Lối ra nào cho gạo Việt?

Thứ hai, 07/10/2019, 14:48 PM

Xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm 2019 giảm mạnh so với cùng kỳ. Thị trường cạnh tranh gay gắt hơn, các rào cản mới liên tục xuất hiện. Đâu là lối ra cho hạt gạo Việt xuất khẩu?

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm nay còn phải cạnh tranh với đối thủ mới là Myanmar, Campuchia.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm nay còn phải cạnh tranh với đối thủ mới là Myanmar, Campuchia.

Xuất khẩu giảm mạnh

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2019, gạo Việt xuất khẩu được 5,4 triệu tấn, dù sản lượng tăng nhẹ so với cùng kỳ nhưng do giá bán giảm mạnh, nên giá trị đạt chưa đến 2 tỷ USD (giảm 15%).

Khó khăn này đến từ nhiều phía. Tại thị trường lớn nhất là Trung Quốc, việc thay đổi chính sách nhập khẩu và đưa ra hạn ngạch khiến lượng gạo Việt Nam xuất vào thị trường này giảm mạnh. Trước đây, Việt Nam vẫn xuất được qua đường tiểu ngạch vào Trung Quốc, nhưng từ giữa năm 2018 đến nay chỉ có thể xuất chính ngạch. Trung Quốc cũng siết chặt hơn các quy định về hàng nông sản nhập khẩu (chất lượng, nguồn gốc, kiểm dịch) nên gạo Việt khó xuất được nhiều. Theo Cục Xuất nhập khẩu, gạo Việt xuất vào Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2019 giảm đến 65% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng lưu ý ngoài việc Trung Quốc giảm lượng gạo nhập khẩu, các thị trường khác cũng đưa ra thêm nhiều rào cản mới. Trong khi đó, cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu gạo ngày càng gay gắt hơn.

Ông Nguyễn Chánh Trung, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long cho rằng, hiện giờ đang là giai đoạn khó khăn của ngành xuất khẩu gạo. Thứ nhất, giá gạo đang giảm khoảng 15% so với thời điểm những tháng đầu năm 2019, do thị trường cạnh tranh và cung tăng. Thứ hai, Trung Quốc đang muốn luân chuyển tồn kho dự trữ quốc gia. Dù họ vẫn nhập để dự trữ nhưng hạn chế, đồng thời xả kho để tiêu thụ trong nước.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm nay còn phải cạnh tranh với đối thủ mới là Myanmar, Campuchia. Trong giai đoạn đầu năm 2019, Trung Quốc giảm mua gạo từ Việt Nam để mua từ Campuchia. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam là Philippines cũng đang vào mùa thu hoạch (tháng 9 đến cuối tháng 11), khiến lượng nhập khẩu của nước này cũng giảm.

Thị trường nội địa đang tiêu dùng khoảng 17 triệu tấn gạo/năm. Con số này lớn gấp 3 lần lượng xuất khẩu nhưng chưa nhiều doanh nghiệp chú ý đầu tư bài bản.

Thị trường nội địa đang tiêu dùng khoảng 17 triệu tấn gạo/năm. Con số này lớn gấp 3 lần lượng xuất khẩu nhưng chưa nhiều doanh nghiệp chú ý đầu tư bài bản.

Đường nào thoát khó?

Ông Nguyễn Chánh Trung đánh giá, dù thị trường hiện tại đang gặp khó nhưng cũng không quá đáng lo. Các khó khăn trên không phải đến cùng lúc và doanh nghiệp đều có thể đoán trước được. Giai đoạn này, chỉ những nhà kinh doanh nhỏ lẻ, các nhà máy truyền thống là gặp khó.

Các khó khăn kiểu này xuất hiện 2-3 năm một lần. Khó khăn hiện tại cũng không phải quá lớn vì thị trường xuất khẩu còn nhiều điểm sáng. Chẳng hạn, dù Philippines giảm nhập nhưng từ đầu năm đến nay, họ nhập gạo Việt Nam rất nhiều, hơn 1,5 triệu tấn trong 8 tháng, chủ yếu gạo cao cấp. Ngoài ra, giá gạo cao cấp (5451, Đài Thơm 8, Jasmine, Japonica) dù rớt giá nhưng không nhiều. Sau khi tăng liên tục vào những tháng giữa năm, giá gạo cao cấp xuất khẩu hiện giảm 15% và còn 400-420 USD/tấn. “Đây là mức biến động mà doanh nghiệp có thể lường trước và chịu đựng được” - ông Nguyễn Chánh Trung đánh giá.

Là nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhì nhưng Việt Nam không phải là nơi sản xuất nhiều gạo nhất thế giới. Hiện tại, mỗi năm Trung Quốc dự trữ 100 triệu tấn gạo, trong khi cả Việt Nam, Thái Lan và Myanmar sản xuất mỗi năm chỉ được 80 triệu tấn. Lượng sản xuất cả ba nước chưa bằng dự trữ của Trung Quốc trong 8 tháng. Việt Nam hay Thái Lan không thể kiểm soát được giá bán. Hiện giờ, Trung Quốc cũng bắt đầu xuất gạo nên nguồn cung bị thừa, giá giảm nhanh là tất yếu.

Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, để thoát khỏi khó khăn hiện tại, nên chuyển đổi cơ cấu trồng trọt. Đặc biệt, giảm bớt vụ hoặc trồng lúa hữu cơ để có giá bán cao và ổn định. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Chánh Trung cho biết, nhiều năm nay Tập đoàn Tân Long đang cùng nông dân phát triển dòng gạo cao cấp có xuất xứ từ Nhật. Tuy nhiên, để có sản phẩm gạo có chất lượng cao, phải làm từ từ, điều này không phải doanh nghiệp nào cũng có tiềm lực để theo đuổi.

Để ít bị ảnh hưởng trước biến động của thị trường thế giới, Việt Nam phải xây dựng vùng nguyên liệu hướng đến một thị trường xuất khẩu nhất định. Các nhà máy và doanh nghiệp nhỏ thường chú trọng đến yếu tố thương mại nên gặp rủi ro cao khi cung tăng, giá giảm. Ngoài ra, xây dựng khách hàng bền vững là yếu tố giúp doanh nghiệp giảm bớt thiệt hại trước biến động của thị trường. Doanh nghiệp xuất khẩu chỉ nên ưu tiên những khách hàng nhập ổn định, hoặc ký hợp đồng trước giao hàng sau.

Một hướng ra khác cho gạo Việt mà một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn đang triển khai là hướng vào thị trường nội địa. Mỗi năm, Việt Nam sản xuất 42 triệu tấn lúa, tương đương 23 triệu tấn gạo nhưng chỉ xuất 5-6 triệu tấn. Như vậy, thị trường nội địa đang tiêu dùng khoảng 17 triệu tấn gạo/năm. Con số này lớn gấp 3 lần lượng xuất khẩu nhưng chưa nhiều doanh nghiệp chú ý đầu tư bài bản.

DƯƠNG NGUYỄN

Theo NTD