Ngân hàng cam kết 'cứu' doanh nghiệp qua Thông tư 02

Thứ năm, 27/04/2023, 10:04 AM

Trong bối cảnh thị trường vốn chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, thì áp lực vốn đối với tín dụng ngân hàng tiếp tục ở mức cao.

Nhận diện được các khó khăn và thách thức, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

3

Việc cho phép tổ chức tín dung thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn không có khả năng trả nợ tổ chức tín dụng (TCTD) đúng thời hạn sẽ tạo điều kiện cho khách hàng có thể được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không phải chuyển nhóm nợ xấu. Qua đó, khách hàng có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, có nguồn tài chính để tìm kiếm việc làm, nguồn thu nhập mới để trả nợ vốn vay tại các tổ chức tín dụng.

Đúng và trúng!

Nhìn nhận về chính sách này, bà Phạm Thị Trung Hà - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng MB cho rằng, Thông tư 02 đối với các khách hàng vay vốn kể cả mục đích sản xuất kinh doanh hay tiêu dùng đều được hưởng lợi. Về phía TCTD cũng đã có kinh nghiệm triển khai chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Do vậy, mỗi ngân hàng sẽ căn cứ vào điều kiện tài chính của ngân hàng và hồ sơ của khách hàng để thực hiện chính sách này, đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Trong khi đó, các TCTD cũng phải chuẩn bị các kịch bản liên quan đến đánh giá chất lượng tín dụng, tuân thủ quy định về trích lập dự phòng để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. "Ngân hàng đảm bảo thanh khoản tốt, không thiếu vốn, sẵn sàng cho vay với mức lãi suất hấp dẫn hơn so với cuối năm 2022. Đối với các doanh nghiệp cũng cần xem xét, tăng cường năng lực, phương án kinh doanh hiệu quả để đáp ứng được các điều kiện tín dụng", bà Hà khẳng định.

Ông Phạm Quang Thắng - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank nhìn nhận: Doanh nghiệp hiện nay rất thận trọng vay vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu không có đơn hàng mới, không có dự án bất động sản mới, không mở rộng đầu tư mới... dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm lại. Do đó, Thông tư 02 ban hành kịp thời, đáp ứng mong muốn của thị trường về ổn định dòng tiền của doanh nghiệp, khôi phục sản xuất kinh doanh để phát triển. "Hiện tại dư nợ của các khách hàng đã trở lại bình thường, nhiều doanh nghiệp phục hồi ổn định. Chúng tôi tin rằng triển khai Thông tư 02 lần này cũng sẽ có những thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp", ông Thắng nói.

Bà Micheal Wee - Tổng giám đốc Standard Charterbank cho biết, tuần qua, ngân hàng đã triên khai chương trình cấp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. "Với Thông tư 02, chúng tôi cam kết thực hiện tốt để hỗ trợ khách hàng. Chúng tôi sẽ lấy ý kiến các phòng ban về Thông tư, sau đó có kiến nghị Ngân hàng Nhà nước để thực hiện Thông tư 02 hiệu quả nhất", lãnh đạo Standard Charterbank khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank cho biết, ngay từ đầu năm, ngân hàng đã có hai đợt giảm lãi suất mạnh để hỗ trợ khách hàng. Hiện nay, ngân hàng cũng đang nghiên cứu các sản phẩm, giải pháp để đẩy nhanh vốn ra thị trường. Hiện tại, khó khăn nhất đối với việc triển khai tín dụng là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế. Ngân hàng cam kết đẩy nhanh nhất việc thực thi Thông tư 02.

Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng goám đốc Ngân hàng BIDV thông tin rằng, các ngân hàng đã thống nhất cùng giảm mặt bằng lãi suất huy động để có cơ sở giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng BIDV đánh giá cao các chính sách được Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đưa ra thời gian qua, đặc biệt Thông tư 02 vừa ban hành. Đây là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ngân hàng sẽ triển khai trên toàn hệ thống để chính sách này vào thực tế nhanh nhất.

Thông tư 02 - "cứu cánh" cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.Hà Nội nhận định, doanh nghiệp mong muốn Thông tư 02 là "cứu cánh" hiện nay đối với khối doanh nghiệp, vì điều mong muốn hiện nay của các doanh nghiệp là cơ cấu lại nợ. Thông tư 02 đáp ứng được điều đó và mở rộng hơn so với trước.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, việc ban hành Thông tư 02 thể hiện trách nhiệm rất lớn của ngành Ngân hàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang rất khó khăn... Sức hút vốn của nền kinh tế rất khó khăn, nên các TCTD muốn hoạt động cũng rất khó. Trong bối cảnh đó, các TCTD đã giảm lãi suất đầu vào, giảm lãi suất cho vay, lựa chọn dự án tốt để cho vay. Ngân hàng không thiếu vốn, room tín dụng không vướng.

"Tiếp cận vốn từ TCTD là không khó. Tuy nhiên, với sức hấp thụ vốn thấp như hiện nay, dù lãi suất có thấp nữa thì một số nhiều doanh nghiệp cũng không vay. Vậy nên, việc ban hành Thông tư 02 là cần thiết. Chúng tôi đã thống nhất giảm mặt bằng lãi suất. Vì vậy cần phải có sự đồng thuận chung, thậm chí tiếp tục đồng thuận giảm lãi suất đầu vào, giảm lãi suất đầu ra hỗ trợ doanh nghiệp", ông Hùng nói.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo buổi họp cùng với 4 ngân hàng thương mại nhà nước và các Bộ, ngành để bàn một số các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường bất động sản và các định hướng giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế. Tin vui là 4 ngân hàng thương mại nhà nước chiếm trên 50% thị trường tín dụng của Việt Nam đều đồng thuận rất cao với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Với định hướng đó và sự cam kết của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp chính sách, một mặt hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất, mặt khác điều hành để tạo thanh khoản ổn định, tạo niềm tin vững chắc cho thị trường trong việc hỗ trợ các TCTD cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế với lãi suất cho vay hợp lý để hỗ trợ cho quá trình phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới.

TUYẾT NHUNG

Theo 1thegioi.vn