Nghỉ việc vì phải trở lại công sở

Thứ hai, 25/10/2021, 16:15 PM

Gần ba tuần nay, Thiên Nhi không phải "vật vã" với nhiều hồi chuông báo thức để dậy đi làm. Cô tỉnh giấc lúc 8 giờ sáng, ăn sáng và làm việc tại nhà.

Cô gái 26 tuổi chưa từng nghĩ ở nhà có thể kiếm được nhiều tiền hơn đi làm. Nhưng đại dịch khiến mọi thứ thay đổi.

Hai tháng work from home (làm việc tại nhà) giúp Nhi nhận ra đây mới là cách sống lý tưởng cho mình. Làm việc từ xa, Nhi tiết kiệm được tiền xăng, không mất nhiều thời gian cho tụ họp bạn bè. Chỉ tiêu công việc trong tháng được hoàn thành trước hạn cho phép cô nhận thêm nhiều dự án bên ngoài. Mức thu nhập trong dịch tăng gấp rưỡi.

"Tôi có thể nằm trên giường làm việc, tự do đi lại, ăn uống mà không bị ai nhắc nhở, đánh giá", Nhi cười. Trước dịch, cô bắt đầu ngày mới lúc 6 giờ sáng, chọn quần áo, trang điểm và làm đồ ăn để kịp 8 giờ điểm danh. Suốt 8 tiếng làm việc ở văn phòng, áp lực từ sếp, sự soi xét của đồng nghiệp khiến Nhi căng thẳng.

Mai Lan đang hoàn thành bài viết do khách đặt vào chiều 21/10. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Mai Lan đang hoàn thành bài viết do khách đặt vào chiều 21/10. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Mai Lan, 28 tuổi, ở quận Cầu Giấy, chỉ muốn làm việc tại nhà. Từ cuối tháng 7, Lan nhận làm content marketing cho một công ty ở quận Đống Đa nhưng được yêu cầu làm việc tại nhà để phòng dịch.

Sau ngày 21/9, Hà Nội nới lỏng giãn cách, Lan và Nhi cùng hàng triệu người lao động bắt đầu trở lại văn phòng.

"Đi làm thật chán", Nhi thở dài. Cô đi muộn ngay ngày đầu vì quen nếp sống cũ. Nguyên ngày hôm đó Nhi ngồi trước máy tính, nhưng gần như không làm trọn vẹn việc gì. Suốt 2 tháng qua, đây là ngày cô làm việc kém hiệu quả nhất.

Mai Lan cũng tương tự. Quen làm một mình, trở lại công ty khiến cô bị ngợp. Liên tiếp các cuộc hội họp từ sáng đến tối muộn, lượng công việc tăng gấp đôi so với ngày trong dịch. Giấc ngủ trưa bị rút ngắn, luôn phải để tâm đến lời nói, cách ứng xử với đồng nghiệp mới khiến Lan như trầm cảm. "Tôi không còn muốn đến cơ quan", cô nói.

Theo thạc sĩ giáo dục học Chế Dạ Thảo, trưởng bộ môn Kỹ năng, trường Đại học Công nghệ TP HCM, hiện tượng mà hai cô gái đang gặp không phải hiếm. "Từ ba đến năm tháng làm việc tại nhà đủ hình thành thói quen thích nghi với sự tĩnh lặng và ngại giao tiếp. Đột ngột trở lại công sở khiến họ sốc và cần có thời gian để thích nghi", bà Thảo nói.

Sau hai tuần làm việc tập trung, Thiên Nhi và Mai Lan đều chủ động xin nghỉ việc.

"Không ít người nói tôi điên khi xin nghỉ", Nhi nói và cho biết cô không thể tiếp tục đến công ty khi làm việc ở nhà đem lại hiệu quả cao, nhiều cơ hội tăng thu nhập. Một số bạn bè của cô cũng đang chuyển hướng công việc.

"Chuyển dịch việc làm sau đại dịch là xu hướng tất yếu khi nhiều người đã thích nghi hoặc tìm thấy giá trị khi làm việc từ xa", ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực, Chủ tịch hội đồng khoa học, Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực cho biết.

Câu chuyện tương tự cũng đang xảy ra ở nhiều nước. Khảo sát gần đây của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho thấy hơn 56% người thất nghiệp không chủ động tìm kiếm công việc mới. Họ cũng không muốn quay trở lại công việc từng làm trước đại dịch, hoặc nếu có, cũng yêu cầu được làm việc tại nhà. Còn theo Bộ Lao động Mỹ, riêng tháng 8 năm nay, nước này ghi nhận với 4,3 triệu lao động bỏ việc, nhiều hơn 242.000 người so với tháng 7. Con số nhiều nhất được ghi nhận kể từ tháng 12/2000.

Khảo sát một số lao động nghỉ việc sau dịch trong nước, đa số là những cá nhân có khoản tích luỹ hoặc tìm được hướng đi mới cho công việc. Nhi cũng thừa nhận quyết định nghỉ việc không phải bốc đồng. Cô cho rằng bản thân tự tin nghỉ việc khi nhìn thấy những cơ hội kiếm tiền mới ngoài công sở.

"Chuyển dịch việc làm sau đại dịch là đáng khuyến khích để phát triển kinh tế và không phá vỡ cấu trúc thị trường lao động", ông Tuấn nhận định. Nhưng không phải ai cũng có thể chuyển đổi. Theo chuyên gia, độ tuổi thích hợp nhất với hình thức làm việc từ xa trong độ tuổi từ 25 đến 40. Là những người có kinh nghiệm làm việc tại văn phòng, có năng lực giao tiếp, kết nối từ xa cùng khả năng phán đoán tình hình nhạy bén. "Riêng những người vừa mới ra trường, thiếu kinh nghiệm không nên thử", vị chuyên gia nói.

Trên thế giới, thiếu người chăm sóc con cái trong và sau đại dịch cũng tạo ra làn sóng chuyển đổi sang những công việc không phải đến văn phòng. Khảo sát trực tuyến 1.000 phụ huynh có con nhỏ, tháng 6/2020 của Care.com cho thấy 15% cân nhắc chuyện nghỉ việc. Số còn lại tiết lộ sẽ có những kế hoạch thay đổi công việc phù hợp để tiện chăm sóc con.

Đây cũng là rào cản khiến chị Nguyễn Nga, 35 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai chưa thể quay trở lại văn phòng. "Tôi không thể phân thân khi vừa đi làm và trông con", chị Nga nói, khi nhận tin đi làm tập trung sau ngày 21/9.

Trước thực trạng "phụ huynh đi làm, con ở nhà học online", một số doanh nghiệp, cơ quan tại Hà Nội tạo điều kiện cho nhân viên đưa con đi làm cùng, hoặc tạm thời cho làm online cách nhật. Điều này vẫn bất khả thi với gia đình chị Nga khi bố mẹ ở xa, chồng không thể nghỉ, con còn quá nhỏ để đưa đến công ty. Cho con đi gửi trẻ nhưng lo ngại về dịch bệnh, không tin tưởng gửi con đến chỗ lạ, chị tâm sự: "Nếu công ty không cho làm ở nhà, tôi phải xin nghỉ và tìm việc khác".

Hoàng Trân làm việc tại văn phòng, chiều 21/10. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hoàng Trân làm việc tại văn phòng, chiều 21/10. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hoàng Trân, 27 tuổi, trú tại quận 3, TP HCM đếm từng ngày được trở lại công ty. Gần năm tháng làm việc từ xa, Trân nhớ cảm giác được đi làm. Ở văn phòng, cô được làm việc tập trung, dễ dàng kết nối, trao đổi với đồng nghiệp, cấp trên, thứ mà không gian ảo không thể nào có được. "Ở nhà quá lâu khiến tôi mất dần các mối quan hệ xã hội và thèm được giao tiếp", Trân bộc bạch.

Eddy Ng, giáo sư Đại học Queen ở Kingston, Ontario (Canada), người đã thực hiện một cuộc khảo sát vào mùa hè năm ngoái với 424 người làm việc từ xa, cho biết: "Người lao động trẻ cần những mối quan hệ thân thiết, những người để trút bầu tâm sự và cố vấn trong công việc hay cuộc sống".

Trong số những người trên 40 tuổi, 45% cho biết họ muốn tiếp tục làm việc từ xa sau đại dịch, tỷ lệ này là 30% với người dưới 40 tuổi. Với những người trẻ hơn, giáo sư Eddy Ng nói "có một dấu hiệu của Hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO)" - chứng lo âu xã hội xuất phát từ niềm tin những người khác có thể đang vui vẻ trong khi mình không có mặt. Trường hợp này đúng với Trân. Là người hướng ngoại, thích được chia sẻ và hoạt động nhóm, làm tại nhà khiến cô có cảm giác cô độc và bị bỏ lại.

Đầu tháng 10, cơ quan Trân bắt đầu phân ca đi làm việc. Nữ nhân viên văn phòng hy vọng đi được làm cả tuần, sớm quay trở lại với cuộc sống thường nhật.

Adam Galinsky, giáo sư về hành vi tổ chức tại Trường Kinh doanh Columbia (Mỹ), cho biết những lao động trẻ đang làm việc từ xa có thể bỏ lỡ những kỹ năng quan trọng tại nơi làm việc. "Điều khiến tôi quan tâm nhất là sự cố vấn. Rất nhiều bài học được được tiếp thu một cách tình cờ trong văn phòng, nhưng không thể tìm thấy ở phòng làm việc ảo", ông nói.

"Nhưng đừng nghĩ làm việc tại nhà là nhàn", chuyên gia dự báo nhân lực Trần Anh Tuấn khẳng định. Theo ông, lao động làm việc từ xa vẫn phải làm việc với cường độ cao trên máy tính, theo dõi sát tình hình và vô vàn áp lực từ khách hàng.

"Nhưng dù thế nào, làm việc tại nhà đang là trở thành một xu hướng của thị trường lao động hiện nay và sắp tới", ông Tuấn nhận định.

* Tên các nhân vật đã được thay đổi

Quỳnh Nguyễn

Theo Vnexpress.net