Lễ cúng lúa mới – sự tôn trọng hạt thóc của người Mnông Gar
Đối với người Mnông, cúng lúa mới là lễ tục quan trọng, không thể thiếu trong đời sống.
Với ý nghĩa tôn vinh hạt thóc của các thần ban cho người dân, nghi lễ được thực hiện hàng năm nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình sung túc và buôn làng yên vui. Lễ cúng lúa mới của người Mnông Gar ở buôn Jiê Yuk (đọc là Giê Dúc), xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk cũng mang ý nghĩa đó.
Với nền kinh tế thuần nông và truyền thống trỉa lúa rẫy, người Mnông Gar ở buôn Jiê Yúk, xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk có các nghi lễ cúng theo vòng đời cây lúa khá phong phú.
Theo đó, từ lúc bắt đầu làm đất, xuống giống cho đến khi thu hoạch và đưa về nhà thì có 3 lễ cúng ứng với 3 giai đoạn quan trọng, đó là giai đoạn làm đất, xuống giống; giai đoạn lúa trổ đòng; giai đoạn mừng lúa về kho hay còn gọi là mừng lúa mới. Ông Y Krông Triết, ở buôn Jiê Yuk, xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, đây là những nghi lễ quan trọng thể hiện sự tôn vinh hạt thóc nên được người dân lưu truyền qua nhiều thế hệ và còn tiếp diễn đến tận ngày nay.
"Lễ tục này đã có từ xưa và mình theo dõi phong tục thời xưa đó và tiếp diễn đến tận ngày nay, không bỏ được đâu. Người dân mình làm rẫy nên họ thường làm lễ này. Khi cây lúa mới trổ bông họ cúng một lần và sau khi kết thúc vụ thu hoạch họ lại cúng thêm một lần. Theo phong tục là cúng Yang để có lúa mới, lễ lúa mới mỗi nhà làm riêng, nhà nào giàu thì làm heo, người ta giàu hơn thì có thể làm trâu, còn nếu không có thì có thể làm gà.", ông Y Krông Triết chia sẻ.
Theo ông Y’Hai K’bin, buôn Jiê Yuk, trong các nghi lễ thì lễ cúng mừng lúa mới thường diễn ra vào tháng 12 dương lịch hằng năm, sau khi bà con đã thu hoạch xong mùa màng. Những gia đình có điều kiện sẽ mời thầy cúng về nhà làm lễ và mời bà con họ hàng đến cùng tham dự. Sau đó, cả buôn sẽ chọn một địa điểm để cùng tụ họp lại và ăn mừng kết thúc mùa vụ.
"Lễ tục cúng lúa mới của dân tộc Mnông Gar diễn ra vào tháng 12 hàng năm. Hộ gia đình hoặc người dân trong buôn làng mừng mùa bội thu, họ bắt đầu cúng lúa mới với các nghi thức cúng thần linh, cúng hồn lúa và các loại giống cây trồng về với buôn làng để cho cho buôn làng và hộ gia đình được no ấm cả năm. Cúng lúa mới như thế này thì cúng ở từng hộ gia đình trước xong rồi buôn làng tập trung ở chỗ cộng đồng nào đó, thôn buôn đã lựa chọn một địa điểm để tập trung cúng lúa mới.", ông Y’Hai K’bin cho biết thêm.
Khi tổ chức tại gia đình, lễ cúng sẽ được thực hiện tại kho lúa của gia đình đó. Trong lễ cúng không thể thiếu các vật dụng và lễ vật như: cây nêu, dụng cụ lao động, 3 ché rượu cần, 1 con gà, 1 con heo, 1 chén cơm rượu cần, 1 bầu đựng nước, 1 ống lồ ô, các loại nông sản mới được thu hoạch. Những lễ vật này đã được chuẩn bị sẵn từ trước. Vào hôm diễn ra lễ cúng, ngay từ sáng sớm, mọi thành viên trong gia đình đều tất bật mỗi người một công việc. Bà chủ nhà sẽ chỉ cho con trai hoặc chồng bưng ché rượu cần và dặn dò con gái đi mời bà con, anh em trong buôn đến chung vui với gia đình.
Chị H Tiếp Liêng Hot, buôn Jiê Yuk kể, việc chuẩn bị trong từng gia đình diễn ra khá nhộn nhịp, gia đình nào càng khá giả thì sự chuẩn bị càng kỹ càng: "Đến mùa lúa mới, đón lúa về nhà thì thường thường chủ nhà mời thầy cúng về để cúng. Mừng lúa mới từng hộ tổ chức như thế này thì mình phụ giúp gia đình làm đồ ăn để mời khách và chuẩn bị đồ lễ cúng. Quan trọng nhất là chuẩn bị đồ lễ cúng sau đó nấu đồ ăn để mời khách tham dự buổi lễ. Việc chuẩn bị tùy theo điều kiện của từng hộ gia đình, nếu mà hộ gia đình đó khá giả một chút thì việc chuẩn bị sẽ rất lâu."
Khi tất cả các lễ vật được chuẩn bị đầy đủ thì nghi lễ cũng mừng lúa mới sẽ bắt đầu. Chủ nhà mời thầy cúng ngồi vào ché rượu cần thứ nhất và đưa chén đựng cơm rượu cần, ống lồ ô cho thầy cúng. Thầy cúng sẽ thổi ra âm thanh từ ống lồ ô và đọc bài cúng để gọi hồn lúa về nhà của gia đình cho mọi người được sức khỏe dồi dào và luôn no đủ cả năm. Trong nghi lễ này, máu của con gà trống sẽ được bôi lên tất cả các vật dụng trong gia đình để chứng tỏ hồn lúa đã hiện diện nơi đây.
Với 3 ché rượu cần, lần lượt để cúng thần lúa và người uống đầu tiên là thầy cúng, sau đến chủ nhà và dòng họ. Ché thứ 2 dùng để mời hàng xóm láng giềng trong buôn và ché thứ 3 dùng để mời đội diễn tấu cồng chiêng và đội hậu cần tại lễ cúng. Nghi thức mời rượu xong sẽ đến phần bôi bột gạo. Bột gạo được lấy từ những hạt lúa mới giã chung với củ “M’bé” và “Gưn ba”, dùng để bôi lên các vật dụng trong nhà và các thành viên trong gia đình cầu sức khỏe dồi dào, kho luôn đầy lúa.
Tiếp đến chủ nhà sẽ đưa một cái sừng trâu rót đầy rượu cần và một miếng cơm kèm với thịt heo, gà. Thầy cúng sẽ đặt đồ ăn lên kho lúa rồi đổ rượu cần từ đỉnh kho xuống. Nghi thức này để xin thần lúa từ nay được phép lấy lúa từ trong kho ra giã thành gạo nấu cơm. Cúng xong, gia chủ mời thầy cúng, người uy tín trong buôn cùng uống rượu cần, sau đó lần lượt đến những người khác. Bên chén rượu, mọi người chia sẻ cùng nhau những câu chuyện vui, thưởng thức âm nhạc và hòa vào điệu múa cộng đồng rộn ràng.
Không chỉ riêng người Mnông Gar, lễ cúng lúa mới là một nghi lễ nông nghiệp tiêu biểu không thể thiếu trong đời sống tâm linh của nhiều dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Đây được xem là một trong những hoạt động truyền thống tiêu biểu trong mùa “ăn năm uống tháng” còn được truyền lại tới tận ngày nay./.
H Xíu
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch