Mỹ sẽ chủ động hạ giá đồng USD?

Thứ tư, 26/06/2019, 09:24 AM

Các chuyên gia của ngân hàng Bank of America Corp (BofA) nhìn thấy khả năng Mỹ sẽ chủ động hạ giá đồng USD điều chưa từng xảy ra kể từ năm 2011.

Ảnh: Vietnambiz

Ảnh: Vietnambiz

Đừng kỳ vọng các quan chức Mỹ sẽ thôi nói về đồng USD, ngay cả khi đồng tiền này đang ở gần mức thấp nhất trong ba tháng, trong cuộc họp thượng đỉnh tuần này của nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20).

Tổng thống Donald Trump tin rằng đồng USD quá mạnh, Bloomberg dẫn lời một quan chức chính quyền Trump hôm 25/6 cho hay. Tuần trước, ông Trump đã cáo buộc châu Âu và Trung Quốc làm suy yếu đồng tiền của họ để đạt được lợi thế cạnh tranh. Các ngân hàng trên Phố Wall thậm chí bắt đầu suy nghĩ về rủi ro rằng Mỹ có thể tìm cách đẩy đồng USD xuống thấp hơn. Và với ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Elizabeth Warren đề xuất “chủ động quản lý tiền tệ”, giá trị của đồng bạc xanh hứa hẹn sẽ là một chủ đề được bàn luận nhiều trong  cuộc bầu cử sắp tới tại Mỹ.

Các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương trong tháng này đã đồng ý rằng một cuộc chiến tiền tệ sẽ không tốt cho nước nào. Tuy nhiên, vì tỷ giá hối đoái giảm có thể bù đắp tác động của thuế quan đối với một quốc gia - điều mà chính Trump đã thừa nhận - tiền tệ là một thành phần cần thiết của các cuộc đàm phán thương mại, theo Goldman Sachs. Điều đó có nghĩa là ngoại hối chắc chắn sẽ là một chủ đề nóng tại cuộc họp G-20 ở Osaka.

“Tiền tệ thực sự cần phải là một phần của bất kỳ thỏa thuận thương mại nào, vì rõ ràng là chúng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong bất kỳ sự tái cân bằng thâm hụt thương mại giữa hai nền kinh tế”, ông Pandl nói. “Càng nhiều hành động thuế quan như chúng ta chứng kiến, thì USD càng quan trọng hơn, và chính quyền Trump sẽ càng tập trung vào thị trường tiền tệ”.

Đồng USD đã suy yếu nhiều trong 3 tháng qua. Ảnh: Market Watch.

Đồng USD đã suy yếu nhiều trong 3 tháng qua. Ảnh: Market Watch.

Các quan chức cũng đã mường tượng ra một số bước đi. Tháng trước, chính quyền Trump đã đề xuất đánh thuế hàng hóa từ các quốc gia có đồng tiền bị định giá thấp - một động thái được cho là để báo động cho các quan chức tại Bộ Tài chính. Mỹ cũng đã tìm kiếm một hiệp ước ổn định Nhân dân tệ như là một phần của thỏa thuận cuối cùng với Trung Quốc.

Dưới đây là một số điểm nóng về tiền tệ tại hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới:

Đồng USD quá đắt

Định giá tiền tệ đã nổi lên như một điểm nhấn đối với Trump, người đã tweet trong tháng này rằng đồng euro mất giá khiến cho Mỹ gặp bất lợi lớn. Ông đã gia tăng chỉ trích vào tuần trước sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi nói rằng các gói kích thích bổ sung có thể được đưa ra.

Nhân dân tệ Trung Quốc cũng bị ông Trump công kích. Sau khi Mỹ tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào tháng trước, đồng Nhân dân tệ suy yếu về mức 7 tệ đổi 1 USD - một mức thấp chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính một thập kỷ trước.

Rủi ro Mỹ can thiệp tỷ giá

Những lời lẽ đe dọa đó khiến một số nhà phân tích nghĩ đến khả năng chính quyền Trump có thể hành động. Mỹ đã không can thiệp vào thị trường ngoại hối kể từ năm 2011, khi họ đã hành động sau khi đồng Yên tăng vọt sau trận động đất sóng thần ở Fukushima, Nhật Bản. Bây giờ, Bank of America Corp (BofA) nhìn thấy nguy cơ gia tăng rằng Mỹ sẽ hạ giá đồng USD.

“Có nguy cơ rằng chính quyền Trump sẽ cân nhắc việc can thiệp tiền tệ”, các chuyên gia của BofA là ông Michelle Meyer, nhà kinh tế học, và Ben Randol, Adarsh Sinha, các chiến lược gia ngoại hối, đã viết như vậy trong một ghi chú tuần trước. “Can thiệp bền vững là điều chưa từng xảy ra trong thời  hiện đại và có thể có những hậu quả đáng kể”.

Trong tháng này, Bộ trưởng Tài chính và chủ tịch ngân hàng trung ương của nhóm G-20 đã tái khẳng định cam kết không  hạ giá đồng tiền để tăng cạnh tranh. Tuy nhiên, Mỹ có thể biện minh cho sự can thiệp là một cách để chống lại sự biến động của thị trường, các nhà phân tích của BofA viết.

JPMorgan cũng đang nghĩ về khả năng Nhà Trắng có thể sẽ trở nên tích cực hơn trong chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2019, có thể bao gồm việc can thiệp vào thị trường, các nhà phân tích ngân hàng này đã viết trong một ghi chú ngày 21/6.

“Chưa biết liệu đây có phải là một động thái nhất thời nhằm chỉ trích chính sách của FED hay là một mặt trận mới trong chính sách kinh tế quốc tế”, các chuyên gia của JP Morgan nhận định. “Can thiệp trực tiếp để làm suy yếu đồng USD có thể gây ra tác động giảm giá đáng kể”.

Và trong số những người vận động cho cuộc bầu cử năm 2020, ông Trump không phải là người duy nhất chú ý đến đồng USD. Trong một kế hoạch chính sách được công bố trong tháng này, Thượng nghị sĩ Mỹ Warren đã nói về việc các quốc gia khác đang thao túng tiền tệ và đổ lỗi cho các nhà đầu tư và ngân hàng trung ương nước ngoài vì đã "làm tăng giá trị đồng tiền của chúng tôi vì lợi ích của họ”, điều mà ông Trump cũng hay nói đến.

Bá Ước/Nguồn Bloomberg   

Theo nhipcaudautu.vn

largeer