Canada, Mỹ đau đầu đối phó Huawei

Thứ hai, 18/11/2019, 10:37 AM

Gã khổng lồ công nghệ viễn thông Trung Quốc đã len lỏi vào hạ tầng ở Canada, Mỹ khiến họ rất khó để tẩy chay hoàn toàn Huawei.

Globe and Mail của Canada mới đây cho biết, Canada đang bất đồng giữa các cơ quan tình báo và nhà quản lý khi kiên quyết tẩy chay mọi sản phẩm của Huawei ra khỏi đất nước.

 Huawei trở thành cái gai trong mắt nhưng Mỹ không thể loại bỏ.           

 Huawei trở thành cái gai trong mắt nhưng Mỹ không thể loại bỏ.           

Dịch vụ tình báo và an ninh Canada (CSIS) đã nhận được các cảnh báo của Mỹ về thiết bị của Huawei có thể được chứa các "cửa hậu" cho phép truyền thông tin về một đơn vị trực thuộc Chính phủ Trung Quốc. CSIS ủng hộ việc loại bỏ toàn bộ thiết bị Huawei trong cung cấp hạ tầng mạng 5G của Canada.

Trong khi đó, Trung tâm An ninh Truyền thông Canada (CSE) bác bỏ việc loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm do Huawei sản xuất. Họ cho rằng, chỉ cần kiểm tra và giám sát nghiêm ngặt các thiết bị 5G do Huawei sản xuất sẽ cho phép loại bỏ các rủi ro bảo mật như Mỹ đã cảnh báo.

Sự bất đồng của các cơ quan cấp cao chưa thể quyết định số phận của thương hiệu Huawei tại đất nước lá phong đỏ. Canada đang cần có quyết định và hành động thực sự vì là một thành viên trong nhóm tình báo "Ngũ nhãn" với Mỹ, Úc, Anh, New Zealand. Úc và Mỹ đã ủng hộ quyết định cấm hoàn toàn thiết bị Huawei. Những thành viên còn lại đều chưa quyết định.

Mỹ đang gây áp lực cho các thành viên đang chần chừ. Washington đã nhiều lần tuyên bố rằng nếu một quốc gia nào đó không loại bỏ hoàn toàn thiết bị của Huawei hoặc một nhà sản xuất Trung Quốc khác khỏi cơ sở hạ tầng viễn thông thì họ sẽ ngừng trao đổi thông tin tình báo nhạy cảm với quốc gia này, bất kể đó là đồng minh thân thiết và quan hệ chiến lược đến mức nào.

Tuy nhiên, có một vấn đề rất khó xử lý ở Canada, New Zealand hay ở Anh là thiết bị của Huawei đã xuất hiện ở các mạng viễn thông thế hệ trước ở các quốc gia này, thậm chí là cả Mỹ.

Nếu trong con mắt của nhà quản lý cấp quốc gia, loại bỏ hoàn toàn các hệ thống sẵn có này là điều... điên rồ bởi tốn kém và thực sự không cần thiết.

Một khi chọn quyết định từ bỏ Huawei thì tất cả các nhà khai thác viễn thông phải xây dựng lại hoàn toàn cơ sở hạ tầng cấp quốc gia. Chưa quốc gia nào tính toán con số "đập đi xây lại" sẽ tốn bao nhiêu tiền, thời gian hay ai sẽ trả tiền cho khoản đó.

Mỹ ra sức thúc ép đồng minh nhưng không nói gì về việc họ có giúp đỡ đồng minh chia sẻ các chi phí này hay không. 

Hai nhà khai thác di động lớn nhất ở Canada là Bell và Telus đã tuyên bố họ sẽ không muốn từ bỏ hoàn toàn Huawei chỉ để phục vụ cho nhu cầu của Mỹ.

Trung tâm An ninh Truyền thông Canada (CSE) ủng hộ họ trong quyết định này và giải thích để đảm bảo an ninh thông tin, chỉ cần kiểm tra kỹ thiết bị Trung Quốc là đủ, lập luận rằng: Sự từ chối dựa trên cơ sở của nước xuất xứ sẽ không mang lại gì cho đất nước, ngoài tốn thêm chi phí vật chất và thời gian.

Ngoài chi phí vật chất, việc từ bỏ Huawei có nghĩa là các quốc gia này có thể tụt hậu nghiêm trọng trong việc phát triển các mạng 5G.

Điều này cũng đang xảy ra ở Mỹ. Các nhà khai thác viễn thông nhỏ, cung cấp dịch vụ ở các vùng nông thôn xa xôi cũng tỏ ra không hài lòng với việc Chính phủ sẽ loại bỏ hoàn toàn các thiết bị cộp mác Huawei.

Những công ty viễn thông dựa vào thiết bị của Huawei vì giá rẻ. Còn bây giờ, để xây dựng lại mạng lưới của mình bằng một sản phẩm khác thì theo như tính toán từ Hiệp hội các nhà khai thác di động không dây nông thôn Mỹ (Rural Wireless Association), họ sẽ cần từ 800 triệu - 1 tỷ USD chi phí và mất thời gian 2 năm.

Mới đây, Mỹ đã phải xem xét khả năng gia hạn hợp tác với Huawei cũng dựa trên sự cấp thiết này. Khả năng loại bỏ các sản phẩm giá rẻ của Huawei Trung Quốc gần như là không thể.

Hải Lâm

Theo Baodatviet.vn