Logistic Việt Nam: "Miếng bánh ngon" vào tay doanh nghiệp ngoại

Thứ bảy, 21/07/2018, 08:24 AM

Dù lượng doanh nghiệp logistics ở nước ta lên đến con số 3000 công ty nhưng đang phải cạnh tranh gay gắt với khoảng 29 công ty logistics đa quốc gia để giành quyền vận chuyển hàng hoá Việt Nam xuất khẩu ra thị trường khu vực và thế giới.

Các hãng dịch vụ nước ngoài lất át doanh nghiệp nội.

Các hãng dịch vụ nước ngoài lất át doanh nghiệp nội.

Vì sao DN logistic Việt thua ngay trên sân nhà?

Theo Hiệp hội Logistic, với khoảng 1.300 – 1.500 DN hiện đang hoạt động mạnh, chiếm khoảng 80% số DN trong ngành, các DN dịch vụ logistics Việt Nam đang cung cấp chủ yếu các dịch vụ nội địa như dịch vụ vận tải nội địa, vận tải đa phương thức, dịch vụ cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ kho bãi,… Dù có số lượng DN logistics chiếm đa số nhưng sức cạnh tranh của các DN logistics Việt Nam còn hạn chế do chi phí cao. Đơn cử chi phí vận chuyển cho một container hàng khoảng 100 km nội địa đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.

“Các yếu tố cấu thành trong logistic 60% là vận tải gồm đường bộ và vận tải đa phương thức vận tải nội địa quốc tế, các cấu thành này còn cao, thứ hai là các chi phí không cấu thành trong vận tải như chi phí đi đường, tắc đường, cầu đường còn cao nên tạo nên chi phí logistic của chúng ta còn cao, chiếm 20% trong GDP”. Chia sẻ của ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistic Việt Nam.

Ngoài ra các chuyên gia đầu ngành lý giải, mức chi phí cao so với các DN cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, là do DN logistics Việt Nam còn hạn chế về quy mô DN và vốn, về kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin, cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yếu cầu hoạt động quốc tế. DN logistics và các DN xuất nhập khẩu lại chưa có sự gắn bó, liên kết đầy đủ. Bên cạnh đó, khó khăn còn do thiếu hạ tầng kết nối các khu vực cảng với khu vực tập trung hàng hóa; thiếu các trung tâm giao nhận hàng hóa và dịch vụ chuyên dụng. Cụ thể hiện nay ở Việt Nam các cảng biển đang rơi vào tình trạng cảng cũ, quá tải, quy hoạch vị trí các cảng quan trọng lại không phù hợp như cảng Cát Lái lại nằm sâu trong đất liền, làm đội chi phí vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.

“Hạn chế về thể chế chính sách các quy định còn chưa rõ ràng chồng chéo, phân công giữa các bọ ngành, cải cách thủ tục hành chính còn hạn chế, quy mô của các dn logistic còn nhỏ, năng lực cạnh tranh kém, kết cấu hạ tầng còn chưa đồng bộ”. Chia sẻ của ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Quy mô, chất lượng dịch vụ các hãng tàu ngoại vượt trội so với nội địa

Quy mô, chất lượng dịch vụ các hãng tàu ngoại vượt trội so với nội địa

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đầu ngành cũng cho rằng, DN logistics đang thực hiện dịch vụ thay mặt DN xuất nhập khẩu để kê khai hải quan, làm tất cả các thủ tục chuyển giao hàng hóa lên xuống tàu. Do đó, việc 1 số địa phương hiện nay thu phí kết cấu hạ tầng cửa khẩu cảng biển ở mức quá cao đã làm tăng chi phí và thời gian thực hiện dịch vụ logistics. Ví dụ các DN làm dịch vụ vận tải, cho khoảng 4.500 container 40 feet/tháng, sẽ mất 2,25 tỷ đồng chi phí. Số tiền này không lấy được của DN xuất nhập khẩu ngay lập tức mà phải chờ hết tháng hoặc hết quý mới quyết toán được. Việc đọng vốn, lãi ngân hàng cao khiến DN logistics gặp không ít khó khăn. Đồng thời, hiện nay nhân lực của ngành logistics rất yếu về cả kiến thức chuyên môn và tiếng Anh chuyên ngành. Hầu hết DN phải đào tạo lại nhân lực khi tuyển dụng về đơn vị mình.

Ông Leandro Harari – chủ tịch Hiệp hội các nhà vận tải biển quốc tế (WFO): “ Tôi nghĩ rằng hiện nay dù đang có tiềm năng phát triển rất lớn nhưng các doanh nghiệp vận tải VN, nhất là vận tải đường biển còn gặp chút khó khăn trong chi phí, khâu thông quan, cần có liên kết thương thảo với nhau để phát triển công việc này nhanh hơn”.

Giải bài toán logistic

Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistic, cần phải phát triển dịch vụ vận tải quốc tế bằng đường biển và đường hàng không bằng cách hỗ trợ để cho  doanh nghiệp VN điều hành và tổ chức. Bên cạnh đó cận tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận nhanh và chính xác các thông tin còn thiếu, tăng cường cảnh báo của các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội cũng như các cơ quan liên quan đến các DN trong ngành.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistic Việt Nam.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistic Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo chia sẻ của ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan, thời gian tới cần đẩy mạnh hơn các khâu tiền, hậu kiểm để đẩy mạnh thời gian thông quan và giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp, góp phần thu hút sử dụng dịch vụ logistic nội địa. Đặc biệt, phía Hải quan Việt Nam cũng khẳng định, thời gian tới sẽ đẩy mạnh đưa vào hoạt động các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục, quy trình tiên tiến trong khu vực và quốc tế để thay đổi chất lượng dịch vụ logistic trong nước.

Phía các cơ quan quản lý nhà nước đồng thời cũng kêu gọi các doanh nghiệp nội địa sử dụng dịch vụ logistic cho nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa cần cố găng liên kết và đẩy mạnh hỗ trợ hợp tác với các doanh nghiệp logistic trong nước, để “miếng bánh ngon” này không chỉ mãi nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại.

Kim Ngọc 
Ảnh: Internet

Theo NTD

largeer