Chi tiền mạnh vào công nghệ xử lý trái cây

Chủ nhật, 16/06/2019, 11:48 AM

Công nghệ xử lý, bảo quản được xem là chìa khóa để thúc đẩy, tăng giá trị xuất khẩu nông sản

Trong bối cảnh xuất khẩu nông sản ảm đạm 5 tháng đầu năm 2019 thì rau quả là điểm sáng với kim ngạch 1,8 tỉ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ 2018, bù vào những ngành đang khó khăn như chăn nuôi (heo đang bị dịch tả châu Phi), gạo, cà phê, tiêu bị khủng hoảng giá. Tuy nhiên, để đạt được kết quả đó, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) đã đầu tư rất lớn máy móc, công nghệ nhằm đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các nước nhập khẩu.

Đua nhau làm nhà máy

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 2 năm gần đây, các doanh nghiệp lớn trong nước như: Tập đoàn TH, Tập đoàn Nafoods, Công ty Doveco, Công ty Lavifood đã đầu tư mạnh vào phát triển cơ sở chế biến, bảo quản rau quả với 6 nhà máy hiện đại được xây dựng, tổng vốn đầu tư 5.300 tỉ đồng, công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu rau quả Việt.

Nhà máy Tanifood (Tây Ninh) của Công ty Lavifood đi vào hoạt động từ đầu năm 2019 với vốn đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng. Lãnh đạo DN này cho biết nhờ đầu tư nhà máy đồng bộ, có thể xử lý toàn bộ trái cây gồm: loại 1 sẽ sơ chế, đóng gói để xuất khẩu tươi, loại 2 đưa vào đông lạnh, loại 3 làm trái cây sấy, loại 4 làm nước ép nên có thể thu mua hết trái cây của nông dân chứ không chỉ mua loại tốt - khá như thương lái hiện nay. Nhà máy đang thực hiện các thủ tục cuối cùng để được phép xử lý trái cây tươi cho các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Đóng gói trái cây tươi tại nhà máy Tanifood Ảnh: NGỌC ÁNH

Đóng gói trái cây tươi tại nhà máy Tanifood Ảnh: NGỌC ÁNH

Công ty Vina T&T hiện có đến 7 đơn vị trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây, với 3 nhà máy sơ chế tại Đồng Tháp, Bến Tre và Tiền Giang, cùng với diện tích vùng trồng được kiểm soát chặt chẽ về quy trình sản xuất, sản phẩm trái cây đạt tiêu chuẩn an toàn của VietGAP, GlobalGAP. DN này cũng vừa xây dựng một nhà máy chế biến dừa tươi tại Bến Tre với công suất lên tới 25 triệu trái/năm. Theo đó, mỗi tuần xuất khẩu khoảng 100.000 trái dừa xiêm Bến Tre cho hệ thống bán lẻ H&T Seafood tại Mỹ.

Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu ở Bến Tre cũng vừa đầu tư vùng nguyên liệu, xây dựng nhà máy xử lý trái cây trị giá hơn 50 tỉ đồng, với các thiết bị, công nghệ hiện đại nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường khó tính. DN này đang quản lý tới 25 mã số vùng trồng trái cây với diện tích khoảng 400 ha và đã đưa thành công nhiều loại trái cây như chôm chôm, nhãn, thanh long, xoài, sầu riêng, vú sữa vào các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Dubai...

Tương tự, Công ty Thuận Thiên Thành đã xây dựng 1 nhà máy chế biến các sản phẩm từ mãng cầu xiêm tại Đồng Tháp có công suất 3 tấn/ngày, cho ra sản phẩm mãng cầu xiêm nguyên múi đóng chai, nước giải khát, mứt, nhân bánh kem, trà túi lọc mãng cầu xiêm, mãng cầu xiêm tươi sấy dẻo… Các sản phẩm mãng cầu xiêm của Thuận Thiên Thành đã tiếp cận tốt thị trường Singapore, Brunei, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Mỹ… Mới đây nhất, công ty đã xuất hàng thành công vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, sản phẩm của Thuận Thiên Thành còn được tiêu thụ ở các hệ thống siêu thị lớn như Aeon, Lotte, Big C, chuỗi các cửa hàng tiện lợi... Công ty này cũng đã đầu tư vùng nguyên liệu lên 100 ha và liên kết bao tiêu sản phẩm cho 10 hộ dân ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp với diện tích hơn 30 ha. Do nhu cầu xuất khẩu đang tăng nên công ty phải xây dựng thêm 1 nhà máy chế biến tại tỉnh Đồng Tháp với công suất gấp 10 lần nhà máy hiện tại và chi phí đầu tư lên tới 30 tỉ đồng.

Tập trung khâu bảo quản

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu, cho rằng trước đây thị trường Trung Quốc khá dễ tính nhưng gần đây họ đưa ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe, buộc chúng ta phải đáp ứng mới được xuất bán trái cây sang. Như vậy, hiện không còn thị trường nào là dễ tính, buộc DN phải đầu tư máy móc, công nghệ tiên tiến mới đáp ứng được chất lượng khi xuất khẩu. "Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư, nhập khẩu thêm nhiều thiết bị công nghệ cao như máy cấp đông, chế biến, xử lý hơi nhiệt… để đáp ứng được các yêu cầu của đối tác" - bà Thu chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T, cũng khẳng định chỉ có thiết bị, công nghệ hiện đại mới tạo ra sản phẩm xuất khẩu tốt, từng loại trái phải có dây chuyền làm sạch riêng. Tính đến thời điểm này, công ty ông đã đầu tư vào nông nghiệp lên đến 400 tỉ đồng, trong đó thiết bị và công nghệ chiếm 30%-40%.

Cũng theo ông Tùng, bảo quản là khâu rất quan trọng trong xuất khẩu trái cây tươi, làm sao cho sản phẩm để lâu mà vẫn bảo đảm chất lượng. Do đó, công ty rất chú trọng đến khâu này. Hiện dừa tươi xuất khẩu bảo quản được tới 80 ngày, nhãn từ 45-60 ngày, thanh long 30 ngày, xoài 30 ngày. "Thời gian bảo quản như vậy vẫn còn tương đối ngắn, giai đoạn kế tiếp phải nâng lên gấp 2, gấp 3 mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường" - ông Tùng thẳng thắn.

 Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019 ngành nông nghiệp kỳ vọng xuất khẩu trái cây có thể tăng thêm 1 tỉ USD so với năm 2018. Để đạt mục tiêu này, các DN phải đầu tư công nghệ bảo quản, trong đó có công nghệ bảo quản đông lạnh tế bào để giữ được trái cây tươi lên đến cả năm mà chất lượng vẫn bảo đảm. Nhiều loại trái cây hiện nay chỉ có 20%-30% sản lượng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, nếu được đầu tư công nghệ, trong đó có khâu bảo quản, sản lượng đạt chuẩn xuất khẩu có thể tăng lên 70%-80%.

Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhìn nhận ưu tiên hàng đầu của ngành rau quả là đầu tư công nghệ sơ chế bảo quản rau quả tươi và hình thành hệ thống các xưởng sơ chế đóng gói ngay tại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung để giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng trái cây. Tiếp theo là đầu tư công nghệ, thiết bị bảo quản rau quả tiên tiến để sản phẩm đáp ứng được yêu cầu chất lượng của các thị trường khó tính (Nhật, Mỹ, EU...). 

Công suất chế biến quá thấp

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định hiện cả nước chỉ có 145 DN chế biến rau hoa quả, công suất đạt 4,4% thiết kế là quá thấp nếu so với Philippines lên đến 25%, Thái Lan 30%, Mỹ 65%... chưa tạo được nhiều giá trị gia tăng trong chế biến sâu. Để đáp ứng yêu cầu xử lý hàng rau quả tươi xuất khẩu, các DN cũng chỉ mới đầu tư được 3 nhà máy chiếu xạ, 6 nhà máy xử lý nhiệt.

Nguyễn Hải - Ngọc Ánh

Theo nld.com.vn