Sao doanh nghiệp cứ phải "kêu cứu"?
Đương nhiên, có thể “cực chẳng đã” doanh nghiệp hay công dân mới kêu cứu lên Thủ tướng và các lãnh đạo cấp cao. Nhưng điều đó có nên?
Mới đây nhất, một loạt báo, tạp chí đăng việc công ty Pung Kook Sài Gòn II có “Đơn xin cứu xét” gửi Thủ tướng vì bị Cục Hải quan Bình Dương truy thu 30 tỷ đồng.
Theo phản ảnh trên báo chí, chưa rõ nội dung đơn là gì, mà chỉ biết được có đơn cứu xét ấy thông qua một công văn của chính công ty này gửi Cục Hải quan Bình Dương và Chi cục Hải quan KCN Sóng Thần hôm 10/8.
Tuy vậy, xem xét các công văn qua lại giữa Pung Kook Sài Gòn II và Cục Hải quan Bình Dương, Tổng cục Hải quan, cũng như chỉ đạo chung của Bộ Tài chính thì có sự khác biệt. Cụ thể, trước năm 2017, Pung Kook Sài Gòn II được hoàn thuế nhập khẩu, nhưng đến tháng 8/2019, Cục Hải quan Bình Dương quyết định truy thu thuế và xử phạt công ty này với tổng số tiền hơn 31 tỷ đồng.
Gần như thành thông lệ
Vì không đồng ý bị xử phạt và truy thu thuế nhập khẩu, nên Pung Kook đã làm nhiều văn bản ra Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và cuối cùng là gửi “Đơn xin cứu xét” tới Thủ tướng. Đương nhiên, việc gửi đơn đến các cấp có thẩm quyền không phải là điều bị cấm.
Thật ra việc doanh nghiệp gửi đơn lên Thủ tướng kêu cứu, xin cứu xét về một vấn đề nào đó gần như đã trở thành thông lệ. Mới đây nhất, Hiệp hội Hàng không vừa gửi đơn kêu cứu Thủ tướng hỗ trợ vì dù đã cố gắng nhưng các doanh nghiệp hàng không đang rơi vào “kiệt quệ”. Mới hồi tháng 7, ông chủ xi măng Công Thanh ở Thanh Hóa do cho rằng mình bị “chèn ép” suốt hàng chục năm, không khởi công được khu đô thị Đông Hương cũng gửi đơn kêu cứu Thủ tướng.
Xa hơn một chút thì có các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khi bất ngờ bị tạm dừng thông quan cũng kêu cứu Thủ tướng. Cũng cùng thời điểm đó, các doanh nghiệp bia, rượu gửi công văn cho Thủ tướng vì… doanh số giảm chóng mặt. Hồi đầu năm nay, khi bị phá dỡ công viên nước Thanh Hà, Cienco 5 cũng gửi đơn kêu cứu tới Thủ tướng.
Tất nhiên, đó có thể coi là một trong những biện pháp cuối cùng của doanh nghiệp đứng trước khó khăn do thương trường và bối cảnh kinh tế. Nhưng cũng không ít doanh nghiệp gửi đơn kêu cứu đến Thủ tướng là bởi những khó khăn trong thủ tục hành chính hay cách áp dụng pháp luật của các cơ quan hữu quan. Điển hình như đầu năm 2019, đích thân Tổ công tác của Thủ tướng phải vào cuộc để “giải cứu” cho các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu.
Tháng 3/2020, công ty Kim Oanh cho rằng bị công ty Thiên Phú dùng “chiêu thức” để ngăn cản phát triển dự án Hòa Lân (Bình Dương) hàng nghìn tỷ đồng, đứng trước bờ vực phá sản cũng gửi đơn kêu cứu tới Thủ tướng và các lãnh đạo liên quan. Vụ việc này trước đó một năm Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tư pháp báo cáo kết quả Thanh tra việc bán đấu giá tài sản đối với dự án Hòa Lân. Hồi tháng 6 vừa qua, công ty Thiên Phú đã rút đơn tố cáo tại TAND quận 7, TP.HCM. Tuy vậy, sự việc dường như vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
Có đôi khi, không chỉ các doanh nghiệp mới kêu cứu Thủ tướng. Năm 2017, ngay cả UBND tỉnh Bắc Ninh còn phải kêu cứu Thủ tướng sau khi một số lãnh đạo tỉnh này bị đe dọa khi kiến nghị về việc nạo vét, khơi thông luồng đường thủy tại sông Cầu.
Dĩ nhiên, Chính phủ và Thủ tướng không thể “trăm tay nghìn mắt” để có thể giải quyết được tất cả các đơn kêu cứu.
Vì như một chuyên gia nhận định: “Có hàng tỷ vụ việc kêu cứu lên Thủ tướng như thế này mỗi ngày”. Thủ tướng, có thể bắt đầu từ vụ “Cà phê Xin Chào” 2016 cho thấy một sự sát sao của ông với môi trường kinh doanh.
Mở ra cơ chế giải quyết kiến nghị đúng pháp luật hơn
Nhưng những năm qua chắc chắn không thể nào Thủ tướng có thể giải quyết được tất cả những khúc mắc, trắc trở. Bởi vì ngoài những sự vụ cụ thể được tiến hành như điển hình thì nhiệm vụ của người đứng đầu Chính phủ là bảo đảm cho môi trường kinh doanh một hành lang pháp lý an toàn, có thể tiên liệu được.
Nhưng điều đó cũng có thể dẫn đến một hệ quả là: Có những vấn đề về thi hành, áp dụng pháp luật không nhất quán trong từng giai đoạn.
Trở lại với câu chuyện Pung Kook Sài Gòn II, rất có thể sau khi luật Thuế xuất nhập khẩu có hiệu lực ngày 1/9/2016, có nhiều vấn đề không thể rà soát được ngay.
Thành thử việc truy thu thuế theo quy định của pháp luật lẽ ra phải được tiến hành ngay đối với giai đoạn 2011-2016. Nhưng cũng có thể vì thế mà Hải quan nhiều địa phương chưa cập nhật được, đến 2018 Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan mới “nhắc nhở” phải truy thu. Như vậy, rất có thể giai đoạn cần truy thu cũng phải trải dài từ 2011 đến 2018.
Điều ấy cũng đặt ra tính tin cậy và khả thi không chỉ của chính sách, mà của cả việc thực thi chính sách. Bởi rõ ràng, những rủi ro doanh nghiệp gặp phải không chỉ đến từ chính sách, mà còn đến từ việc thực thi chính sách theo cách khác nhau của các cơ quan hữu quan khác nhau.
Đương nhiên, việc truy thu có thể sẽ gây ra các khó khăn hoặc lo ngại, nhất là đối với những công ty nhỏ. Bởi điều đó có thể sẽ khiến một doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi nguồn lực bị truy thu làm cho doanh nghiệp yếu đi và có thể phá sản. Đặc biệt, trong khi đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề thì việc truy thu, dù có bảo đảm được tính nghiêm minh của pháp luật, nhưng cũng thật sự gây ra những khó khăn cho các doanh nghiệp.
Bởi vậy, việc kêu cứu Thủ tướng có thể không phải là giải pháp tốt nhất, nhưng nó cũng có thể là một tiền đề để mở ra những chính sách khác, có lợi hơn cho cả nhà nước và thị trường.
Cũng có thể những lá đơn kêu cứu sẽ mở ra một cơ chế giải quyết các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn, đúng pháp luật hơn, chẳng hạn như Pung Kook Sài Gòn II cho biết, họ có thể mang vụ việc ra tòa.
Hành xử đó chẳng phải văn minh và thượng tôn pháp luật hơn hay sao!
Chân Luận
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội