Lừa cài đặt ứng dụng để giả mạo cán bộ thuế, chiếm đoạt tài sản
Kẻ gian giả mạo cán bộ của chi cục thuế, hướng dẫn người nộp thuế cài đặt ứng dụng giả mạo ứng dụng của cơ quan nhà nước với mục đích chiếm đoạt tài sản.
Thời gian vừa qua, tại TP.HCM đã ghi nhận nhiều trường hợp mạo danh cơ quan thuế, công chức thuế gọi điện thoại người nộp thuế để lừa đảo. Về vấn đề này, Cục Thuế TP.HCM ngày 10.10 đã lên tiếng giải thích.
Theo Cục Thuế TP.HCM, cơ quan thuế chỉ tiếp nhận hoặc yêu cầu người nộp thuế bổ sung hồ sơ theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế ngày 13.6.2019. Khi cần phổ biến các quy định pháp luật mới về thuế, cơ quan thuế sẽ tổ chức tập huấn (có thư mời) hoặc có văn bản thông báo, tuyên truyền cho người nộp thuế được biết.
Mới đây, trong Thư ngỏ gửi người nộp thuế, cảnh báo về hành vi mạo danh gửi các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn, Chi cục Thuế quận 4 (Cục Thuế TP.HCM) đã chỉ ra các hành vi thường được những kẻ lừa đảo sử dụng phổ biến. Cụ thể:
Thứ nhất, đối tượng gọi điện thoại tự xưng là công chức thuế đề nghị người nộp thuế mang căn cước công dân, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh... đến cơ quan thuế để được gia hạn các loại thuế, làm thủ tục miễn, giảm, hưởng ưu đãi về thuế... Chúng yêu cầu người nộp thuế trước khi đến làm việc phải chụp hình các giấy tờ trên và gửi vào các số điện thoại đã gọi.
Thứ hai, chúng giả mạo cơ quan thuế gọi điện thoại mời chào, dụ dỗ, dọa nạt, lừa đảo, ép người nộp thuế mua sách, tài liệu, cẩm nang về thuế dưới hình thức đặt hàng và thanh toán qua bưu điện. Nếu người nộp thuế không mua sẽ bị kiểm tra, thanh tra thuế, hoặc gây khó dễ khi làm việc với cơ quan thuế.
Thứ ba, chúng gọi điện thoại, nhắn tin, kết bạn Zalo, cung cấp đường dẫn và hướng dẫn người nộp thuế cài đặt các phần mềm giả mạo ứng dụng của ngành thuế (nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng với mục dích chiếm đoạt tài sản). Các ứng dụng lừa đảo thường yêu cầu cấp quyền như xem màn hình, dữ liệu nhập, điều khiển màn hình. Từ đó, chúng sẽ chiếm quyền điều khiển điện thoại, thiết bị thông minh, lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng của người dùng.
Thứ tư, chúng gọi điện thoại tự xưng là công chức thuế yêu cầu người nộp thuế mang theo căn cước công dân, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, laptop lên trụ sở cơ quan thuế để điều chỉnh, giải trình, bổ sung thông tin nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người nộp thuế.
Ngoài việc gửi thư ngỏ cảnh báo cho người nộp thuế biết, cơ quan thuế cũng đồng thời có văn bản đề nghị chính quyền địa phương xem xét, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đăng tải rộng rãi nội dung thư ngỏ để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn biết, cảnh giác và phòng tránh trước những thủ đoạn lừa đảo của kẻ xấu.
Trước tình hình ngày càng có nhiều kẻ mạo danh cơ quan thuế để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên môi trường mạng Internet, Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) đã nhận diện và phát đi cảnh báo tới các đơn vị trong toàn ngành thuế và người nộp thuế.
Trong đó, Cục Công nghệ thông tin đặc biệt lưu ý thủ đoạn mà kẻ lừa đảo thực hiện, đó là việc chúng dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI như là deepfake, deep voice để tạo ra các video giả mạo cán bộ thuế, người thân, bạn bè để lừa đảo.
Chúng tạo trang web có giao diện gần giống trang web của cơ quan, doanh nghiệp từ hình ảnh, giao diện và nội dung để người dùng nhầm tưởng là trang web của cơ quan thuế hoặc đơn vị cung cấp. Sau đó, chúng sử dụng tin nhắn giả mạo thương hiệu với các nội dung yêu cầu người dùng phải truy cập vào liên kết giả mạo, khai báo thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và từ đó thực hiện hành vi đánh cắp, chiếm đoạt thông tin dữ liệu người dùng, lừa đảo.
Một số địa chỉ đã từng được kẻ lừa đảo sử dụng đều có đường dẫn đến có định dạng bất thường như là vn-cbs.xyz. vn-ms.top... Nghiêm trọng hơn, chúng giả mạo tin nhắn SMS Brandname cơ quan thuế để thông báo nộp thuế, quyết định xử phạt... yêu cầu người nộp thuế cung cấp thông tin cá nhân hoặc cài đặt ứng dụng qua đường dẫn không chính thống, không phải do Tổng cục Thuế cung cấp.
Có trường hợp, kẻ lừa đảo giả mạo cơ quan thuế để gọi điện hăm dọa, sử dụng chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người nộp thuế như mời chào, dụ dỗ, dọa nạt, lừa đảo ép buộc người nộp thuế mua sách, tài liệu, cẩm nang về thuế với hình thức đặt hàng và thanh toán qua bưu điện... nếu người nộp thuế không mua sẽ bị kiểm tra, thanh tra thuế hoặc gây khó dễ khi làm việc với cơ quan thuế hoặc gửi mail thông báo người nộp thuế cần hoàn thành thủ tục cập nhật CCCD gắn chip cho người đại diện theo pháp luật trên đăng ký kinh doanh và có thu phí từ vài trăm đến vài triệu đồng.
Ngoài ra, chúng cũng có thể giả mạo cơ quan thuế phát hành thông báo về việc ủy quyền đóng thuế cho công ty/cá nhân trung gian (trừ hệ thống bưu điện được ủy quyền thu thuế hộ kinh doanh) nhằm chiếm đoạt tiền của người nộp thuế.
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội
-
Bão Toraji giật cấp 12 vào Biển Đông, trở thành bão số 8