Ngân hàng "đau đầu" rao bán tài sản
Việc phải rao bán, phát mại tài sản bảo đảm là bước đi bất đắc dĩ của các ngân hàng nhằm hạn chế tác động của nợ xấu
Một ngân hàng (NH) thương mại vừa thông báo có tới gần 400 tài sản bảo đảm, chủ yếu là bất động sản cần xử lý; một danh sách khác cũng của NH này có hơn 500 khoản nợ vay tiêu dùng đang được rao bán để thu hồi nợ.
Bước đi bất đắc dĩ
Cụ thể, NH TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa thông báo một loạt danh sách tài sản bảo đảm cần xử lý để thu hồi nợ. Các tài sản này nằm ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó chủ yếu là bất động sản du lịch.
Chỉ tính riêng địa bàn tỉnh Quảng Nam, NH này có khoảng 35 tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và biệt thự, nhà hàng, khách sạn 3-4 sao trị giá từ vài chục tỉ đồng đến vài trăm tỉ đồng cần xử lý. Như ở TP Hội An, một bất động sản là biệt thự 3 sao có diện tích 686 m2 được NH rao bán 110 tỉ đồng; khách sạn 4 sao và quyền sử dụng đất có diện tích hơn 1.000 m2 được rao bán giá 120 tỉ đồng; một khách sạn 4 sao khác có diện tích trên 1.800 m2 được rao bán 420 tỉ đồng...
Không chỉ ở Quảng Nam, ở Đà Nẵng, Huế và TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP Cần Thơ, Kiên Giang, Hà Nội, VietinBank cũng rao bán nhiều bất động sản với giá từ vài tỉ đồng đến vài chục tỉ đồng. Việc xử lý các tài sản bảo đảm này có thể là rao bán, thanh lý, cho thuê, hợp tác kinh doanh… nhằm nhanh chóng thu hồi nợ vay cho NH, hạn chế tác động của nợ xấu gia tăng.
Ngoài ra, danh mục khoản nợ cần xử lý của VietinBank còn hơn 500 khoản nợ được khách hàng vay phục vụ đời sống nhưng nay không có khả năng trả. Tổng trị giá ghi sổ của các khoản nợ là hơn 11,9 tỉ đồng trong khi ngân hàng này rao bán với giá khởi điểm hơn 10,8 tỉ đồng.
NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) gần đây cũng liên tục thông báo phát mại, bán đấu giá tài sản bảo đảm là các sản phẩm thuộc dự án căn hộ Xi Grand Court ở quận 10, TP HCM nhưng đến giờ vẫn chưa xử lý xong. Loạt sản phẩm gồm 19 căn hộ giá khởi điểm 77 tỉ đồng (giá từng căn từ 2,3 tỉ đồng đến 7,5 tỉ đồng); hơn 12.000 m2 diện tích sàn ở hầm B1 giá khởi điểm 220 tỉ đồng hay hơn 2.200 m2 diện tích thương mại dịch vụ ở tầng 7 giá khởi điểm 107 tỉ đồng...
Theo các NH thương mại, việc phải rao bán, thanh lý, phát mại tài sản bảo đảm cho khoản vay của khách hàng cá nhân và DN là bước đi bất đắc dĩ nhằm xử lý, thu hồi nợ vay. Quá trình này được tiến hành sau khi NH đã thực hiện tất cả các bước, từ giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ... Dù vậy, do tác động của thị trường, DN khó khăn không trả được nợ vay, buộc NH thương mại phải xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ nếu không sẽ ảnh hưởng tới hệ thống.
Giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA), cho hay tình hình kinh tế khó khăn khiến nợ xấu tăng đang là vấn đề đau đầu của ngành NH. "Dù các NH đã giảm lãi suất cho vay, giảm cả lãi suất đối với khoản vay cũ và khoản vay mới nhưng DN ngay cả trả gốc cũng khó làm sao trả lãi!? Các NH cũng đang triển khai quy định về cơ cấu lại nợ, khoanh giãn nợ cho DN nhưng khó khăn sẽ tích tụ lên các NH trong tương lai" - ông Nguyễn Quốc Hùng lo lắng.
Để hỗ trợ DN, NH Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn không có khả năng trả nợ đúng hạn. Điều này giúp DN có thể được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không phải chuyển nhóm nợ xấu. Qua đó, DN có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, có nguồn tài chính để tìm kiếm việc làm, nguồn thu nhập mới để trả nợ. NH Nhà nước cũng liên tục "thúc" các NH thương mại triển khai nhanh chóng chính sách này, bên cạnh việc giảm lãi vay nhằm hỗ trợ tốt hơn cho DN.
"Khó khăn lớn nhất hiện tại là khả năng hấp thụ vốn của DN rất yếu trong bối cảnh thị trường, sức mua kém nên dù lãi suất có giảm thêm DN cũng chưa chắc có nhu cầu vay. Do đó, cùng với việc được NH thương mại cơ cấu lại nợ quá hạn, cần giải quyết bài toán đầu ra và doanh thu của DN để có dòng tiền duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và trả được lãi vay NH" - ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch CLB DN Thép tại TP HCM, cho biết các NH có quy định về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ nhưng thường thông báo để DN tự đảo nợ (trả nợ mới rồi vay nợ cũ với lãi suất thấp hơn). Nếu DN tự đảo nợ thì thường chậm hơn so với được NH áp dụng cơ cấu lại nợ.
Trong khi đó, để giảm áp lực nợ xấu cho các NH, công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đang nỗ lực thúc đẩy các hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu mua theo giá trị thị trường thông qua thành lập và đẩy mạnh hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC và CLB Xử lý nợ. Bước đầu hoạt động của sàn giao dịch đã có những chuyển biến tích cực và góp phần thúc đẩy quá trình xử lý thu hồi nợ xấu của ngành NH, tạo lập và thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ tập trung tại Việt Nam. Đến hết tháng 5-2023, đã có 189 khách hàng đăng ký thành viên sàn giao dịch, triển khai thành công một số dịch vụ môi giới, tư vấn.
Đẩy mạnh mua bán nợ theo giá trị thị trường
Tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập VAMC mới đây, Phó Thống đốc NH Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết để tiếp tục phát huy vai trò của VAMC là công cụ của Chính phủ và NH Nhà nước trong quá trình xử lý nợ xấu, xây dựng VAMC trở thành trung tâm của thị trường mua bán nợ Việt Nam, công ty cần nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về mua bán, xử lý nợ xấu. Nâng cao hiệu quả hoạt động mua bán và xử lý nợ thông qua việc đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ theo giá trị thị trường, tăng cường phối hợp với tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt.
THÁI PHƯƠNG
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường
-
Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn giảm thêm nửa triệu đồng