Ngành điện Việt Nam hướng đến sử dụng tiết kiệm, an toàn, hiệu quả
Nhu cầu sử dụng điện của mỗi quốc gia luôn là vấn đề bức thiết và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Việc liên tục gặp khó nguồn cung cho sản xuất điện khiến ngành điện cả nước đang đẩy mạnh điều chỉnh việc sử dụng an toàn, hiệu quả, tiết kiệm nguồn điện.
Huy động tối đa nguồn cung bảo đảm công suất phục vụ điện dịp cuối năm
Trong tình hình nhu cầu sử dụng điện đến cuối năm tiếp tục tăng cao, sản lượng điện huy động từ các nhà máy thủy điện giảm do lưu lượng nước về và mực nước tại các hồ thủy điện rất thấp so với cùng kỳ nhiều năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải tăng cường huy động nguồn điện từ các nhà máy nhiệt điện than và nguồn điện chạy dầu để bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng. Dự kiến năm 2019 phải huy động khoảng 2,57 tỷ kWh từ chạy dầu - đây là nguồn điện có chi phí rất cao.
Tổng sản lượng điện huy động từ thủy điện 2 tháng cuối năm dự kiến chỉ đạt 10,6 tỷ kWh, thấp hơn 2,4 tỷ kWh so với kế hoạch năm, ước tính cả năm 2019, tổng sản lượng thủy điện chỉ đạt 65,3 tỷ kWh, thấp hơn 9,9 tỷ kWh so với kế hoạch năm.
Việc cung ứng than cho phát điện cũng đang gặp nhiều khó khăn, nguồn khí trong nước suy giảm, công suất các nguồn năng lượng tái tạo đã được đưa vào vận hành và dự kiến tiếp tục tăng cao, mặc dù công suất lắp đặt của toàn bộ các nhà máy điện mặt trời và gió chiếm tỷ trọng khoảng 9% trên tổng công suất nguồn điện cả nước, nhưng sản lượng điện của các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và gió chỉ chiếm khoảng 2,5%. Để bảo đảm nhiệm vụ cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sản xuất sinh hoạt của người dân, EVN đã tập trung huy động cao sản lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện than, đồng thời huy động cả những nguồn điện chạy dầu giá cao. Tổng sản lượng nhiệt điện dầu đã huy động trong tháng 10/2019 khoảng 400 triệu kWh, bao gồm các tổ máy của Ô Môn, Cà Mau, Thủ Đức, Phú Mỹ 21, Phú Mỹ 1, Bà Rịa, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2 để đáp ứng phụ tải và tích nước thủy điện phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2020 và cấp điện mùa khô 2020.
Với tình hình công suất và sản lượng dự phòng của các nguồn điện toàn hệ thống trong các tháng còn lại năm 2019 không cao và nước về các hồ thủy điện vẫn không cải thiện, hệ thống điện sẽ phải huy động thêm các nguồn nhiệt điện dầu để bảo đảm nhu cầu phụ tải. Sản lượng nhiệt điện dầu dự kiến khai thác từ nay đến cuối năm có thể lên đến 1,45 tỷ kWh. Nếu tính lũy kế năm 2019, tổng sản lượng điện dầu dự kiến sẽ huy động là 2,57 tỷ kWh. Mặc dù có nhiều khó khăn về nguồn điện, tuy nhiên EVN cam kết bảo đảm cung cấp điện trong các tháng cuối năm 2019.
Đối với năm 2020, tính toán cân bằng cung cầu điện đến nay cho thấy, việc cung cấp điện vẫn có thể được bảo đảm nếu không có những yếu tố cực đoan, bất thường. Tuy nhiên sản lượng huy động các nguồn điện chạy dầu có thể ở mức rất lớn, lên tới 8,6 tỷ kWh.
Cân đối cung - cầu điện năng vẫn là bài toán khó
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhận định hiện nay việc cân đối cung - cầu về năng lượng nói chung và điện năng nói riêng luôn là bài toán khó. Vị này cho biết để tăng 1% tổng thu nhập quốc nội (GDP), điện năng phải tăng từ 2% trở lên. Nhu cầu điện trên đầu người (kWh/người) ở nước ta tuy còn thấp so với các nước nhưng tiêu thụ điện trên đầu người ở Việt Nam hằng năm đều tăng. Năm 2000 là 289 kWh/người/năm, năm 2005 là 567, năm 2008 là 789 và năm 2010 là 981 kWh/người/năm.
Theo công bố của Hãng BP, trên thế giới, trữ lượng dầu khoảng 234 tỷ tấn, với mức tiêu thụ khoảng 4 tỷ tấn/năm như hiện nay, cũng chỉ có thể được gần 60 năm; trữ lượng khí khoảng 210 ngàn tỷ m3, với mức tiêu thụ 3.200 tỷ m3/năm như hiện nay thì cũng chỉ có thể được khoảng 65 năm. Còn theo Hãng nghiên cứu Rystad Energy, có trụ sở ở Oslo, Na Uy, mới đây công bố sau khi khảo sát 60.000 mỏ dầu trên toàn thế giới trong ba năm, dự trữ dầu mỏ toàn cầu đạt 2,1 ngàn tỷ thùng, gấp 70 lần mức sản xuất dầu hiện nay là 30 tỷ thùng một năm. Như vậy, với mức khai thác hiện nay, thế giới sẽ hết dầu vào năm 2043.
“Về nguồn cung thì than, dầu khí là các nguồn năng lượng không tái tạo, càng sử dụng nhiều càng nhanh cạn kiệt. Việt Nam, từ một nước xuất khẩu đã trở thành nước nhập khẩu than. Thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo nhưng đã đưa vào khai thác gần hết trữ lượng. Điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác, giá thành cao, mới bước đầu khai thác” - Chủ tịch Hội bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam thông tin.
Tuy nhiên, trong tổng sản lượng điện năm 2018 của EVN, sản lượng nhiệt điện chiếm 57,5%; sản lượng thủy điện chiếm 39,7%; sản lượng điện các nguồn khác (trong đó có năng lượng tái tạo) mới chỉ chiếm 2,8%.
Hướng đến sử dụng an toàn, tiết kiệm, hiệu quả điện năng
Các chuyên gia đầu ngành nhận định, hiện nay tình trạng sử dụng điện kể cả trong sản xuất và trong sinh hoạt còn rất lãng phí. Việc sử dụng những dây chuyền sản xuất, máy móc, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn điện năng sản xuất vào những giờ cao điểm đang là những thách thức không nhỏ đối với việc thực hiện chủ trương tiết kiệm điện mà còn hạn chế đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, rộng với khu vực và thế giới. Trong sinh hoạt, sử dụng những thiết bị, dụng cụ điện, phương tiện nghe, nhìn, điều hòa, tủ lạnh, bình nóng lạnh, quạt điện, bóng đèn... thế hệ cũ, không dán tem năng lượng, là nhãn giúp người tiêu dùng lựa chọn được phương tiện, thiết bị có mức tiêu thụ năng lượng tiết kiệm hơn, dẫn đến lãng phí điện. Trong khi, theo số liệu của EVN, điện cấp cho quản lý tiêu dùng năm 2018 chiếm tới 32,3% sản lượng điện thương phẩm (chỉ đứng sau điện cấp cho công nghiệp - xây dựng).
Nhằm tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và tư vấn, hướng dẫn người tiêu dùng về sử dụng tiết kiệm điện, an toàn, hiệu quả, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức chương trình truyền thông “Người tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả” ngày 2/12/2019 tại Bình Dương. Chương trình gồm các hoạt động tuyên truyền qua báo chí, treo pano tại các tuyến phố chính của TP. Thủ Dầu Một và tổ chức lớp tập huấn “Người tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả” cho 250 đại biểu của các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng các tỉnh miền Đông Nam Bộ và cán bộ Công ty Điện lực, cán bộ các cơ quan, đoàn thể, đơn vị có liên quan và người tiêu dùng trên địa bàn. Chương trình nhằm dành sự quan tâm của các cấp, các ngành, người tiêu dùng và toàn xã hội trong việc thực hiện chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước về sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả.
K.N.
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội