Lập nhiều tài khoản Facebook kinh doanh thực phẩm chức năng để chiếm đoạt tài sản

Thứ sáu, 14/07/2023, 15:23 PM

Lực lượng công an tỉnh Thái Bình vừa triệt phá thành công đường dây chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng từ việc lừa kinh doanh thực phẩm chức năng trên mạng.

Phát hiện đường dây kinh doanh thực phẩm chức năng trên mạng 

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thái Bình phát hiện một đường dây có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với quy mô lớn, có tổ chức.

Qua công tác nghiệp vụ, Công an tỉnh Thái Bình phát hiện trang mạng xã hội Facebook “Cộng đồng Thương mại điện tử VIDA Group” trong đó có các Facebook “Lương Y Giang Thị Nhàn”, “Bà Nhàn trị nám” quảng cáo bán thuốc “Sắc Ngọc Đan” có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trên không gian mạng quy mô rất lớn, có tổ chức, núp bóng doanh nghiệp.

Kết quả điều tra xác định năm 2018, Tạ Tùng Lâm (29 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) đứng ra thành lập Công ty TNHH WallStreet có trụ sở tại quận Đống Đa, TP Hà Nội với ngành nghề chính là kinh doanh thực phẩm chức năng, vật tư y tế.

 Phát hiện đường dây kinh doanh thực phẩm chức năng trên mạng. Ảnh: Công an Thái Bình

Phát hiện đường dây kinh doanh thực phẩm chức năng trên mạng. Ảnh: Công an Thái Bình

Cuối năm 2021, Lâm cùng với Lê Thị Thủy (29 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) lập ra nhóm "VIDA Group" chuyên kinh doanh thực phẩm chức năng, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp. Đồng thời, lập trang Facebook bán hàng online lấy tên "Cộng đồng Thương mại điện tử VIDA Group" và thành lập khoảng 120 chi nhánh (mỗi chi nhánh từ 7-10 nhân viên) để hoạt động lừa đảo.

Cụ thể, những người trong đường dây này dựng các video, hình ảnh quảng cáo thuốc "Sắc Ngọc Đan" có khả năng điều trị dứt điểm các bệnh về nám, tàn nhang nhằm bán hàng, giao dịch qua chuyển phát nhanh.

Để tăng sức hút, đường dây này tung thêm "gói bảo hành" chữa bệnh trong 10 năm với việc mỗi tháng khách hàng sẽ được gửi miễn phí một bộ sản phẩm điều trị nám, tàn nhang có giá trị hơn 1 triệu đồng.

Sau khoảng 2-3 năm khỏi bệnh thì số thuốc miễn phí còn lại của các năm sẽ được công ty hỗ trợ bán ra thị trường với số tiền 100-290 triệu đồng và số tiền này khách hàng sẽ là người được hưởng. Tuy nhiên, để nhận được số tiền này thì công ty đưa ra nhiều lý do yêu cầu khách hàng chuyển thêm tiền kèm "lời hứa" khoản tiền bị hại đã nộp sẽ được hoàn lại, nhưng thực tế sau đó mất hút.

Ngày 05/7/2023 Công an tỉnh Thái Bình khám xét khẩn cấp chỗ ở của 14 trường hợp, thu giữ và niêm phong số tiền mặt hơn 7,4 tỉ đồng, 4 sổ tiết kiệm tổng trị giá 2,58 tỉ đồng. Ngoài ra còn có 20 lượng vàng, hai vòng vàng cùng nhiều ô tô thuộc hạng sang kèm những tang vật khác có liên quan.

Quy định về kinh doanh và quản lý thực phẩm chức năng

Theo Nghị định số 67/2016/NĐ-CP của Chính Phủ quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, nước ngoài (tại Việt Nam) tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế.

Theo đó, để được kinh doanh doanh nghiệp cần trình xuất các giấy tờ chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm chức năng sau: Giấy phép đăng kí kinh doanh có ngành nghề kinh doanh thực phẩm; Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 26/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 của Bộ Y tế; Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với thực phẩm chức năng được kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012

Đối với thực phẩm chức năng nhập khẩu vào Việt Nam thì phải được kiểm tra tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cấp Thông báo lô hàng đạt chất lượng nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012.

Quy định về quản lý thực phẩm chức năng, theo Thông tư 43/2014/TT-BYT quy định về các hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công bố sản phẩm, ghi nhãn và hướng dẫn sử dụng thực phẩm chức năng bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm dinh dưỡng y học, kể cả thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.

Thông tư này không áp dụng đối với sản phẩm dinh dưỡng công thức dùng cho trẻ nhỏ. Việc sản xuất, kinh doanh, công bố sản phẩm, ghi nhãn và hướng dẫn sử dụng sản phẩm này được thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và quy định của pháp luật về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ.

Thông tư trên quy định thực phẩm chức năng phải công bố hợp quy và phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Thực phẩm chức năng nhập khẩu và sản xuất trong nước đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy tại Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Thực phẩm chức năng nhập khẩu và sản xuất trong nước chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm tại Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường..

Về yêu cầu đối với ghi nhãn thực phẩm chức năng, ngoài việc phải thực hiện theo quy định ghi nhãn đối với thực phẩm bao gói sẵn về tên sản phẩm, thành phần cấu tạo của sản phẩm và các nội dung ghi nhãn bắt buộc quy định tại Chương II quy định về ghi nhãn và cách ghi nhãn của Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 27 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn, việc ghi nhãn thực phẩm chức năng đối với từng nhóm thực phẩm cụ thể còn phải tuân thủ quy định tại các điều 9, 11 và 13 Thông tư này và các quy định sau đây: Công bố khuyến cáo về nguy cơ, nếu có; Tên sản phẩm và các nội dung trên nhãn phải phù hợp nội dung đã công bố và các tài liệu kèm theo trong hồ sơ công bố sản phẩm.

Yêu cầu về quảng cáo thực phẩm chức năng: Việc quảng cáo thực phẩm chức năng phải được thực hiện theo quy định pháp luật về quảng cáo. Việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên phương tiện nghe nhìn phải có dòng chữ chú ý: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; chữ viết, lời đọc phải nhìn được và nghe rõ ràng trong điều kiện bình thường.

AN DƯƠNG

Theo Vietq.vn

largeer