Hợp đồng ủy quyền và những rủi ro cho người tiêu dùng
Thời gian qua, hoạt động mua bán, sử dụng hợp đồng ủy quyền diễn ra sôi động. Tuy nhiên, rủi ro của loại hợp đồng này không phải ai cũng biết. Từ đó, nhiều kẻ đã lợi dụng lỗ hổng của hợp đồng ủy quyền để trục lợi, còn khách hàng dễ ôm “trái đắng”.
Hợp đồng ủy quyền được biết đến là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định (Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015).
Trong thời gian qua, hợp đồng ủy quyền được nhiều người sử dụng trong các giao dịch kinh tế, mua bán với nhau. Với tư cách là người có nhu cầu về mua xe máy cũ, phóng viên đã liên hệ người bán thông qua một trang web.
Qua điện thoại, người bán ra sức quảng cáo về chất lượng xe và yêu cầu người mua có mặt trực tiếp để xem hàng.
Tại một cửa hàng ở quận Tân Phú, người bán cho biết xe này được mua lại của một người khác và được chủ sở hữu ủy quyền cho việc mua bán. Vì vậy, người mua khi có nhu cầu sẽ được làm hợp đồng ủy quyền cho sử dụng.
Thế nhưng, khi phóng viên yêu cầu muốn được làm hợp đồng mua bán, người bán liền khuyên không nên làm như vậy. Theo nam nhân viên này, việc làm hợp đồng mua bán sẽ rất mất thời gian. Khách hàng chỉ cần làm hợp đồng ủy quyền rồi ra công chứng sẽ mang xe về sử dụng ngay được.
Khi được hỏi, dùng hợp đồng ủy quyền có những rủi ro nào không thì người bán không giải thích được, mà chỉ bảo đảm không có phát sinh gì xảy ra. Người mua xe tiếp tục đặt câu hỏi: “Nếu chủ xe không muốn ủy quyền nữa và đòi xe thì như thế nào?”. Nam nhân viên chỉ biết trả lời: “Sao đòi được, ủy quyền rồi thì sao mà đòi được”.
Để khẳng định với khách hàng, nam nhân viên bán xe còn đưa ra một tập hồ sơ về các hợp đồng ủy quyền mua bán xe, kèm theo đó là những giao dịch thành công trong việc bán xe bằng hợp đồng ủy quyền. Qua tìm hiểu, hiện nay việc mua bán xe không chỉ bằng hợp đồng ủy quyền, mà còn diễn ra với việc viết giấy tay cho sử dụng xe.
Tương tự, lâu nay việc mua bán nhà đất bằng hợp đồng ủy quyền vẫn âm thầm diễn ra. Hiện TP.HCM đã có quy định về diện tích tách thửa và xây dựng nhà ở tại nhiều quận, huyện. Nhưng tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố nhiều “sale” vẫn rao bán nhà và đất với diện tích nhỏ hơn quy định.
Để bán được mặt hàng này, nhiều “cò đất” đã đẻ ra các giao dịch bằng hợp đồng ủy quyền hoặc mua bán dưới hình thức lập vi bằng và đưa ra mức giá bán vô cùng hấp dẫn để thu hút khách hàng.
Khi chúng tôi hỏi, nếu hợp đồng khi hết thời gian được ủy quyền thì phải làm sao? Lúc này nam thanh niên cò đất không trả lời được và cho biết việc mua bán dựa trên tin tưởng lẫn nhau, người mua chỉ cần kiểm tra nhà và đất bảo đảm đủ các yếu tố nguồn gốc, không tranh chấp thì xuống tiền.
Trước những vấn đề nói trên, luật sư Đổng Mây Hồng Trúng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Việc mua bán bằng hình thức hợp đồng ủy quyền, do tình trạng nhà đất, tài sản (xe máy...) chưa đủ các yếu tố cần thiết để giao dịch mua bán bảo đảm bằng hình thức công chứng nên người mua và người bán thường lách luật bằng hình thức người bán ủy quyền lại cho người mua được mua bán tài sản đó.
Tuy nhiên, việc mua bán bằng cách lách luật này tiềm ẩn nhiều rủi ro khi tài sản, đất đai, nhà cửa lên giá thì người bán cố tình tranh chấp với người mua mà trên giấy tờ là người đại diện. Vì theo quy định tại các Điều 139 đến Điều 143, Điều 565, 566 Bộ luật Dân sự 2015 thì người đại diện (người mua) phải báo cho người đại diện (người bán) công việc thực hiện ủy quyền, nếu trong trường hợp người bán (người được đại diện) không đồng ý thì người mua (người đại diện) không thể thực hiện được nội dung ủy quyền đã ký, có nghĩa là không được quyền tổ chức mua bán hoặc đã bán xong nhưng do không báo nên hợp đồng mua bán này cũng không được công nhận và thiệt hại lúc này là người đại diện mà thực chất là người mua phải chịu hoàn toàn.
Chưa nói trường hợp việc lách luật mua bán bằng hợp đồng ủy quyền không có giá trị khi 1 trong 2 chết thì hợp đồng ủy quyền này chấm dứt, người mua hoàn toàn trắng tay.
Quang Thuận
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm