Ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp sản xuất 'cầm hơi'
Nhiều ngành sản xuất đối mặt với tình trạng đơn hàng sụt giảm mạnh, hàng lượng hàng tồn kho tăng… đẩy doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn trong việc trả nợ lãi vay.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, tính đến hết tháng 5, tín dụng toàn nền kinh tế mới chỉ đạt trên 12,3 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022.
Sức hấp thu vốn rất yếu
Đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, chiếm khoảng 44% thị phần tín dụng thì tăng trưởng mới được khoảng 35% so với mức NHNN đã giao. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần chiếm khoảng 44% thị phần tăng, khoảng 50% mức được giao. Như vậy cả 2 nhóm này chiếm thị phần tín dụng chính, vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng cho thời gian còn lại của năm.
“Nhìn lại năm 2022, thời điểm này tín dụng đã tăng xấp xỉ 8% so với cuối năm 2021. Như vậy, khi chính sách tín dụng của NHNN không thay đổi, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nay nhích hơn (từ 14% đến 15%) mà tín dụng tăng thấp như thế, rõ ràng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu hơn đáng kể so với năm ngoái”, Phó Thống đốc nhận định.
Theo ông Phạm Thanh Hà có ba nguyên nhân: Thứ nhất, với các doanh nghiệp sản xuất, đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn do thiếu đơn hàng dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút.
Thứ hai, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một số doanh nghiệp có tài chính suy yếu, không có phương án khả thi dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng.
Thứ ba, nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn, trong đó có khó khăn về pháp lý, ít có dự án mới triển khai. Do vậy nhu cầu tín dụng đối với bất động sản cũng giảm sút.
Trước thực trạng trên NHNN đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
"Chẳng hạn, NHNN liên tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Số liệu gần đây cho thấy lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9,07%/năm (giảm 0,9%/năm so với cuối năm 2022). Mặt bằng lãi suất đang giảm và cũng sẽ giảm trong thời gian tới” – Phó Thống đốc nói.
Doanh nghiệp hạn chế đầu tư
Trao đổi với báo với Pháp luật TP.HCM, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho rằng, hiện nay thanh khoản trên thị trường bất động sản còn yếu. Nhiều ngành sản xuất đối mặt với tình trạng đơn hàng sụt giảm mạnh, hàng lượng hàng tồn kho tăng… đẩy doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn trong việc trả nợ lãi vay.
"Đây là giai đoạn mà doanh nghiệp tìm cách để duy trì hoạt động chứ không ai dám mở rộng đầu tư kinh doanh nữa. Trong khi tín dụng khó đẩy mạnh và mặt bằng lãi suất huy động đang giảm, thì không có nhà băng nào muốn tăng lãi suất cho vay, kể cả lãi suất cho vay dài hạn", vị này nói.
Để hỗ trợ khách hàng đang gặp khó khăn trong việc trả nợ, mới đây NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2023 cho phép các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
“NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức triển khai quyết liệt chính sách này để hỗ trợ cho các dư nợ đã có đối với doanh nghiệp. Đồng thời, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục tích cực cho vay đối với các khách hàng đủ điều kiện. Rõ ràng, hệ thống ngân hàng huy động vốn để cho vay, cho nên những khách hàng đủ điều kiện chắc chắn sẽ tiếp cận được vốn tín dụng” ông Hà nói thêm.
Cũng theo ông Hà, ngoài giải pháp ngành ngân hàng thì việc tăng cầu của nền kinh tế rất quan trọng. Do vậy, các bộ ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, xúc tiến, tìm kiếm, phát triển, tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ, thị trường bất động sản. Qua đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như nâng cao năng lực tài chính, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.
THUỲ LINH
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường