Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi vào năm 2025

Thứ bảy, 30/12/2023, 11:38 AM

Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đề ra mục tiêu phấn đấu, đến năm 2025 nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập; nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu phần thị trường, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, chủ yếu cho nền kinh tế.

Phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng TTCK của các tổ chức quốc tế. Tích cực hội nhập thị trường tài chính, chứng khoán thế giới, đáp ứng yêu cầu về an ninh tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, quản trị rủi ro, đưa vào áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.

Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Một trong những giải pháp của Chiến lược là tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Cụ thể, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan giám sát, thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực chứng khoán, đảm bảo đủ năng lực thực thi pháp luật.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030. Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP) vào năm 2030; TTCK phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20% - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030.

Tăng cường triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vụ việc có ảnh hưởng lớn tới TTCK, tăng cường giám sát liên thông giữa các cấu phần của TTCK.

Giải pháp khác của Chiến lược là tăng cung hàng hóa cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung.

Về phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ, phát hành đa dạng các kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương để đáp ứng mục tiêu huy động vốn của cơ quan phát hành và phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư. Nghiên cứu khả năng phát hành các sản phẩm trái phiếu mới để đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường.

Chiến lược cũng đề ra giải pháp là khuyến khích việc phát hành trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh nhằm tạo thêm kênh huy động vốn cho ngân sách, cho doanh nghiệp và thu hút các nhà đầu tư hướng đến các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Nghiên cứu, triển khai đa dạng các sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, các loại sản phẩm cấu trúc, các loại chứng chỉ lưu ký, các loại chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán, các công cụ tài chính xanh phù hợp với trình độ phát triển của TTCK.

Tăng cường vai trò và trách nhiệm của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tiến tới yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải được xếp hạng tín nhiệm, hình thành thói quen và thông lệ sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm khi phát hành, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Nghiên cứu về tổ chức cung cấp dịch vụ định giá trái phiếu, tổ chức cung cấp dịch vụ định giá trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững; chuẩn hóa quy định về trách nhiệm của tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu, tổ chức quản lý tài sản đảm bảo để tăng tính chuyên nghiệp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo tienphong.vn