Hàng nghìn gian hàng, sản phẩm vi phạm trên sàn thương mại điện tử
Mới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS- Bộ Công Thương) đã tiến hành rà soát và phát hiện có 4.516 gian hàng vi phạm, buộc gỡ bỏ hơn 13.600 sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.
Thông tin từ Cục TMĐT&KTS cho biết: Vừa qua xuất hiện tình trạng một số đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các sản phẩm thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng quy định pháp luật.
Cục TMĐT&KTS đã có công văn số 181/TMĐT-QL yêu cầu các công ty có website/ứng dụng TMĐT kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ các gian hàng, sản phẩm thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng quy định pháp luật. Tính đến thời điểm này phát hiện có 4.516 gian hàng vi phạm và 13.642 sản phẩm đã được gỡ bỏ.
Để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, đặc biệt là việc tuân thủ hoạt động kinh doanh trên không gian mạng theo đúng quy định pháp luật, tăng tính thượng tôn pháp luật trong kinh doanh, Cục TMĐT&KTS yêu cầu các website TMĐT tiếp tục kiểm tra, kiểm soát, xác minh thông tin và gỡ bỏ các sản phẩm thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng quy định pháp luật đang được rao bán trên website.
Trước những nguy cơ bùng phát hàng gian, hàng giả, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao kiến nghị, cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra các trang mạng, sàn TMĐT, qua đó vừa xử phạt, vừa truyền thông. Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái gây thiệt hại rất lớn, không chỉ là những con số cụ thể về doanh số bán hàng mà còn có thể làm mất uy tín, thương hiệu của DN nếu không được ngăn chặn kịp thời.
Về phía người tiêu dùng, bà Vũ Kim Hạnh khuyến nghị cần chú ý hơn tới yếu tố pháp lý khi mua sắm hàng hóa. Cụ thể, người tiêu dùng nên đọc kỹ thông tin trên bao bì sản phẩm. Các DN làm ăn nghiêm túc bị khống chế rất chặt chẽ bởi các quy định về ghi nhãn hàng hóa, nhưng đối tượng làm hàng giả thì có thể tùy ý ghi nhãn nên nếu để ý kỹ, người tiêu dùng sẽ nhận thấy có rất nhiều thông tin lộn xộn, thậm chí là vô lý.
Để kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên các sàn TMĐT, ông Lê Đức Anh cho biết, Trung tâm Tin học và Công nghệ số đang đề xuất phương án và đã tiến hành ký thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (Bộ Công an), nhằm hợp tác triển khai ứng dụng liên quan đến công nghệ để có thể định danh một chủ thể khi tham gia bán hàng trên sàn TMĐT. Bên cạnh đó, Cục TMĐT&KTS cũng đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước triển khai nền tảng liên quan đến hệ thống đảm bảo giao dịch với đối tác phối hợp các trung tâm thanh toán để hạn chế tỷ lệ lừa đảo, giúp môi trường TMĐT tốt hơn.
AN NGUYÊN
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm