Môi trường kinh doanh Việt Nam tăng, nhưng vẫn còn nhiều phiền hà

Thứ bảy, 13/01/2018, 14:33 PM

Năm 2017, Ngân hàng thế giới xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam thứ bậc 68/190, tăng 14 bậc so với năm trước, đứng thứ tư trong khu vực Asean, sau Singapore, Thái Lan và Malaysia. Tuy nhiên, tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu còn diễn ra, gây bức xúc cho doanh nghiệp.

Môi trường kinh doanh Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực Asean

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2018 của Ngân hàng thế giới, Việt Nam xếp thứ 68 trong số 190 nền kinh tế xếp hạng (tăng 14 bậc so với vị trí 82 của năm 2017), trong đó nộp thuế tăng 14.78 điểm, tiếp cận điện năng tăng 6.46 điểm, tiếp cận tín dụng tăng 5 điểm. Việt Nam (cùng với Indonesia) là hai nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 15 năm qua, trong đó mỗi nước cùng có 39 cải cách.

Trong khi đó, theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 – 2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016, từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế, trong đó chỉ số chỉ số Mức độ sẵn sàng về công nghệ có mức tăng và tăng bậc nhiều nhất (13 bậc, từ vị trí 92 lên vị trí 79),  tiếp đến là chỉ số Phát triển thị trường tài chính (tăng 7 bậc).

Theo công bố của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2017, Việt Nam đã rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới, trong đó thời gian thông quan tại biên giới đối với hàng nhập khẩu giảm 6 giờ, chi phí thực hiện thủ tục tại biên giới giảm 19 USD; góp phần cải thiện môi trường kinh doanh (năm 2017, Ngân hàng thế giới xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam thứ bậc 68/190, tăng 14 bậc so với năm trước, đứng thứ tư trong khu vực Asean, sau Singapore, Thái Lan và Malaysia).

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù đã có nhiều nỗ lực triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, nhưng phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi.

Về cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, tại Báo cáo Tổng kế thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chưa giải quyết triệt để sự không thống nhất giữa các Luật: Đầu tư, Bảo vệ môi trường, Đất đai, Xây dựng… Thực tế thực hiện liên thông trong giải quyết thủ tục đất tư, đất đai và nhiều thủ tục khác chưa thông suốt, hiệu quả. Vẫn tồn tại tình trạng nhiều cơ quan cùng quản lý một vấn đề, gia tăng gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp. Việc đối thoại với doanh nghiệp ở nhiều địa phương chưa hiệu quả, thực chất.

Báo cáo tổng hợp của VCCI cũng cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp còn phản ánh một số hạn chế. Trong đó, công tác cải cách thủ tục hành chính mặc dù đã được thực hiện tốt nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư có trình độ, năng lực còn hạn chế. Tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu còn diễn ra, gây bức xúc cho doanh nghiệp.

“Một số Ủy ban Nhân dân các tỉnh chưa đảm bao tổ chức đối thoại với doanh nghiệp công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm. Tình trạng doanh nghiệp than phiền về việc các thủ tục hành chính chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp vẫn còn nhiều”, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.

Empty

Cần tiếp tục giảm chi phí cho doanh nghiệp

Đưa ra định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ, năm 2018 cần tiếp tục là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp. “Sau cuộc gặp Thủ tưởng Chính phủ với doanh nghiệp tháng 5/2017, chủ đề của năm 2017 được chọn là ‘giảm chi phí với doanh nghiệp’. Một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị năm 2018 tiếp tục đặt trọng tâm vào vấn đề giảm chi phí cho doanh nghiệp, để tác động đối với cộng đồng doanh nghiệp sẽ rõ nét hơn và phát huy các kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã triển khai trong 2017”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích.

Cùng với đó, cải thiện năng suất cho các doanh nghiệp trong từng ngành, lĩnh vực. Trong đó, lưu ý các yếu tố về công nghệ, đổi mới sáng tạo, kỹ năng người lao động, trình độ của người quản lý doanh nghiệp. Đề xuất Bộ Khoa học công nghệ tiếp tục rà soát các quy định thuộc lĩnh vực phụ trách để hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, cần tăng cường thị trường trong nước, bao gồm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ và chi phí đầu vào của doanh nghiệp, bao vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp, thực thi tốt pháp luật về quản lý thị trường và quản lý cạnh tranh.

Đề xuất Bộ Tài chính kiểm soát việc thu phí hạ tầng cảng biển; Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thực hiện Đề án thị trường trong nước, thúc đẩy sản xuất và khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam.

Phát huy các thị trường nước ngoài có đòi hỏi không cao, phù hợp năng lực cạnh tranh của phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay và các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh, kết hợp biện pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp.

theo vn.media.vn

largeer