Nghệ sĩ Anh Vũ: “Mong muốn sân khấu kịch có nhiều kịch bản hay”
Cùng lắng nghe nghệ sĩ Anh Vũ - người có hơn 20 năm gắn bó với sân khấu chia sẻ về con đường hoạt động nghệ thuật và những trăn trở về sân khấu kịch hiện nay.
Cái tên “Anh Vũ” từng được giới truyền thông nhắc đến rất nhiều nhưng trong thời gian gần đây mọi người dần như quên lãng, có khi nào điều đó khiến anh “chạnh lòng”?
Thật sự, tôi có “chạnh lòng” nhưng chỉ là một thoáng. Trong suốt một thời gian dài tôi không có hoạt động nổi bật nên ít được mọi người nhắc đến. Không hẳn “im hơi lặng tiếng”, tôi vẫn đến sân khấu diễn phục vụ khán giả và diễn tiểu phẩm ngắn ở một số đài tỉnh.
Tôi từng được nhiều gameshow mời làm giám khảo nhưng một số cuộc thi không phù hợp chuyên môn của tôi nên không tham gia. Cái tên “Anh Vũ” cũng là một thương hiệu, tôi không thể “đánh liều” để được lên tivi, cái gì cũng có giá của nó và khi mình làm thì mình phải chịu trách nhiệm.
Ngoài vai trò giám khảo các nghệ sĩ như Hồng Vân, Minh Nhí, Thanh Thủy còn đảm nhận việc dẫn dắt và đào tạo thí sinh, anh có nghĩ mình phù hợp với vị trí đó?
Tôi nghĩ rằng mình không hợp với việc đó. Bởi vì, ngày xưa khi đi học tôi không được học nhiều về lý thuyết, mà chủ yếu học theo cách truyền nghề, học ngay trên sàn diễn của sân khấu 5B Võ Văn Tần với cố NSƯT Văn Thành và NSƯT Việt Anh. Thật ra, các nghệ sĩ Hồng Vân, Minh Nhí, Thanh Thủy đều đã học qua đạo diễn còn tôi thì chỉ chuyên về diễn xuất.
Nếu cần truyền đạt kinh nghiệm diễn xuất hoặc góp ý cách diễn sao cho hấp dẫn thì tôi làm được còn ở gameshow phải dàn dựng không chỉ một mà là nhiều tiết mục hoàn chỉnh thì tôi e rằng mình không đủ sức.
Theo anh thì kịch bản hài của gameshow và kịch bản hài của sân khấu cái nào chất lượng hơn? Và thí sinh thi gameshow có tấu hài được như những nghệ sĩ đi trước?
Nếu nói cái nào chất lượng hơn cái nào thật sự rất khó vì mỗi thể loại mỗi tính chất khác nhau. Với gameshow, ngoài kịch bản còn được đầu tư rất nhiều về dàn dựng, âm thanh, ánh sáng và là quá trình làm việc của cả ê kíp. Với sân khấu, tấu hài thường rất đơn giản đôi khi chỉ là sự tung hứng của các nghệ sĩ.
Nếu đưa các em thí sinh ra sân khấu tấu hài như đàn anh đàn chị thì có thể các em chưa làm được vì bản lĩnh sân khấu chưa đủ. Hiện tại, sân khấu hài rất ít và dường như chỉ có những tiểu phẩm nhỏ do các nghệ sĩ biểu diễn ngẫu hứng trong các show diễn. Ở Việt Nam hiện nay người ta chủ yếu đến sân khấu để xem kịch dài hơn xem hài.
Về lối diễn, anh xây dựng cho mình một phong cách rất riêng bằng việc sử dụng các câu thơ, anh có thể chia sẻ rõ hơn vì sao anh lại chọn cách diễn như vậy?
Hồi trước, sau khi đi diễn vài năm tôi nghĩ rằng nếu mình không ghi được dấu ấn riêng thì chắc khán giả khó mà nhớ đến. Chẳng hạn, như nghệ sĩ Xuân Hinh ở ngoài Bắc, anh được mệnh danh là “hề chèo”, cứ có anh là có chèo. Tôi từ đó cũng suy nghĩ, tìm tòi phong cách riêng cho mình. Tôi sưu tầm nhiều câu thơ, câu châm ngôn và cả tự sáng tác thơ rồi sau đó đưa vào tác phẩm của mình.
Điều quan trọng không phải là mình biết nhiều thơ, cốt lõi là đưa thơ vào sao cho phù hợp với hoàn cảnh và cá tính nhân vật. Có rất nhiều câu thơ quen thuộc với khán giả mà trước đó họ không chú ý nhưng đến khi tôi đưa vào trong tiểu phẩm của mình thì lại khác, nó tạo được hiệu ứng và khán giả rất thích thú. Nếu không tinh tế, tùy tiện đưa thơ vào thì dễ thành “trớt quớt” và “vô duyên”.
Ở thời điểm hiện tại, có vai diễn nào làm khó được anh?
Trước đây, tôi có rất nhiều vai diễn khiến tôi phải suy nghĩ nhiều và đau đầu vì nó nhưng hiện tại thì vẫn chưa có và tôi vẫn đi tìm. Các vai diễn gần đây của tôi chủ yếu là những vai diễn mang tâm lý nhẹ nhàng không quá phức tạp nên cũng không có gì gọi là làm khó tôi.
Anh có thể chia sẻ về những người đã từng giúp đỡ anh trong sự nghiệp của mình?
Trong con đường hoạt động nghệ thuật của mình, tôi có 3 người thầy. Người thầy thứ nhất, cố NSƯT Văn Thành, khi đó tôi tham gia học lớp “Bồi dưỡng và đào tạo diễn viên kịch” của sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần nhưng là lớp bi kịch, khổ nỗi điểm số của tôi trong lớp toàn xếp hàng yếu kém. Mỗi khi tôi trả bài cho thầy đến đoạn bi thì cả lớp lẫn thầy đều ôm bụng cười. Mọi người nhận xét khuôn mặt của tôi là “khóc như cười, cười như mếu”. Sau đó thầy có đưa cho tôi một câu chuyện cười dân gian và kêu tôi tập thử, đến lúc trả bài thì thầy và các bạn đều cười, từ đó thầy khuyên tôi nên đi theo hài kịch.
Người thầy thứ hai, là NSƯT Việt Anh, ở Việt Nam không đào tạo diễn viên hài nhưng chính thầy Việt Anh là người đã chỉ dạy cho tôi những kĩ thuật về hài kịch đề tôi phát triển nên ở giai đoạn đầu đi diễn tôi thường bị nói là diễn giống thầy.
Người thầy thứ ba, cũng là người chị, người bạn của tôi là NSND Hồng Vân, hay tôi vẫn thường gọi vui là “tổng đài 1080”, vì chị với tôi rất thân thiết, luôn chia sẻ mọi điều trong cuộc sống với nhau. Và chị cũng là người giúp tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Anh vừa có chuyến lưu diễn nước ngoài, anh có thể chia sẻ về tình cảm của Kiều bào dành cho anh trong đợt lưu diễn đó?
Tôi vừa có chuyến lưu diễn ở ba nước châu Âu là Bỉ, Phần Lan, Hungary. Dù không phải lần đầu đến châu Âu nhưng tôi vẫn hồi hộp. Người Việt sống ở đây chủ yếu là người miền Bắc nên khi diễn tôi phải chú ý nhiều đến ngôn ngữ, nói chậm hơn nửa nhịp để khán giả có thể nghe kịp và hiểu.
Tôi có mang theo một số đĩa bán cho vui và khán giả họ mua ủng hộ rất nhiều. Họ bảo họ mua vì quý mến tôi và muốn có cái làm kỉ niệm. Thật ra ở nhà họ không có đầu đĩa vì bây giờ cần xem cái gì chỉ cần lên mạng là có. Tôi thật sự xúc động trước tình cảm mà họ dành cho tôi.
Trong con đường nghệ thuật sắp đến anh có những dự định và mong muốn gì?
Sắp tới tôi sẽ tham gia vào vở kịch mới có tên “Ngoại tình” của tác giả Nguyễn Minh Phương do diễn viên, ca sĩ Minh Luân làm đạo diễn. Ngoài tôi, còn có NSND Hồng Vân, Đại Nghĩa, Ngô Phương Anh, Phạm Yến sẽ chung tay giúp đỡ Minh Luân trong lần đầu thử sức ở vai trò mới.
Tôi hy vọng trong thời gian sắp đến, sân khấu kịch sẽ có nhiều kịch bản hay thu hút được khán giả đến rạp, để sân khấu luôn được sáng đèn. Bởi hơn ai hết, những người yêu nghệ thuật luôn trân trọng sân khấu vì nó là “thánh đường”.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện, chúc anh nhiều sức khỏe và thành công!
Đức Tiến
Ảnh: Tổng hợp
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch