“Trùm” vận tải biển thế giới muốn tới hội nghị về logistics của Việt Nam
“Ngoài sự xuất hiện của các Hiệp hội, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực vận tải, logistics trong nước…, MSC - một hãng tàu biển lừng danh thế giới cũng ngỏ ý muốn có mặt tại Hội nghị toàn quốc về logistics và kết nối các phương thức vận tải diễn ra vào ngày 16/4”, ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) thông tin với PLVN.
Đây là hội nghị lớn nhất từ trước đến nay về lĩnh vực này, được chủ trì bởi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Chính phủ, các Bộ GTVT, Công thương, Kế hoạch Đầu tư… và lãnh đạo 62 tỉnh, thành trên toàn quốc tại 62 điểm cầu trực tuyến.
Mục đích của hội nghị, theo ông Ngọc là để Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan có thể nhìn thấy một “bức tranh” tổng thể về logistics, chi phí và thực trạng kết nối các phương thức vận tải, hạ tầng giao thông hiện nay.
“Tại đây, chắc chắn sẽ có nhiều chia sẻ đến từ các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp về những tồn tại, vướng mắc. Các Bộ ngành, trong đó có Bộ GTVT sẽ thẳng thắn nhìn nhận, phân tích những điểm nghẽn, thậm chí là những yếu kém nếu có để làm sao giảm tối đa chi phí logistics liên quan đến vận tải, qua đó tăng cường sức cạnh trạnh cho hàng hoá Việt và lớn hơn là năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam”, ông Ngọc nói.
Thưa ông, những thay đổi có thể nhìn thấy được hay nói chính xác hơn là những “sản phẩm” nào có thể có ngay sau hội nghị quan trọng này?
- Tôi nghĩ với sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ đối với lĩnh vực này, thì ngay sau hội nghị nói trên, Thủ tướng sẽ có Chỉ thị về việc giảm chi phí logistics liên quan đến vận tải và tăng cường kết nối có hiệu quả hạ tầng giao thông.
Còn phía Bộ GTVT thì sẽ tiến hành rà soát lại các thủ tục hành chính liên quan; cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết; tái cơ cấu vận tải theo hướng tăng cường đường thuỷ, hàng hải, đường sắt, giảm quá tải trên đường bộ.
Chẳng hạn ở góc độ là Bộ quản lý chuyên ngành, chúng tôi sẽ phải có giải pháp để hạ tầng giao thông có thể kết nối tốt nhất với các cảng biển trong điều kiện có thể, vì khoảng 90% hàng hoá xuất nhập khẩu hiện nay có liên quan đến cảng biển.
Hay như với hàng không cũng vậy, dù thị phần của nó nhỏ những không thể không tham gia trong vòng tròn logistics vì thế mạnh của hàng không là vận chuyển được hàng hoá khối lượng nhỏ, nhưng giá trị hàng hoá cao, thời gian vận chuyển nhanh... nên hàng không cũng có những thị trường riêng và đặc thù cần khai thác.
Sự quan tâm và mức độ lan toả của một hội nghị được cho là lớn nhất từ trước đến nay về logistics do Bộ GTVT đang chuẩn bị, như thế nào, thưa ông?
- Ý thức được tầm quan trọng của hội nghị này, trong thời gian gần đây, Bộ trưởng GTVT đã đích thân chủ trì 2 cuộc họp về chuẩn bị tổ chức hội nghị; ngoài ra, một đồng chí Thứ trưởng Bộ GTVT trực tiếp chỉ đạo các bộ phận liên quan để chuẩn bị tốt nhất cho hội nghị này.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 17 đơn vị, doanh nghiệp, trường, định chế tài chính quốc tế (Ngân hàng Thế giới)… đăng ký tham dự và sẽ có tham luận tại hội nghị, xoay quanh các vấn đề: Giải phảm giảm chi phí logistics trong lĩnh vực GTVT; nâng cao hiệu quả khai thác, kết nối cảng biển; giải pháp thu hút đầu tư cảng, bến thuỷ nội địa kết nối vận tải đa phương thức; phát triển hạ tầng đường sắt để để giảm chi phí dịch vụ logistics…
Đặc biệt, tại cuộc tiếp xúc làm việc mới đây giữa Bộ trưởng GTVT Việt Nam với Bộ trưởng phụ trách Môi trường, Năng lượng, Giao thông và Truyền thông Thuỵ Sĩ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có đề cập đến vấn đề này với đoàn bạn, thì ngay sau đó Hãng tàu MSC - một trong những hãng tàu biển lớn nhất thế giới của Thuỵ Sĩ đã liên hệ với chúng tôi bày tỏ mong muốn được có mặt tại hội nghị này. Điều đó chứng tỏ sự kiện trên dù chưa diễn ra, nhưng đã thu hút sự quan tâm của những đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Chúng tôi tin tưởng rằng, sau hội nghị việc kết nối các phương thức vận tải sẽ tốt hơn, giá thành vận tải có thể sẽ hạ xuống. Đó là điều mà doanh nghiệp đang mong muốn nhất và cũng là đòi hỏi của nền kinh tế.
Cảm ơn ông!
Vì sao đường sắt chưa “dính chặt” với đường thuỷ, đường biển…?
“Hiện nay, đường sắt chỉ có kết nối đến các cảng biển khu vực Hải Phòng (cảng Hoàng Diệu, cảng Vật Cách...) và Quảng Ninh (cảng Cái Lân). Tuy nhiên, bến cảng Hoàng Diệu là khu bến chính của Công ty CP Cảng Hải Phòng lại đang triển khai di dời nên việc kết nối chưa đem lại hiệu quả cao. Trong khi đó, tại Quảng Ninh, công tác đầu tư kết nối toàn tuyến chưa hoàn thiện nên hoạt động khai thác đường sắt tại cảng Cái Lân chưa thực hiện được.
Kết nối giữa đường sắt với đường thuỷ chỉ có 2 điểm là ga Việt Trì, Ninh Bình nhưng do một số lý do nên đến nay không thể hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, không hiệu quả.
Ngoài ra, do sức kéo đầu máy với nhiều chủng loại, công suất khác nhau trong đó loại đầu máy có công suất thấp, cũ, lạc hậu vẫn còn nhiều (60%) nên hạn chế tốc độ và tiêu hao nhiều nhiên liệu…”, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Võ Tuấn
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường