Lương cơ sở chỉ bằng 41,43% mức lương tối thiểu
Mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng mới chỉ bằng mức chuẩn về thu nhập của người cận nghèo khu vực thành thị giai đoạn 2016-2020, bằng 41,43% mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2017 của khu vực doanh nghiệp.
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), lực lượng vũ trang.
Theo đó, căn cứ Nghị quyết số 27/2016/QH14 ngày 11-11-2016 về dự toán NSNN năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 47/2017/NĐ-CP điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.200.000 đồng/tháng lên 1.300.000 đồng/tháng từ 1-7-2017. Mức lương 1.300.000 đồng/tháng mới chỉ bằng mức chuẩn về thu nhập của người cận nghèo khu vực thành thị giai đoạn 2016-2020; bằng 41,43% mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2017 của khu vực DN; đạt 35,53% bình quân mức nhu cầu sống tối thiểu và đạt 60,3% mức chỉ tiêu bình quân đầu người/tháng năm 2016 - dẫn đến tiền lương của CBCCVC và lực lượng vũ trang còn nhiều khó khăn.
Tuy điều kiện ngân sách còn khó khăn nhưng để cải thiện đời sống CBCCVC và lực lượng vũ trang, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 49/2017 ngày 13-11-2017, trong đó nêu rõ: Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi NCC tăng bằng mức lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1-7-2018.
Dự thảo Nghị định gồm 6 điều, trong đó Điều 3 quy định về mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở từ ngày 1-7-2018.
Nghị định cũng quy định đối tượng áp dụng mức lương này gồm: CBCC từ trung ương đến cấp huyện; CBCC cấp xã; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; người làm việc theo chế độ HĐLĐ xếp lương theo Nghị định số 204/2004 của Chính phủ; người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được NSNN hỗ trợ kinh phí hoạt động tại Nghị định số 45/2010; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và CNVC quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc QĐND Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân và lao động hợp đồng thuộc Công an Nhân dân; người làm việc trong tổ chức cơ yếu; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn và tổ dân phố.
Dự thảo Nghị định cũng quy định các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan khác ở trung ương tiếp tục thực hiện các quy định về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương, kết hợp triệt để tiết kiệm chi, gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm tự cân đối nhu cầu tăng chi do điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2018 trong phạm vi dự toán ngân sách được giao.
Các tỉnh, thành phố sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bảo đảm tự cân đối nhu cầu tăng chi do điều chỉnh mức lương cơ sở trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao năm 2018 của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; sử dụng một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; sử dụng 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương thực hiện so với dự toán năm 2017 do Thủ tướng Chính phủ giao (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết); nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2017 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có); một số địa phương ngân sách khó khăn, nếu thực hiện vẫn thiếu nguồn thì ngân sách trung ương bổ sung số thiếu để địa phương thực hiện.
Hoàng Triều
-
Bão Yinxing giật cấp 17 đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 7
-
Thời tiết TP HCM hôm nay, 5-11: Oi bức cả ngày, đến đêm mới có mưa rào
-
Thời tiết TP HCM hôm nay, 1-11: Ngày nắng, đêm mưa kèm gió giật mạnh
-
Thời tiết TP HCM hôm nay, 31-10: Ngày nắng, chỉ số UV cao
-
Chính thức trình Thủ tướng lịch nghỉ Tết 2025
-
Điều chỉnh cách tính lương hưu của khu vực Nhà nước từ năm 2025