Lời nào cho doanh nghiệp nhà nước

Thứ tư, 30/05/2018, 10:18 AM

Quốc hội dành hẳn một ngày để nghe báo cáo giám sát và thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DN nhà nước giai đoạn 2011 – 2016.

Báo cáo giám sát cho rằng dù lợi nhuận tăng nhưng chưa tương xứng với tiềm lực mà Nhà nước đầu tư vào lĩnh vực này. Các doanh nhiệp nhà nước là một lực lượng hùng hậu cả về con người, đồng vốn, tài nguyên và hàng loạt các ưu đãi khác.

Tuy nhiên, trong vòng 5 năm, doanh nhiệp nhà nước đã “đội nợ” tăng từ 1,3 triệu tỷ đồng lên 1,6 triệu tỷ đồng. Con số nợ khổng lồ này hẳn làm không ai hài lòng và yên tâm về nó. Ý kiến của các đại biểu tham gia thảo luận đã mổ xẻ không thương tiếc thực trạng của “đứa con cưng” được nuông chiều này. Chẳng hạn, muốn thăng chức, lên lương thì báo lãi, muốn trốn thuế thì báo lỗ, thoải mái “làm xiếc” với các con số, hoặc lãnh đạo DN làm ăn thua lỗ nhưng chưa thấy ai bị mất chức hay đi tù cả, trừ những trường hợp vi phạm pháp luật đã quá rõ ràng.

DN nhà nước làm cái gì cũng có lợi cho cá nhân và Nhà nước chịu thiệt như việc mua vào thì đắt, bán ra với giá bèo bọt, nhập máy móc, thiết bị với giá trên trời, tiền chênh lệch bỏ túi, khi phải thanh lý những thứ đó lại là cơ hội kiếm tiền một lần nữa. Dưới danh nghĩa DN của Nhà nước, được ưu ái ban phát cho những khu “đất vàng” nhưng chỉ nhăm nhăm bán đi mà không nghĩ cách cho nó “đẻ ra vàng”. Đó là một ví dụ trong sự phung phí tài nguyên đất nước. Dẫn chứng nhỏ nhưng điển hình, chỉ một thương vụ bán “đất vàng” mà 4 công ty thuộc Bộ Công Thương ở TP Hồ Chí Minh “đút túi” 200 tỷ đồng. 

Sự phung phí còn thể hiện ở một động thái khác là đầu tư ra nước ngoài. Trong 5 năm đã có 7 tỷ đô la “hành hương” sang xứ người và nhiều khả năng là một số “đội nón ra đi” không mong ngày hồi cố hương nữa. Lợi nhuận từ 7 tỷ đô la này là 2% thôi, cứ gửi tiết kiệm lại chắc ăn hơn nhiều! Trong khi đó, Nhà nước ra sức vận động vay tiền từ nước ngoài với hình thức FDI thì đó là một nghịch lý khó chấp nhận.

Cổ phần hóa DN nhà nước đã chiếm tới 95% - một con số đáng tự hào! Chỉ tiếc rằng số vốn đã cổ phần hóa đó chỉ chiếm 8%. Vậy có thể dễ dàng rút ra kết luận là cổ phần hóa chỉ là hình thức thôi.

Theo dõi các ý kiến của đại biểu Quốc hội, lạ thay, không một lời khen lấy lệ để mào đầu cho việc phê phán. Chỉ có nêu lên những thực trạng đáng buồn. Một chuyên gia kinh tế, pháp luật nêu vấn đề, bao giờ thì hàng triệu tỷ đồng trong “hộp đen” DN nhà nước được “giải mã” để nhân dân biết. Đó là điều hết sức đáng được quan tâm vì sự phát triển của đất nước này!

Nhị Ngọc

Theo PLVN