Người dân còn phải ăn thịt heo nhiễm thuốc an thần đến bao giờ?
Tình trạng heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ và thịt heo sau giết mổ bán ngoài chợ tồn dư thuốc an thần diễn ra phổ biến hiện nay tại TPHCM.
Với người tiêu dùng bằng mắt thường, không thể nhận biết được thịt heo bày bán có tồn dư thuốc an thần hay không nên chỉ còn trông chờ vào sự quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng. Trong khi đó, đáng lo ngại là việc phát hiện, chế tài của cơ quan chức năng với tình trạng này còn quá nhiều bất cập...
Thịt heo tồn dư thuốc an thần nhan nhản ở chợ
Từ vụ 3.750 con heo sống bị tiêm thuốc an thần trước khi đưa vào giết mổ tại lò mổ Xuyên Á (huyện Hóc Môn, TPHCM) được phát hiện vào gần cuối năm 2017 đã dấy lên nhiều lo ngại cho người tiêu dùng về sản phẩm thịt heo không an toàn, nhiễm chất độc hại. Những tưởng sau vụ phát hiện khủng này, với sự vào cuộc quyết liệt từ các địa phương, các cơ quan, bộ ngành liên quan trong việc tăng cường kiểm tra, xử phạt và đề ra nhiều giải pháp chấn chỉnh thì nạn tiêm thuốc an thần cho heo có thể chấm dứt. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn tạm lắng xuống, đến nay, tình trạng tiêm thuốc an thần cho heo rộ lên trở lại. Điển hình như ngày 21.3 vừa qua tại Đồng Nai, cơ quan chức năng phát hiện một cơ sở với khoảng 79 con heo sống được bơm nước và có dấu hiệu tiêm thuốc an thần trước khi đưa đi tiêu thụ (hàng đống vỏ thuốc an thần được phát hiện nằm la liệt cạnh chuồng heo).
Không dừng lại đó, hiện nay, tình trạng thịt heo nhiễm thuốc an thần vẫn xuất hiện nhan nhản ngoài chợ tại TPHCM. Theo công bố mới đây của Chi cục Thú y TPHCM, qua xét nghiệm 58 mẫu thịt heo vào TPHCM (từ ngày 3 đến 10.2), có nguồn gốc từ các lò mổ tỉnh Long An, Tây Ninh và Đồng Nai, lực lượng Thú y TPHCM phát hiện đến 17 mẫu thịt nhiễm dư lượng thuốc an thần. Lượng heo nhiễm thuốc an thần này chủ yếu nhập về TPHCM thông qua hai chợ đầu mối (Bình Điền, Hóc Môn), và đã được đưa ra ngoài tiêu thụ.
Mua thuốc an thần dễ như mua rau
Mục đích của việc tiêm thuốc an thần gây mê nhằm làm cho heo không cắn nhau trong quá trình vận chuyển, đỡ hao về trọng lượng không sụt giá bán, thịt heo sau giết mổ có màu đỏ đẹp, dai và tươi hơn. Qua tìm hiểu của PV Lao Động, do việc tìm mua loại thuốc an thần như Combistress hay Prozil dễ như mua rau, nên việc các chủ heo, thương lái mua về tiêm cho heo trước khi giết mổ diễn ra khá phổ biến. PV liên hệ thử với các cửa hàng bán thuốc thú y trên địa bàn TPHCM, Tây Ninh, Đồng Nai thì đều dễ dàng mua được các loại thuốc an thần này. Chẳng hạn như tại một cửa hàng thuốc thú y trên đường Mạc Đĩnh Chi (TPHCM), khi PV hỏi mua thuốc Combistress thì được chào giá 105.000 đồng/lọ. Nhân viên cho biết thêm, hiện cửa hàng đã bán hết hàng rồi, chỉ còn lại 10 lọ; còn loại thuốc Prozil giá bán rẻ hơn chỉ 25.000 đồng/lọ nhỏ.
Bà Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng ban Quản lý ATTP) cho rằng, chỉ nên những người có trách nhiệm, có chức năng và nhiệm vụ mới có thể mua được. Không để tình trạng thương lái hay bất cứ người dân nào cũng có thể mua về.
Bó tay với thịt heo tồn dư thuốc an thần
Hiện nay việc phát hiện, chế tài đối với heo bị tiêm thuốc an thần cũng đang tồn không ít nghịch lý. Nếu như đối với heo còn sống khi bị phát hiện tiêm thuốc an thần thì chủ lô heo, cơ sở giết mổ có thể bị xử lý. Cụ thể như trường hợp 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á, thì cơ quan chức năng xử phạt mỗi chủ lô heo 30-35 triệu đồng, còn cơ sở giết mổ Xuyên Á bị đình chỉ hoạt động trong một thời gian. Tuy nhiên, đối với thịt heo (tức heo khi giết mổ), nếu phát hiện tồn dư lượng thuốc an thần thì hiện nay vẫn chưa có cơ sở để xử phạt.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, khi thú y phát hiện tiêm thuốc an thần thì vấn đề không dám tiêu hủy vì bị vướng ở Nghị định 90, có một điều khoản quy định rằng, chỉ bắt buộc tiêu hủy trong trường hợp chất tồn dư trong thịt vượt quá ngưỡng giới hạn cho phép của Bộ Y tế. Trong khi thực tế, Bộ Y tế chưa đưa ra một ngưỡng giới hạn nào hết.
Một nghịch lý nữa hiện nay đối với việc phát hiện thuốc an thần tồn dư trong thịt heo phải lấy mẫu để gửi đi kiểm tra và thường mất khoảng vài ngày mới có kết quả. Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, đối với BQL ATTP thành phố, nếu như kiểm tra, kiểm soát ở các chợ đầu mối, sẽ dùng test nhanh để sàng lọc trước, quá trình sàng lọc thấy dương tính sẽ lấy mẫu này đi kiểm định. “Lúc này sẽ phải lưu kho toàn bộ thực phẩm đấy, trường hợp đem đi kiểm định mà không phát hiện dương tính (mặt hàng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm) thì có thể bị thương lái kiện ngược lại. Đây là cái khó trong việc kiểm tra thực phẩm tươi sống” - bà Lan nói.
Còn trường hợp không tạm giữ lưu kho mà vẫn cho lưu hành tiếp như 17 mẫu phát hiện vừa qua, đợi 3 ngày mới có kết quả phát hiện dương tính (tức thịt heo nhiễm thuốc an thần), thì lúc đó số lượng thịt đã được người tiêu dùng tiêu thụ hết.
Tác hại của thuốc an thần tồn dư trong thịt heo
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, thông thường sau khi tiêm cho heo phải mất khoảng 5 ngày dư lượng thuốc trong cơ thể mới bài thải hết. Nếu người tiêu dùng ăn thịt heo có chứa thuốc an thần lâu dần sẽ tích tụ trong cơ thể, gây nhiều nguy cơ bệnh tật như: Ung thư, tác hại đến hệ thần kinh, gây ra các triệu chứng run tay chân, bệnh về thận, gây trầm uất, đãng trí…
HUYỀN TRÂN - KIM ĐỒNG
-
Bão Yinxing giật cấp 17 đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 7
-
Thời tiết TP HCM hôm nay, 5-11: Oi bức cả ngày, đến đêm mới có mưa rào
-
Thời tiết TP HCM hôm nay, 1-11: Ngày nắng, đêm mưa kèm gió giật mạnh
-
Thời tiết TP HCM hôm nay, 31-10: Ngày nắng, chỉ số UV cao
-
Chính thức trình Thủ tướng lịch nghỉ Tết 2025
-
Điều chỉnh cách tính lương hưu của khu vực Nhà nước từ năm 2025