Lợi nhuận cắm đầu đi xuống, Petrolimex rớt khỏi top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán

Thứ năm, 22/02/2018, 09:25 AM

Sau khi lợi nhuận năm 2017 cắm đầu đi xuống đầy bất ngờ, ông lớn ngành xăng dầu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) rớt khỏi Top 10 doanh nghiệp giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Petrolimex là anh cả ngành xăng dầu, có thị phần và mức độ ảnh hưởng lớn nhất tới thị trường xăng dầu Việt Nam. Vì vậy, khi niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), cổ phiếu PLX nhận được nhiều quan tâm từ nhà đầu tư.

Chào sàn với mức giá tham chiếu 43.200 đồng/cổ phiếu, PLX nhanh chóng tăng lên tới 48.900 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch đầu tiên. Tới 26/1/2018, PLX đạt đỉnh 93.000 đồng/cổ phiếu, tăng 115% so với giá tham chiếu ngày chào sàn. Trong thời gian dài, PLX nằm trong Top 10 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất Việt Nam cùng nhiều tên tuổi lớn như: Vinamilk, Vingroup, Vietcombank…

Thế nhưng, gần đây, Petrolimex đã rớt ra khỏi Top 10 này khi lợi nhuận đi xuống. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2017, lợi nhuận sau thuế trong kỳ của công ty chỉ đạt 1.078 tỷ đồng giảm 739 tỷ đồng, tương đương 40,7% so với quý 4/2016, lũy kế cả năm đạt 3.984 tỷ đồng, giảm 1.163 tỷ đồng, tương ứng 22,6% so với năm 2016.

Lợi nhuận cắm đầu đi xuống, Petrolimex rớt khỏi Top 10 đại gia giàu nhất Việt Nam

Lợi nhuận cắm đầu đi xuống, Petrolimex rớt khỏi Top 10 đại gia giàu nhất Việt Nam

Petrolimex đã giải thích cho điều bất thường này là do giá dầu thế giới trong quý 4 có xu hướng tăng liên tục dẫn đến tốc độ tăng giá vốn hàng bán cao hơn tốc độ tăng doanh thu khoảng 8%.

Đồng thời, chính sách điều hành thuế suất nhập khẩu bình quân mặt hàng xăng trong giá cơ sở công bố của Nhà nước thấp hơn mức thuế suất áp dụng thực tế nên ảnh hưởng đến lãi gộp bán hàng của Petrolimex.

Lợi nhuận giảm sâu trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào đợt suy giảm lịch sử hồi đầu tháng 2 nên so với mức đỉnh thiết lập ngày 26/1/2018, cổ phiếu PLX đã giảm 14.800 đồng/cổ phiếu, tương đương 15,9%.

Với đà giảm sâu này của PLX, vốn hóa thị trường Petrolimex “bốc hơi” 19.149 tỷ đồng xuống 90.619 tỷ đồng. Như vậy, Petrolimex đã bị đánh bật ra khỏi Top 10 doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Và đơn vị thế chỗ cho Petrolimex là Công ty Cổ phần Vincom Retail (VRE).

“Tân binh” VRE chào sàn HOSE trong ngày 6/11/2017 với mức giá tham chiếu 33.800 đồng/cổ phiếu. Chốt phiên 13/2/2018, VRE dừng ở mức 48.050 đồng/cổ phiếu, tăng 14.250 đồng/cổ phiếu, tương ứng 42,1% so với giá chào sàn. Vốn hóa thị trường Vincom Retail có thêm 27.090 tỷ đồng. Nhờ đó, VRE đứng ở vị trí “chốt” Top 10 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán.

Là tân binh trên sàn chứng khoán nhưng VRE khá quen thuộc với người dân Việt Nam khi sở hữu thương hiệu Vincom Mega Mall, Vincom Center, Vincom Vincom Plaza, Vincom+. Tổng diện tích mặt bằng trung tâm thương mại của Vincom Retail gần 1,2 triệu m2. Tại Hà Nội và TP.HCM, thị phần của Vincom Retail đạt 60%.

Thời gian qua, cổ phiếu HPG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát cũng lọt vào danh sách các bluechip tăng mạnh nhất. Vì vậy, không ngạc nhiên khi vốn hóa của HPG cũng lọt vào Top 10 khi vốn hóa của doanh nghiệp này lên tới 91.922 tỷ đồng.

Trong Top 10 này, ngân hàng là ngành chiếm ưu thế nhất khi có tới 3 đại diện là Vietcombank, VietinBank và BIDV. Trong đó, Vietcombank dẫn đầu ngành khi đứng ở vị trí số 2 với 230.257 tỷ đồng vốn hóa thị trường.

Đứng ngay sau Vietcombank là Tập đoàn Vingroup với vốn hóa 227.106 tỷ đồng. Vốn hóa Vingroup tăng mạnh khi cổ phiếu VIC có nhiều bứt phá trong những tháng cuối năm 2017.

Đã có thời đứng ở vị trí trong Top 10 này nhưng hiện tại Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đang tạm hài lòng với vị trí thứ 4. Ông lớn ngành khí được nhà đầu tư sàn HOSE định giá 206.706 tỷ đồng.

Trong năm 2017, cổ phiếu SAB của Tổng công ty Cổ phần Rượu - Bia - Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco) từng gây bão khi tăng vọt nhờ thông tin thoái vốn Nhà nước. Có thời điểm, SAB là cổ phiếu duy nhất đạt hơn 300.000 đồng/cổ phiếu. Thế nhưng, cổ phiếu SAB nhanh chóng tuột dốc sau khi thương vụ thoái vốn kết thúc.

Dù vậy, tới nay, Sabeco vẫn là doanh nghiệp lớn thứ 6 trên thị trường. Đứng ngay trên Sabeco là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có cổ phiếu đăng ký giao dịch tại sàn UPCoM. Và đứng ở vị trí số 1 vẫn là cái tên quen thuộc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Vy Vy

Theo NTD

largeer