Lễ công bố Hàng Việt Nam chất lượng cao
Ngày 20/2, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) tổ chức buổi Lễ trao danh hiệu HVNCLC cho 542 doanh nghiệp đạt chứng nhận năm 2019.
Cuộc điều tra bình chọn HVNCLC 2019 do Hội DN HVNCLC chủ trì thực hiện đã khép lại sau ba tháng điều tra. 270 phỏng vấn viên trên toàn quốc cùng với 60 quản lý, giám sát vùng đã thực hiện phỏng vấn trực tiếp 12.000 hộ gia đình và 5.400 điểm bán tại 12 tỉnh, thành phố là những trung tâm kinh tế trọng điểm của bốn vùng kinh tế (miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ). Ngoài ra, cuộc điều tra năm nay đã nâng cấp việc thăm dò online với App chuyên dụng và kết quả thu được gần 4.000 ý kiến trả lời, là người tiêu dùng cả nước, từ các đô thị lớn và cũng có cả các bạn trẻ từ vùng cao và biên giới phía Bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Đắk Lắk...)
Kết quả: Hội DN HVNCLC tìm ra 542 doanh nghiệp đủ điều kiện đạt nhãn hiệu chứng nhận HVNCLC năm 2019.
Cuộc điều tra HVNCLC 2019 cho thấy, trong mạng lưới liên kết 4 tỉnh ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp), có 38 doanh nghiệp đạt chứng nhận HVNCLC, số doanh nghiệp trên có phần giảm so với năm 2018, cụ thể: An Giang: 15 doanh nghiệp (năm 2018 là 17 doanh nghiệp), Bến Tre 04 doanh nghiệp (năm 2018 là 7 doanh nghiệp), Cần Thơ 14 doanh nghiệp (năm 2018 là 15 doanh nghiệp), Đồng Tháp 05 doanh nghiệp (năm 2018 là 10 doanh nghiệp). Một số tỉnh khác có số doanh nghiệp đạt khá cao, như Đồng Nai 28, Bình Dương 21 doanh nghiệp…
“Số hóa – Chuẩn hóa – Chinh phục thị trường”, vì sao Hội DN HVNCLC chọn chủ đề này cho Lễ công bố, cũng là nội dung hoạt động xuyên suốt của Hội trong năm 2019. Bởi trong cơn chuyển động, tác động của làn sóng công nghệ sinh ra từ cách mạng 4.0, có một thực tế không thể bỏ qua, đó là hàng hoá ngày nay muốn bán được, muốn đi xa và lên được kệ hàng thế giới, bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn với sự hỗ trợ mang tính quyết định của công nghệ.
Yếu tố chuẩn hóa được khẳng định khi Hội DN HVNCLC cho ra đời chương trình LocalG.A.P nằm trong hoạt động của Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập. LocalG.A.P nhằm tạo sức mạnh cho các doanh nghiệp địa phương hội nhập bền vững vào thị trường toàn cầu, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và tiêu chuẩn ở mức độ địa phương và quốc tế, sau đó hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thương mại và hợp tác trên phạm vi toàn cầu. Các sản phẩm được chứng nhận LocalG.A.P sẽ được tổ chức GlobalG.A.P cấp mã số GLN (Localgap Number) và được đăng thông tin các sản phẩm trên website của G.G.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC cho biết: Nhiều nước khu vực ASEAN đang có sự đầu tư mạnh mẽ cho vấn đề số hóa, công nghệ. Như Thái Lan họ áp dụng cải tiến công nghệ tiên tiến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương. Họ đang trong quá trình chuyển dần từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế sản xuất “công nghệ cao, có giá trị cao” bằng cách thúc đẩy sử dụng công nghệ tiên tiến, khoa học và đổi mới song song với việc phát triển cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái kinh doanh lành mạnh.
Chính phủ Thái Lan xác định một số ngành công nghiệp mục tiêu là tự động hóa và robot, hàng không và hậu cần, nhiên liệu sinh học và hóa sinh, công nghệ kỹ thuật số và trung tâm y tế. Qua Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI), Chính phủ hỗ trợ cho sự chuyển đổi kinh tế và bằng hệ thống đầu tư toàn diện và từ đó, Thái Lan đã chào đón khoản đầu tư mới trị giá hơn 900 tỷ baht trong năm 2018, cao hơn 25% so với dự kiến”.
Kim Ngọc
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm