Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ: Đứng trước nguy cơ mai một
Vừa qua, Bộ VH-TT&DL phối hợp với tỉnh Bắc Ninh xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” của nhân loại. Nhưng thực tế hơn 90% hộ dân làng Đông Hồ nay đã chuyển sang làm đồ vàng mã. Việc truyền nghề, kế nghiệp các nghệ nhân là những thách thức không nhỏ của công cuộc bảo tồn các di sản văn hóa, trong đó có tranh dân gian.
Làng tranh dần “biến” thành làng vàng mã
Làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) nổi tiếng về tranh dân gian. Dòng tranh Đông Hồ đặc biệt từ chất liệu giấy dó cho tới màu sắc (được lấy từ tự nhiên), các bản khắc cổ và ý nghĩa của tranh. Dựa vào nội dung - chủ đề, tranh Đông Hồ được chia thành bảy loại chính: Tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh phương ngôn, tranh cảnh vật và tranh phản ánh sinh hoạt.
Màu sắc cũng như độ tinh xảo của loại tranh dân gian khắc gỗ độc đáo. Đặc biệt, giấy điệp là một nét điểm xuyết mà nhiều nước trên thế giới không có được. Ðám cưới chuột, Hứng dừa, Ðánh ghen, Lợn đàn, Mục đồng thổi sáo… là những sản phẩm được sáng tạo bởi bàn tay và khối óc của những nghệ nhân xứ Kinh Bắc. Ðó chính là những bức tranh tiêu biểu của một dòng tranh dân gian cổ xuất hiện ven sông Ðuống cách đây khoảng 400 năm.
Trong cuộc sống ngày càng hiện đại, nhu cầu chơi tranh và sử dụng tranh không còn phổ biến như trước đây nên ít có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn dẫn đến dòng tranh dân gian Đông Hồ đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền.
Trước năm 1944 là thời điểm cực thịnh của dòng tranh Đông Hồ. Có tới 17 dòng họ của làng Đông Hồ làm tranh. Trước đây, tại làng tranh Đông Hồ, nghề làm tranh và vàng mã thường đồng hành cùng nhau. Hằng năm, từ tháng 3 đến tháng 7 người dân làm đồ vàng mã, còn từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch làm tranh. Nhưng nay do nhu cầu đời sống, hơn 90% hộ dân làng Hồ chuyển sang làm đồ vàng mã, còn nghề làm tranh dân gian cứ ít dần.
Trải qua 400 năm tồn tại, hiện làng tranh Đông Hồ đang đứng trước nguy cơ mai một. Xã Song Hồ giờ đây chỉ còn vài gia đình theo nghiệp cha ông như nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam (đã mất vào năm 2017, nay con cháu giữ nghề), nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, nghệ nhân Trần Nhật Tấn. Tranh Đông Hồ dần mai một tới nỗi, lễ hội làng Đông Hồ chục năm gần đây rất hiếm khi trưng bày tranh dân gian mà tập trung vào đồ mã. Khi mãn hội vào 16/3 âm lịch, những đồ mã trưng bày được hóa với lời cầu ước một năm thuận hòa, no đủ.
Tranh Đông Hồ bao giờ trở thành di sản phi vật thể thế giới?
Cách đây đúng 10 năm, Trung tâm bảo tồn tranh Đông Hồ được xây dựng trong một khuôn viên rộng khoảng 5.000m2 gồm 3 ngôi nhà, trong đó có hai ngôi nhà dựng theo kiểu truyền thống. Từ cổng vào là ngôi nhà 3 gian kiểu cổ làm nơi đón tiếp khách và chế tác, thực hiện các công đoạn làm tranh cho khách tham quan; Phía sau có nhà phục vụ du khách ăn uống; một ngôi nhà hai tầng trưng bày và bán sản phẩm.
Chủ nhân của Trung tâm này là ông Nguyễn Đăng Chế. 15 năm trước ông là người duy nhất tự bỏ tiền sưu tầm, mua lại các bản khắc gỗ cổ, phục dựng lại dòng tranh Đông Hồ tưởng chừng đã mai một. Đến nay ông có được 200 bản khắc gỗ cổ và đã vực dậy dòng tranh này.
Tuy nhiên, nỗ lực của ông Chế khó có thể “cứu” dòng tranh nức tiếng Kinh Bắc. Hàng năm số lượng du khách đến thăm quan và mua tranh dân gian không nhiều, chủ yếu là người nước ngoài mua số ít làm kỷ niệm. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế ngậm ngùi: “Ở Đông Hồ nhiều gia đình cũng rất tâm huyết với nghề tranh nhưng bây giờ đầu ra không có thì họ không làm được. Còn hàng mã bây giờ sống được là do cả nước có nhu cầu. Nếu bây giờ tranh Đông Hồ phát triển được như hàng mã thì vui quá. Đấy là điều tôi rất trăn trở”.
Việc truyền dạy, truyền nghề và kế nghiệp các nghệ nhân đã, đang và vẫn sẽ là những thách thức không nhỏ của công cuộc bảo tồn các di sản văn hóa, trong đó có tranh dân gian.
Năm 2012, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến 2030” với tổng kinh phí gần 60 tỉ đồng. Nhưng đến nay hoạt động của làng nghề vẫn trong tình trạng “cầm hơi”. Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh từng tổ chức các hoạt động khơi gợi giá trị di sản như: Các phiên chợ tranh vào cuối tháng chạp, giới thiệu, triển lãm tranh tại khu vực phố cổ Hà Nội… nhưng lác đác người quan tâm. Ngoài ra Câu lạc bộ làng tranh được thành lập với 20 hội viên nhằm mục đích tổ chức dạy nghề, quản lý và bán tranh tại đình làng nhưng rất ít hoạt động.
Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đặc biệt, vừa qua, Bộ VH-TT&DL phối hợp với tỉnh Bắc Ninh xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” của nhân loại. Việc làm hồ sơ đề nghị làng nghề tranh Đông Hồ vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cẩp là hành động muốn bảo vệ loại hình thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Nếu trở thành di sản thế giới, tranh Đông Hồ có sớm thoát khỏi tình trạng “cần được bảo vệ khẩn cấp” hay không? Tỉnh Bắc Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung còn nhiều việc phải làm
Thùy Dương
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch