Logistics Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức

Thứ tư, 10/10/2018, 20:25 PM

Logistics Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Trong một cuộc khảo sát gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Việt Nam năm 2018 xếp hạng 39/160 quốc gia, tăng 25 bậc so với năm 2016.

Giá logistics cao, đóng góp cho GDP thấp

Có một nghịch lý rất lớn trong ngành logistics Việt Nam là các chi phí cơ bản như phí vận chuyển và xếp dỡ, phí dịch vụ xếp dỡ container khá rẻ nhưng tổng chi phí logistics ở Việt Nam vẫn rất cao. Một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập đó là doanh nghiệp phải chịu thêm phí cho những chi phí không chính thức như: khai báo thủ tục hải quan, chi phí “bôi trơn”…

Theo thống kê của ngân hàng thế giới (World Bank), chi phí nội địa không chính thức cho mỗi container hàng 40 feet là 55,5 USD, lệ phí khai báo thủ tục hải quan “bôi trơn” để được làm việc nhanh chóng có giá là 21 USD. Như vậy tổng các chi phí không chính thức mất đến 76,5 USD. Tỉ trọng chi phí không chính thức so với tổng chi phí nội địa rất lớn: 13,4% dẫn đến logistics ở Việt Nam kém về chỉ số cạnh tranh so với các quốc gia cùng khu vực.

Chi phí logistics ở Việt Nam vẫn rất cao

Chi phí logistics ở Việt Nam vẫn rất cao

Cũng theo World Bank, chi phí logistics cao nhưng chi phí logistics nội địa lại thấp. Ví dụ, để vận chuyển một container 40 feet từ TP.HCM (Việt Nam) đến Los Angeles (Hoa Kỳ), tổng chi phí logistics là 2.532 USD, trong đó chi phí logistics nội địa chỉ chiếm 22,59% (572 USD), đồng nghĩa 77,41% chi phí còn lại (1.960 USD) rơi vào túi doanh nghiệp nước ngoài, những hãng tàu vận tải quốc tế. Việt Nam thu về từ dịch vụ kho bãi, nhà máy đến cảng, làm thủ tục hải quan với những con số hết sức khiêm tốn: khoảng 20% tổng chi phí. Thế nên mới có chuyện tổng giá trị của thị trường logistics Việt Nam tương đương từ 21% đến 25% GDP quốc gia, nhưng thực tế ngành logistics chỉ đóng góp rất ít: khoảng 2% đến 3% vào GDP của đất nước.

Logistics Việt Nam vừa thiếu lại yếu

Nguồn nhân lực có chuyên môn về logistics còn hạn chế, hạ tầng cơ sở chưa hoàn thiện, chưa có các trung tâm logistics ở các khu vực kinh tế trọng điểm, sự thiếu kết nối giữa các doanh nghiệp trong ngành logistics… là những thách thức mà logistics Việt Nam không dễ giải quyết trong thời gian ngắn.

Theo ông Nguyễn Công Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT, hiện Việt Nam có khoảng 6.000 nhân viên logistics có trình độ và 1 triệu lao động làm việc trong ngành logistics, mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thực tế. Trong khi các ngành khác như kế toán, ngân hàng, quản trị kinh doanh xuất hiện đầy rẫy ở các trường đại học, cao đẳng thì ngành logistics vẫn chưa được đào tạo, quan tâm một cách chuyên nghiệp và có hệ thống.

Logistics Việt Nam vẫn chưa phát triển đồng bộ

Logistics Việt Nam vẫn chưa phát triển đồng bộ

Ngày 4/10/2018, Trung tâm logistics Thăng Long đã được khánh thành tại xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên). Cuối tháng 9/2018, Dự án Trung tâm logistics và Cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã được khởi công. Dự án gồm hai phần: Trung tâm logistics Cái Mép Hạ có tổng diện tích 1.200 ha với tổng số vốn đầu tư dự kiến khoảng 40.000 tỷ đồng và Cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ có diện tích 86,6 ha với tổng số vốn đầu tư dự kiến 10.000 tỷ đồng.

Sự xuất hiện của các trung tâm logistics hiện đại này sẽ góp phần vào sự phát triển chung của hạ tầng cơ sở logistics Việt Nam. Mặc dù vậy, một trong những vấn đề mà các nhà quản lý ngành Logistics Việt Nam đang phải cố gắng giải quyết là tình trạng mất cân bằng khi logistics đường bộ chiếm tới 80% thị phần chung. Khi logistics đường sắt, đường biển và đường hàng không vẫn còn đóng vai trò khiêm tốn thì logistics Việt Nam vẫn chưa thể nhảy vọt.

Thế Anh

Theo NTD