Mỹ tiếp tục gia hạn giấy phép bán hàng cho Huawei
Bộ Thương mại Mỹ một lần nữa gia hạn giấy phép tạm thời cho phép các công ty nước này bán hàng cho Huawei. Giấy phép hiện tại sẽ hết hạn vào thứ Hai tới.
Đây là tin vui với Huawei và nhiều hãng công nghệ đang dựa vào Huawei. Bộ Thương mại Mỹ cho biết quyết định gia hạn phần lớn nhằm hỗ trợ các nhà mạng nông thôn đang sử dụng thiết bị Huawei. Bộ trưởng Wilbur Ross khẳng định tiếp tục giám sát chặt chẽ việc xuất khẩu công nghệ nhạy cảm nhằm đảm bảo tiến bộ của họ không bị các thế lựa đe dọa an ninh quốc gia khai thác.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump cáo buộc thiết bị mạng Huawei gây rủi ro cho an ninh quốc gia vì có thể bị lợi dụng để gián điệp. Họ còn buộc tội Huawei vi phạm lệnh cấm vận, đánh cắp bí mật thương mại từ công ty Mỹ.
Từ tháng 5/2019, Bộ Thương mại đưa Huawei vào danh sách “Entity List”, cấm các doanh nghiệp trong nước kinh doanh với Huawei nếu không có giấy phép. Song, động thái lại đe dọa nghiêm trọng tới các nhà cung ứng Mỹ do Huawei là công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai toàn cầu. Mỗi năm, Huawei mua hàng chục tỷ USD hàng hóa từ Mỹ. Quyết định của Mỹ cũng ảnh hưởng đến doanh số smartphone công ty. Ngay sau khi danh sách Entity List được công bố, Bộ Thương mại đã cấp giấy phép chung tạm thời để công ty Mỹ có thể bán một số sản phẩm không tiềm ẩn nguy cơ an ninh cho Huawei, chẳng hạn cập nhật phần mềm, microchip dùng trong thiết bị không dây đời cũ. Giấy phép được gia hạn lần đầu vào tháng 8, có thời hạn 90 ngày. Lần gia hạn mới nhất sẽ hết hạn vào tháng 2/2020.
Đầu tháng này, ông Ross nói đã nhận dược 260 yêu cầu xin cấp phép bán hàng cho Huawei. Ngoài ra, nhóm 40 nhà mạng nhỏ ở Mỹ đang dùng thiết bị mạng Huawei. Nếu muốn loại bỏ hoàn toàn và thay thế bằng thiết bị của hãng khác, họ sẽ tốn nhiều tỷ USD và hàng tháng trời.
Trong lúc này, Huawei đang nỗ lực để giảm lệ thuộc vào linh kiện Mỹ nhằm hạn chế tác động từ lệnh cấm. Tháng 8/2019, công ty giới thiệu hệ điều hành mới, dự phòng thay thế Google Android. Hãng cũng có chip smartphone riêng. Tất cả đều có thể biến Huawei trở thành thế lực toàn cầu, cạnh tranh trực tiếp hơn với các doanh nghiệp Mỹ thay vì phụ thuộc vào họ. Một số người lo ngại nó sẽ đe dọa tới sự thống trị của Mỹ trong ngành công nghiệp.
Về phần mình, Huawei cho biết gia hạn giấy phép tạm thời không có nhiều ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ và tranh luận ngay từ đầu, họ không nên bị đưa vào Entity List. “Điều đó gây tổn hại kinh tế nghiêm trọng với các công ty Mỹ mà Huawei đang làm ăn và làm gián đoạn hợp tác, suy yếu niềm tin mà chuỗi cung ứng toàn cầu đang dựa vào. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Mỹ chấm dứt đối xử bất công và bỏ tên Huawei khỏi Entity List”.
Du Lam
-
Nghịch lý giá ô tô nhập khẩu
-
Thị trường ô tô tăng trưởng mạnh
-
Chiếc ô tô huyền thoại của Toyota chỉ có giá hơn 700 triệu đồng, người Việt thèm muốn
-
Những mẫu xe mạnh nhất phân khúc SUV hạng C: Góp mặt toàn tên tuổi gạo cội, xe 'made in Việt Nam' vượt trội
-
ADB nhận định: Ngành công nghiệp sáng tạo số sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Châu Á, Thái Bình Dương
-
Nhà mạng có tốc độ internet di động nhanh nhất Việt Nam