lưng, ngành công nghiệp sữa của Mỹ lao đao
Dean Foods, công ty sữa lớn nhất của Mỹ, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Đây là một thất bại thảm hại cho ngành công nghiệp sữa Hoa Kỳ trong bối cảnh ngành này đang đấu tranh chống lại sự suy giảm tiêu thụ sữa của Hoa Kỳ và cạnh tranh gia tăng.
Dean Foods và cả những hộ nông dân chăn nuôi bò sữa trong nhiều năm đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội trong những năm gần đây khi người ăn chay đang tăng lên hằng ngày. Từ lâu người tiêu dùng đã quay lưng với các sản phẩm sữa và từ sữa chuyển sang dùng nước đóng chai, nước ép trái cây và các sản phẩm thay thế sữa làm từ đậu nành và lúa mạch.
Các chuyên gia thị trường cho biết, ngành công nghiệp sữa sẽ cần phải tăng cường sức mạnh trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng có ý thức hơn về môi trường.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Mintel, trong 2.000 người được hỏi, doanh số bán sữa thực vật đã tăng 10% trong hai năm qua. Trong số những người tham gia khảo sát, 23% đã sử dụng sữa thực vật trong 3 tháng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2018.
Một lý do nữa khiến người tiêu dùng ngày càng chuộng sữa thực vật và quay lưng với sữa công thức bởi vì lo ngại về đạo đức kinh doanh và môi trường. Khoảng 36% thanh niên cho biết chăn nuôi bò sữa không tốt cho môi trường, đó là lý do tại sao họ chọn ngừng mua sữa bò.
Trong ngành kinh doanh sữa, các chi nhánh của Dean Foods có trụ sở tại Dallas đã phải vật lộn với khó khăn khi các chuỗi cửa hàng tạp hóa tăng cường các sản phẩm giá rẻ của các thương hiệu khác và thậm chí trong một số trường hợp ngay chính chuỗi cửa hàng tạp hóa này đã xây dựng nhà máy sữa của riêng họ, giảm sự phụ thuộc vào Dean. Trong ba tháng qua, giá sữa nguyên liệu tăng 10% khiến chi phí sản xuất tăng buộc Dean đã phải nhanh chóng đóng cửa các nhà máy để giảm chi phí.
Công ty cho biết họ đã bảo đảm tài chính để tiếp tục hoạt động và trả lương cho nhân viên trong khi đó họ cũng đang xem xét thảo luận về việc bán công ty cho Dairy Farmers of America Inc. (DFA), hợp tác xã sữa lớn nhất Hoa Kỳ.
“Mặc dù chúng tôi đã nỗ lực hết sức để làm cho việc kinh doanh của Dean Foods trở nên linh hoạt và tiết kiệm chi phí hơn, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi môi trường kinh doanh đầy thách thức khi người tiêu dùng giảm tiêu thụ sữa” - ông Eric Beringause, Giám đốc Điều hành của Dean, cho biết.
Dean Foods vận hành khoảng 60 nhà máy chế biến sữa ở 29 tiểu bang, một mạng lưới được xây dựng qua nhiều năm mua lại các công ty sữa trong khu vực để trở thành nhà chế biến sữa hàng đầu của Hoa Kỳ. Dean Foods, nhà sản xuất nhiều sản phẩm sữa phổ biến nhất của Mỹ như Dairy Pure, Organic Valley và Land O’Lakes, chuyên cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị và trường học.
“DFA, đại diện cho khoảng 14.000 nhà sản xuất sữa của Mỹ, đã theo dõi chặt chẽ tình hình tài chính của Dean và đã chuẩn bị tài chính cho sự phá sản của công ty này” - bà Monica Massey, Phó Chủ tịch của Hợp tác xã DFA có trụ sở tại Kansas City, cho biết.
Trong nhiều năm, Dean đã cố gắng thu hẹp mạng lưới của mình và vào tháng 3, ước tính số lượng chỉ còn 15.000 cơ sở, từ 23.000 cơ sở cách đây 10 năm. Tuy nhiên, các nỗ lực của công ty trong việc đóng cửa các nhà máy hoạt động kém hiệu quả và cắt giảm chi phí vẫn không thể giúp công ty thoát khỏi khó khăn khi doanh số ngày càng giảm và không thể cạnh tranh với các đối thủ mạnh như Kroger co. và Albertsons Co.. Và Walmart, một khách hàng lớn của Dean, cũng đã cắt hợp đồng với công ty vào năm ngoái sau khi xây nhà máy sản xuất sữa riêng.
Cho đến khi nộp đơn phá sản vào thứ Ba (ngày 12/11), Dean đã báo cáo 5 khoản lỗ hàng quý liên tiếp và một số nhà phân tích dự đoán công ty sẽ tiếp tục lỗ trong suốt năm 2020. Doanh thu năm 2018 của công ty là 7,8 tỷ USD, giảm 38% so với một thập kỷ trước và cổ phiếu của công ty chỉ giao dịch xung quanh mức giá 1 USD kể từ tháng 5, giảm từ mức trên 21 USD vào cuối năm 2016.
Vào tháng 2, ban giám đốc của Dean đã đưa ra một tầm nhìn chiến lược, thuê các cố vấn để tư vấn các giải pháp kể cả việc bán công ty. Theo tạp chí Phố Wall, Dean đã nhận được một số lời đề nghị mua lại một số nhà máy hoặc việc kinh doanh kem của công ty, nhưng các giám đốc điều hành đã từ chối những đề nghị đó.
Hôm thứ Ba vừa rồi, Dean Foods cho biết họ sẽ sử dụng quy trình phá sản để giải quyết các khoản nợ và nghĩa vụ lương hưu chưa được giải quyết trong khi họ thương thảo để bán công ty. Phá sản cũng có thể khiến Dean đóng cửa nhiều nhà máy hơn, mặc dù việc đóng cửa trước đó vào năm ngoái đã khiến một số khách hàng của Dean phàn nàn về tình trạng thiếu hàng và giao hàng trễ. Một số cửa hàng tạp hóa đã vạch ra kế hoạch dự phòng trong trường hợp Dean bán hết nhà máy hoặc gặp phải các vấn đề khác.
Đối với những người chăn nuôi bò sữa, sự hỗn loạn xung quanh Dean làm tăng thêm sự không chắc chắn cho một ngành nông nghiệp nơi lợi nhuận rất mỏng và các vụ phá sản đang gia tăng, do giá thấp và nguồn cung cao. Wisconsin, tiểu bang sản xuất sữa lớn thứ hai của Mỹ, đã mất hơn 800 đàn bò sữa trong 12 tháng qua, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ từ tháng Mười.
Lê Phan (Theo The Wall Street Journal)
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm