“Nghĩ đến tiền trước có thể giàu nhưng không thành công"

Chủ nhật, 04/03/2018, 09:07 AM

Đó là triết lý kinh doanh của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc (TGĐ) Công ty Cổ phần Trung Thành Cao Minh Hòa. Ông Hòa cho rằng, nếu nghĩ đến tiền trước thì không thể nhìn xa hơn, và từ đó, giá trị sản phẩm chỉ dừng lại ở những đồng tiền chứ không tạo dựng được thương hiệu.

Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Trung Thành Cao Minh Hòa

Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Trung Thành Cao Minh Hòa

* Thưa ông, được biết Công ty Cổ phần Trung Thành tiền thân là một doanh nghiệp Nhà nước sau đó mới cổ phần hóa. Vậy quá trình sau cổ phần hóa có gặp khó khăn gì không?

- Công ty Trung Thành được thành lập năm 1995 là doanh nghiệp trực thuộc Huyện ủy Tân Uyên, sau đó trực thuộc Tỉnh ủy Sông Bé (nay là Tỉnh ủy Bình Dương). Công ty chuyên kinh doanh trong các lĩnh vực: Khai thác, chế biến khoáng sản phi kim loại, sản xuất vật liệu xây dựng, thi công xây dựng công trình công nghiệp, dân dụng, đường giao thông…

Quá trình cổ phần hóa nói thật công ty gặp rất nhiều khó khăn, trong đó 3 vấn đề chính cần giải quyết chính là tài chính, con người và tài nguyên. Yếu tố con người là cốt lõi đối với sự phát triển của doanh nghiệp, thế nhưng thời điểm mới cổ phần hóa thì nhân sự mỏng, kém, trình độ cán bộ quản lý và trình độ chuyên môn không được tốt lắm. Khi cổ phần hóa thì vốn công ty chỉ có 10 tỷ đồng nhưng nằm trong tài sản hết, không có vốn lưu động để tổ chức, mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, công ty cũng không có bất cứ mối quan hệ tín dụng nào cả.

Riêng tài nguyên công ty có, nhưng chỉ chú trọng khai thác (đào lên để bán) chứ không chú trọng chế biến để tăng giá trị sản phẩm. 

* Vậy, ông đã khắc phục những hạn chế đó bằng cách nào?

- Năm 2008 là giai đoạn công ty đặc biệt khó khăn nên tôi quyết định mua thêm một phần vốn của công ty và tham gia vào hội đồng quản trị. Sau đó, nhận thấy nếu chỉ làm Chủ tịch HĐQT thì không thể điều hành trực tiếp các hoạt động cần thiết, nên năm 2009, tôi kiêm luôn TGĐ.

Từ thời điểm đó đến nay, công ty phát triển vượt bậc, vốn điều lệ hiện tại của công ty đã tăng lên gấp 10 lần, vốn hóa còn lớn hơn nhiều nữa.

Để đi sâu vào chi tiết cách khắc phục khó khăn thì rất dông dài nhưng với việc tất cả gần 80 mỏ khoáng sản của công ty đều có nhà máy chế biến tại chỗ chính là câu trả lời rõ ràng nhất.

Với tư cách là người quản trị, điều phối hoạt động doanh nghiệp ông chắc rằng có triết lý riêng của mình để khắc phục khó khăn và đưa doanh nghiệp đi đến thành công như ngày nay?

 TGĐ Cao Minh Hòa tại buổi lễ khánh thành một nhà máy của Công ty CP Trung Thành

TGĐ Cao Minh Hòa tại buổi lễ khánh thành một nhà máy của Công ty CP Trung Thành

Tôi luôn tự đặt câu hỏi rằng tại sao Trung Quốc là một đất nước có rất nhiều tài nguyên nhưng họ hạn chế khai thác mà lại đi đầu tư khai thác hoặc mua ở nước ngoài? Đó phải chăng chính là tư duy mà chúng ta cần phải học?

Nhưng chế biến có yêu cầu rất cao về mặt công nghệ chứ không đơn giản như đào nguyên liệu từ mỏ lên đem bán. Và việc thất bại nhiều lần trong quá trình chế biến là điều không thể tránh khỏi, nếu bạn không yêu nghề thì bạn sẽ bỏ cuộc sau những thất bại đó. Còn nếu yêu, bạn sẽ không vì thất bại mà nhụt chí và giá trị sau khi chế biến thành công sẽ gấp hàng chục lần so với sản phẩm thô.

Tôi đơn cử như cao lanh, nếu khai thác và bán sản phẩm thô thì chỉ 500-600.000 đồng/tấn, nhưng khi chế biến để sử dụng cho sơn nước, gốm sứ… giá trị của nó tăng lên 5-6 triệu đồng/tấn. Cái đó tôi gọi là giá trị gia tăng khi chế biến và gọi vui là “kết quả của tình yêu”.

* Được biết Công ty Trung Thành đã có nhiều mỏ khai thác cao lanh và bán ra thị trường để làm phân bón nhưng gần đây công ty lại triển khai khai thác để chế biến làm nguyên liệu sơn nước, gốm sứ thậm chí là hướng đến làm thuốc tây. Vậy, vì sao ông lại có định hướng này?

- Như tôi đã nói ở trên, nếu chỉ khai thác và bán thì vẫn có thể kiếm được tiền nhưng đến khi tài nguyên cạn kiệt thì lúc đó ta sẽ hối tiếc vì không biết tiết kiệm.

Là một doanh nhân điều hành một doanh nghiệp, tôi hiểu rằng nghĩ đến tiền trước có thể giàu nhưng không thành công. Muốn thành công ta phải xây dựng được thương hiệu. Mỏ cao lanh ở Lâm Đồng hiện tại chính là cơ hội để chúng tôi chế biến và cho ra đời những sản phẩm cao lanh phục vụ cho những yêu cầu khắt khe nhất của đối tác.

 Thế Mỹ

Theo NTD

largeer