Thị trường chứng khoán ảm đạm, có nên mua cổ phiếu lúc này?

Thứ tư, 20/12/2023, 15:32 PM

Dù khối ngoại liên tục bán ròng nhưng bối cảnh vĩ mô đang thuận lợi và VN-Index giảm là cơ hội tốt để có thể mua vào các cổ phiếu với tầm nhìn trung, dài hạn.

Trong phiên giao dịch sáng 20-12, VN-Index tiếp tục lình xình dưới mốc 1.100 điểm. Các chỉ số khác cũng giảm nhẹ. Giao dịch trầm lắng khi thanh khoản trên sàn HoSE chỉ hơn 4.200 tỉ đồng. Khối ngoại tiếp tục chuỗi ngày bán ròng.

Nhiều nhà đầu tư thờ ơ với bảng điện khi thị trường biến động trong biên hẹp và giao dịch "buồn ngủ". 

Một số ý kiến cho rằng thị trường "sinh ra trong ảm đạm", nên mua vào cổ phiếu để tích lũy cho mục tiêu trung và dài hạn. Tuy nhiên, hầu hết nhà đàu tư đều dè dặt.

Trao đổi với PV Báo Người Lao Động, bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc Phòng Phân tích - Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), cho rằng giai đoạn 2015-2023, tháng 12 năm nào nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng. Ngoại trừ năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 12.000 tỉ đồng vào tháng 12. Lý do của sự khác biệt này là do đợt sụt giảm vào tháng 11-2022 đã khiến cho định giá cổ phiếu trở nên rất hấp dẫn.

Điểm số của VN-Index từ khoảng cuối năm thường không có sự biến động mạnh. Vì vậy, việc mua - bán và bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài là một hoạt động bình thường trên thị trường.

Thị trường chứng khoán biến động trong vùng hẹp với áp lực bán ròng từ khối ngoại

Thị trường chứng khoán biến động trong vùng hẹp với áp lực bán ròng từ khối ngoại

"Năm nay, hoạt động bán ròng diễn ra không ngừng từ đầu tháng 12, cùng với giá trị bán ròng lớn là một động thái đáng lưu ý. Nguyên nhân của đợt bán ròng được cho là đến từ hoạt động cơ cấu quỹ của một số quỹ lớn vào thời điểm cuối năm và từ việc một số quỹ riêng lẻ từ Thái Lan chuẩn bị cho việc bị áp dụng thuế thu nhập cá nhân đối với nhà đầu tư của họ từ năm sau" - bà Đỗ Minh Trang giải thích.

Theo các công ty chứng khoán, hoạt động bán ròng liên tục của khối ngoại đã có tác động khá tiêu cực lên tâm lý của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân trong nước. Dù vậy, bối cảnh vĩ mô hiện tại được chuyên gia của ACBS nhận định đang có nhiều thuận lợi từ môi trường toàn cầu do chính sách thắt chặt tiền tệ của FED đã đi vào giai đoạn cuối. Trong nước, bức tranh vĩ mô của Việt Nam còn chưa thật sự khởi sắc, nhưng rủi ro vĩ mô xấu đi là không nhiều.

"Việc thị trường điều chỉnh là cơ hội tốt để có thể mua vào các cổ phiếu với tầm nhìn trung và dài hạn. Đặc biệt là các cổ phiếu có quy mô vốn hóa vừa và nhỏ, ít bị ảnh hưởng bởi hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư và có triển vọng lợi nhuận tốt trong giai đoạn tới. Các ngành được khuyến nghị bao gồm công nghệ, dầu khí, hóa chất, bất động sản khu công nghiệp…" - chuyên gia ACBS nhấn mạnh.

Chọn cổ phiếu nào cho năm 2024?

Về nhóm ngành cụ thể, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường - Công ty Chứng khoán VNDIRECT, cho rằng trong giai đoạn nửa đầu năm 2024, các ngành liên quan xuất nhập khẩu (thủy sản, đồ gỗ, sắt thép) và logistic, cảng biển sẽ hút dòng tiền nhờ sự cải thiện bức tranh kết quả kinh doanh.

"Trong nửa sau năm tới, tâm điểm có thể là nhóm ngành ngân hàng, bất động sản khi thị trường bất động sản, trái phiếu thoát khỏi vùng đáy và bắt đầu chu kỳ phục hồi.

Đồng thời, nhóm ngành tiêu dùng, bán lẻ cũng là lựa chọn đáng chú ý trong nửa sau năm 2024 nhờ tác động tích cực từ chính sách tài khóa mở rộng, cải cách tiền lương và thu nhập người lao động cải thiện" - ông Hinh nhận xét.

Theo nld.com.vn

largeer